Vì cuộc sống, tương lai tốt đẹp cho trẻ

30 năm thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em: Hướng tới tương lai tốt đẹp của trẻ

(HNNN) - Ngày 20-11-1989, Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em được thông qua. Đúng 3 tháng sau, ngày 20-2-1990, Việt Nam, quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới, đã phê chuẩn Công ước. 30 năm qua, cùng với tiến trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, cả nước đã luôn chung tay, ưu tiên nguồn lực trong thực hiện các quyền của trẻ em, bảo đảm cuộc sống, tương lai tốt đẹp cho trẻ, đạt những kết quả tích cực, được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cộng đồng quốc tế ghi nhận, khẳng định.

Các bé ở Trường Mầm non Tứ Liên (quận Tây Hồ) được chăm sóc phát triển toàn diện. Ảnh: Quỳnh Liên

Những con số biết nói

Tại Việt Nam, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em luôn được đặc biệt quan tâm. Với quan điểm xuyên suốt: “Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển toàn diện và bền vững”, các cơ quan chức năng đã tập trung các nguồn lực đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Nhờ đó, nước ta đạt được nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn, nhất là những mục tiêu liên quan tới trẻ em. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, 95% trẻ em ở nước ta nhập học đúng độ tuổi, đạt mốc phổ cập tiểu học; gần 99% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; gần 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự trợ giúp kịp thời. Các quyền cơ bản của trẻ em ngày càng được thực thi tốt hơn... Ở Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hoàng Thành Thái, đến thời điểm này, tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt hơn 99%; tỷ lệ phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%. 100% trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách trợ giúp...

Với sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng, trẻ em có cơ hội phát huy tối đa khả năng của bản thân. Cháu Vũ Xuân Tùng, học sinh khối 8, Trường Trung học cơ sở Liên Mạc (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Cháu mồ côi cả bố và mẹ, sống với bà ngoại già yếu, nhưng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, cháu vẫn được học tập, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa”. Còn cháu Đào Phương Tuệ Minh, thành viên Hội đồng Trẻ em thành phố Hà Nội cho hay: “Thời gian qua, cháu thường xuyên được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, tham gia các diễn đàn về trẻ em để nói lên tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của trẻ em. Những mong muốn chính đáng của trẻ em được người lớn lắng nghe, tôn trọng, thay vì áp đặt”.

Tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng đã xây dựng mạng lưới chăm sóc, bảo vệ trẻ em đến cấp xã, phường, thị trấn, bảo đảm không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Cần những hành động mạnh mẽ hơn

Trong một thế giới phẳng, khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như các quốc gia khác trong khu vực, trẻ em Việt Nam đang phải đối diện với những nguy cơ, hiểm họa mới. Từ kết quả khảo sát thực tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho biết, vẫn còn một bộ phận trẻ em ở nước ta đang sống trong điều kiện khó khăn, tham gia lao động sớm hoặc có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán, tai nạn gây thương tích. Nguy hiểm hơn là tình trạng trẻ em dễ bị chi phối, dẫn dắt bởi những thông tin không đáng tin cậy trên môi trường mạng xã hội... Theo bà Ngô Thị Minh, nguyên nhân khiến môi trường sống của trẻ em bị ảnh hưởng là do biến đổi khí hậu, thiên tai, suy giảm nguồn tài nguyên,...; bất bình đẳng giới còn tồn tại; nhận thức xã hội về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có chỗ, có nơi còn hạn chế. Các quy định nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng còn thiếu và chưa thực sự hiệu quả...

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, trong các nguy cơ có thể xảy đến với trẻ em thì nguy cơ trẻ bị “lạc lối” trên môi trường mạng xã hội là vấn đề đáng lo ngại bậc nhất hiện nay. Thực tế thời gian qua các cơ quan chức năng và cộng đồng đã phát hiện không ít thông tin tiêu cực trên các trang mạng xã hội. Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh, thiếu niên của UNICEF đã nhiều lần cảnh báo, việc sử dụng internet quá nhiều khi thiếu sự kiểm soát, định hướng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ người trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cùng với đó là nguy cơ khiến trẻ bị lừa, đe dọa, xâm hại, bị mua bán, lộ bí mật đời sống riêng tư...

Chẳng hạn, tháng 5-2019, mạng xã hội Facebook xuất hiện nhóm đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh có nội dung bài trừ, bạo hành trẻ em. Kênh YouTube từng xuất hiện video hoạt hình với tên gọi “Thử thách Momo” có nội dung hướng dẫn, xúi giục trẻ em tự sát... Do sự thiếu quan tâm của gia đình, non nớt, thiếu kỹ năng sống nên đã có trường hợp trẻ bắt chước hành động trên mạng xã hội, tiềm ẩn nguy cơ khôn lường. Đáng suy ngẫm, việc để trẻ tự do trên mạng xã hội với điện thoại thông minh đang là hiện tượng diễn ra khá phổ biến trong không ít gia đình, nhất là ở đô thị.

Trước những diễn biến nêu trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung, đề xuất một số chính sách mới liên quan đến trẻ em cho phù hợp với tình hình mới. Tại Hà Nội, thành phố đang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình “Xã, phường phù hợp với trẻ em”, xây dựng “Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em”. Các quận, huyện, thị xã thường xuyên tổ chức diễn đàn giao lưu, trao đổi, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, lý thú, thu hút đông đảo trẻ em tham gia. Ở những địa phương có nhiều làng nghề, thành phố khuyến khích chính quyền sở tại xây dựng mô hình “Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em”...

Mới đây, từ ngày 3 đến 6-12, tại Hà Nội, hội nghị “Phát triển toàn diện trẻ thơ”, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Mạng lưới phát triển toàn diện trẻ thơ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức, thu hút hơn 500 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia đến từ 35 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia. Hội nghị đã phát đi “Lời kêu gọi hành động Hà Nội”, trong đó nêu rõ: Môi trường sống của trẻ em trong khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hiểm họa, làm hạn chế cơ hội phát triển toàn diện của trẻ.

Các đại biểu thống nhất cần có những hành động quyết liệt hơn, ưu tiên đầu tư nguồn lực, đặc biệt là cho trẻ em, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho xã hội vững mạnh và kinh tế phát triển trong khu vực, phù hợp với các mục tiêu của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, các mục tiêu phát triển bền vững và kế hoạch phát triển của các nước. Để trẻ em có thể phát huy hết tiềm năng của mình thì chất lượng môi trường xung quanh đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là môi trường gia đình, cộng đồng, môi trường sống và các chính sách, chương trình xã hội. Trên tinh thần đó, hội nghị thống nhất phối hợp liên ngành để thúc đẩy môi trường an toàn, nuôi dưỡng, bền vững và liên tục cho trẻ em bằng những hành động liên quan đến 4 lĩnh vực: Môi trường chính sách, gia đình, cộng đồng và môi trường sống.

Đó chính là những giải pháp nền tảng để trẻ em có điều kiện, cơ hội phát triển bền vững, toàn diện.

Trong suốt ba thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống hàng triệu trẻ em của đất nước. Ngày càng có nhiều trẻ em được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay từ trường mầm non và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi.

(Nguồn: UNICEF Việt Nam)

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/953068/vi-cuoc-song-tuong-lai-tot-dep-cho-tre