Vị 'bác sĩ quốc dân' không ngại phản biện lời ông Trump

Bác sĩ Anthony Fauci không ngần ngại đính chính hay phát biểu 'lệch tông' với thông điệp của các tổng thống mà mình phục vụ, dù đó là ông Trump hay Biden, vì 'tôi chỉ nói sự thật'.

Trong gần 40 năm, bác sĩ Anthony S. Fauci đảm nhiệm hai công việc cùng một lúc.

Ông là giám đốc của Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) thuộc Viện Y tế Quốc gia (NIH), một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ.

Song song đó, ông là cố vấn y tế cho 7 tổng thống Mỹ, từ thời ông Ronald Reagan đến ông chủ Nhà Trắng hiện tại Joe Biden.

Mỗi khi khủng hoảng y tế xảy ra, ông đều có mặt để báo cáo tình hình cho chính quyền, trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều trần trước quốc hội, và xuất hiện trên truyền thông.

Năm qua có thể là khoảng thời gian kỳ lạ nhất cuộc đời vị bác sĩ. Ông Fauci bước sang tuổi 80 trong dịp lễ Giáng sinh năm 2020 một cách lặng lẽ bởi tình hình dịch bệnh. Các con không về nhà, mà quan sát cha làm món timpano qua Zoom.

Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, ông được hàng triệu người Mỹ ca ngợi nhờ những lời khuyên thực tế và khoa học.

Tuy vậy, với nhiều người khác, bác sĩ Fauci là “nhân vật phản diện”. Khi đó, nhà chức trách phải tăng cường người bảo vệ cho ông, vì nhận thấy nhiều lời đe dọa đến vị bác sĩ do kiên quyết chủ trương giãn cách và phong tỏa để chống dịch.

Người ủng hộ của cựu Tổng thống Donald Trump hô hào đòi “sa thải Fauci”. Bản thân ông Trump cũng công khai nói về điều này.

Những người cực đoan theo thuyết âm mưu thậm chí còn cáo buộc ông Fauci tạo ra virus corona để cùng Bill Gates trục lợi từ vaccine. Gia đình ông nhận được nhiều lời dọa giết.

Dù vậy, bác sĩ Fauci vượt qua những thách thức đó bằng quyết tâm đem lại sự thật cho công chúng Mỹ, giúp họ có những lời khuyên chống dịch với đầy đủ cơ sở khoa học.

Là con trai của ông chủ hiệu thuốc và có ông bà là người Italy di cư sang Mỹ, bác sĩ Fauci được tiếp xúc với kiến thức y khoa từ sớm. Thoạt đầu, ông không nghĩ mình sẽ trở thành bác sĩ. Thay vào đó, ông muốn theo đuổi sự nghiệp thể thao. Tuy nhiên, ông Fauci sớm nhận ra rằng với chiều cao 1,7 m của mình, ông sẽ không có tương lai nếu trở thành vận động viên.

Ông Fauci chọn học Trường Y tế thuộc Đại học Cornell và tốt nghiệp với vị trí đầu khóa. Nhờ đó, nước Mỹ sau này mới có được một bác sĩ giỏi chuyên môn dẫn dắt Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia qua một loạt dịch bệnh: HIV, SARS, cúm gia cầm, cúm lợn, Zika và Ebola.

Năm 1972, bác sĩ Fauci gia nhập Viện Y tế Quốc gia (NIH) và nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng.

Phần lớn công chúng Mỹ và thế giới ngày nay biết đến cái tên Fauci qua đại dịch Covid-19, nhưng HIV/AIDS mới là điều tạo nên điểm nhấn sự nghiệp của ông.

Từ đầu mùa hè năm 1981, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đưa ra những báo cáo đáng lo ngại đầu tiên về căn bệnh sau này được gọi là AIDS. "Thứ này sẽ biến thành căn bệnh mà chúng ta chưa từng biết", ông Fauci nhớ lại khoảnh khắc khi đọc báo cáo về HIV/AIDS của CDC.

Khi đó, một nhóm nhỏ bệnh nhân mà ông Fauci tiếp cận đều là người đồng tính nam.

"Các thầy hỏi 'Tại sao anh từ bỏ con đường sự nghiệp tuyệt vời chỉ để nghiên cứu một nhóm đồng tính nam với chứng bệnh lạ?'. Tôi nghĩ mọi giả định rằng các triệu chứng chỉ tồn tại ở một nhóm cụ thể trong xã hội đều hoàn toàn không có cơ sở khoa học", bác sĩ Fauci kể với The New Yorker về quyết định chuyển hướng nghiên cứu sang HIV/AIDS.

 Bác sĩ Fauci quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu về HIV/AIDS ngay từ khi nó mới xuất hiện và vẫn còn mù mờ trong giới khoa học. Ảnh: New York Times.

Bác sĩ Fauci quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu về HIV/AIDS ngay từ khi nó mới xuất hiện và vẫn còn mù mờ trong giới khoa học. Ảnh: New York Times.

Nghiên cứu của ông Fauci về hệ thống miễn dịch của con người đã chỉ ra cách virus HIV phá hủy sự phòng thủ của cơ thể. Ông cũng là người dẫn đầu các thử nghiệm lâm sàng với zidovudine, loại thuốc kháng virus đầu tiên điều trị bệnh AIDS.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, ông Fauci nói 15 năm mà các nhà nghiên cứu dành để phát triển phương pháp điều trị HIV hiệu quả là những năm đen tối trong cuộc đời và sự nghiệp của mình.

"Hầu hết bệnh nhân của tôi đều chết. Đó là cảm giác rất khủng khiếp”, ông nhớ lại.

Mỗi ngày, ông đều được hỏi tại sao chính phủ không hành động nhanh hơn. Lúc đó, chính quyền cựu Tổng thống Reagan chưa chú trọng đến việc đối phó dịch này, và người bệnh cũng chưa được tiếp cận các loại thuốc mới.

Khi HIV/AIDS lan rộng và số người chết tăng lên, các nhà hoạt động thường trút cơn thịnh nộ lên ông Fauci và NIAID. "Tôi như là người đại diện của chính quyền liên bang", ông Fauci nhớ lại trong cuộc phỏng vấn năm 2020 với The New Yorker.

Ngày 11/10/1988, hơn 1.000 nhà hoạt động tập trung bên ngoài trụ sở của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) ở Rockville, Maryland, để phản đối việc cơ quan này cứng nhắc trong quá trình thử nghiệm thuốc HIV/AIDS.

Các nhà hoạt động biết cộng đồng của họ cần những phương pháp điều trị mới nếu muốn tránh thảm họa. Tuy nhiên, quy trình phê duyệt mất nhiều năm của FDA trở thành rào cản lớn.

Cùng ngày, một nhóm người biểu tình khác đi vào vào khuôn viên NIH ở Bethesