Vì bình yên của đại ngàn Tây Nguyên

Sau 30/4/1975, trong khi cả nước bước vào giai đoạn kiến thiết, hàn gắn những vết thương chiến tranh thì trên mảnh đất Tây Nguyên vẫn phải tiếp tục với cuộc chiến chống tổ chức phản động FULRO.

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng ký ức về những trận đánh, những hy sinh mất mát vẫn còn in sâu trong tâm trí của những chiến sỹ Công an từng tham gia cuộc chiến đấu quyết liệt và gian khó này...

Tội ác khó quên

Đại tá Rah Lan Lâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đầu năm 1976, khi đó anh mới 11 tuổi nhưng vẫn nhớ câu chuyện hàng chục đối tượng FULRO bỗng kéo quân vào buôn làng (ở xã Nhơn Hòa, huyện Chư Prông) bắn giết hàng chục đồng bào cả người dân tộc thiểu số và người Kinh.

“Để thị uy, chúng nã thêm nhiều quả đạn M79 vào nhà dân khiến nhiều căn nhà bị đổ sập”, Đại tá Rah Lan Lâm nhớ lại. Những năm sau đó, ông tận mắt chứng kiến hàng chục thanh thiếu niên của làng mình bị bắt đi FULRO, ai phản ứng hoặc chống cự lại đều bị giết rất thê thảm. Cũng chính từ lòng căm thù giặc và tình yêu buôn làng, anh đã tự nguyện viết đơn xin tham gia vào lực lượng Công an để đi chống FULRO, bảo vệ bình yên cho quê hương mình.

Đại tá Rah Lan Lâm, Phó Giám đốc Công an Gia Lai cùng các lực lượng xuống buôn làng tuyên truyền về công tác đảm bảo an ninh tại cơ sở.

Đại tá Rah Lan Lâm, Phó Giám đốc Công an Gia Lai cùng các lực lượng xuống buôn làng tuyên truyền về công tác đảm bảo an ninh tại cơ sở.

Tại tỉnh Lâm Đồng, ngay từ đầu năm 1976, nhiều đối tượng tự xưng là “tư lệnh” của FULRO đã tổ chức hành động gây bạo loạn, khủng bố nhằm phô trương thanh thế. Dưới sự chỉ đạo của những đối tượng này, các đối tượng FULRO đã tập kích vào các cơ quan Đảng, chính quyền, lôi kéo đồng bào dân tộc vào rừng theo chúng.

Trước đó, vào ngày 8/4/1975, đúng 5 ngày sau khi quân ta giải phóng Đà Lạt, các đối tượng FULRO đã tổ chức phục kích, bắn bị thương ông K,Brèo và giết chết Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng cùng các thành viên đoàn công tác. Tiếp đó, vào năm 1976, khi xã Tân Hội, huyện Đức Trọng mới thành lập và tiến hành bầu cử HĐND cấp xã, các đối tượng FULRO đã đột kích, cướp thùng phiếu rồi dùng súng M16, M79 bắn vào trường tiểu học vừa xây dựng xong, sau đó chúng quay ra bắt cóc, sát hại một số cán bộ xã.

Bà con dân tộc thiểu số Tây Nguyên tổ chức nghi lễ cúng thần linh vào mùa xuân.

Tại tỉnh Đắk Lắk, đêm 23/7/1976, khoảng 50 đối tượng FULRO bất ngờ tập kích vào đơn vị bộ đội thông tin tại buôn Gram, huyện Krông Búk làm 3 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí bị thương. Ngày 16/1/1977, tại buôn Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, các đối tượng FULRO tập kích giết đồng chí Ma Đôi, Bí thư Chi bộ và bắn bị thương đồng chí Chủ tịch UBND xã, lấy đi 23 khẩu súng và lôi kéo 17 du kích người dân tộc vào rừng.

Ngày 9/2/1977, một toán FULRO ngoài rừng kết hợp với số đối tượng hoạt động bí mật trong các buôn Puôr, Cuôr Ta Ra, thị xã Buôn Ma Thuột chặn bắt 26 người dân ở xã Hòa Đông. Khi 5 người trong số đó chống cự, chúng xả súng và dùng dao giết chết. Số người còn lại, chúng đưa ra rừng rồi dùng súng bắn chết cùng một lúc. Đây là vụ thảm sát kinh hoàng nhất mà FULRO gây ra từ trước tới nay, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Vì sự yên bình của Tây Nguyên

Trong quá trình giải quyết FULRO, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, mưu trí dũng cảm chiến đấu lập công xuất sắc, trong đó có nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Tiêu biểu là gương chiến đấu hy sinh anh dũng của Anh hùng liệt sỹ Y Thuyên Ksơr, Trưởng phòng Bảo vệ Ty Công an Đắk Lắk lúc bấy giờ.

Lực lượng an ninh Công an Đắk Lắk bám địa bàn, tuyên truyền pháp luật đến người dân (Ảnh tư liệu).

Trước đó, để tăng cường lực lượng đấu tranh với bọn phản động FULRO, bảo vệ chính quyền cơ sở, tháng 2/1977, Y Thuyên Ksơr được cấp trên điều động xuống địa bàn huyện Krông Pắk để nắm tình hình, xây dựng cơ sở, phát động quần chúng đấu tranh chống FULRO. Chiều 22/2/1977, nhận được tin FULRO sẽ về “hàng” tại buôn Ea Mtá, đồng chí Y Thuyên Ksơr cùng đồng đội đến ngay địa bàn.

Đêm hôm đó, 50 tên FULRO bất ngờ đột nhập vào buôn tập kích, xả súng bắn chết đồng chí Ma Nghi (cán bộ huyện), bắn trọng thương đồng chí Y Nang (cán bộ xã) và cụ Ma Yan (già làng). Mặc dù lực lượng quá chênh lệch, nhưng đồng chí Y Thuyên Ksơr vẫn bám trụ chiến đấu bảo vệ cán bộ, bảo vệ nhân dân. Trong tình huống đối mặt với kẻ thù, Y Thuyên đã bị chúng bắn trọng thương nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh vẫn gượng dậy, tiêu diệt 4 tên FULRO.

Đầu năm 1979, tại huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ chặn đánh, bắn giết và bắt giữ cán bộ, người dân trên các tuyến đường giao thông do lực lượng FULRO gây ra. Điển hình là vào ngày 31/3/1979, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Đắk Lắk được giao bảo vệ đoàn cán bộ Tỉnh ủy và Trung ương về làm việc tại huyện Ea Súp.

Trên đường đi, khi cách trung tâm huyện khoảng 6km thì anh bị 8 tên FULRO phục kích đánh hỏng trần và kính chắn gió của xe. Bất chấp sự nguy hiểm đang đe dọa tính mạng, đồng chí Tùng nhoài người ra cửa xe dùng súng bắn trả quyết liệt khiến bọn FULRO phải cuống cuồng tháo chạy, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đoàn công tác. Tuy nhiên, trong giây phút kiên cường bảo vệ đoàn cán bộ, đồng chí Tùng bị trúng đạn và đã hy sinh.

Đại tá Y Thoal H,Mok, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk nhớ lại, vào thời điểm đó, song song với công tác truy quét FULRO ngoài rừng, lực lượng Công an cùng các ban ngành các tỉnh Tây Nguyên đã huy động trên 1.000 cán bộ triển khai xuống các địa bàn trọng điểm, bám dân, phát động quần chúng, tổ chức các lớp học tập tài liệu chống FULRO và lắng nghe phát biểu, đóng góp ý kiến từ quần chúng.

Qua đó, hàng trăm người đã liên hệ với cán bộ nhằm vạch trần tội ác của FULRO, kêu gọi chồng con, người thân đang theo FULRO trở về làm ăn lương thiện. Hàng ngàn người tự nhận đã tiếp tế cho FULRO nay muốn lập công chuộc tội.

Thực hiện nghị quyết của các kỳ Hội nghị Công an toàn quốc, các kế hoạch của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) từ năm 1977 cho đến những năm sau này Công an các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện khoảng 55 chuyên án giải quyết vấn đề FULRO. Trong số đó, 2 chuyên án của Công an tỉnh Lâm Đồng và Công tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là những chuyên án nổi bật, thu được thắng lợi lớn. Thành quả này đã góp phần tác động, đẩy nhanh tiến trình làm tan rã tổ chức FULRO ở Tây Nguyên.

V.Thành - H.Trường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/vi-binh-yen-cua-dai-ngan-tay-nguyen-592758/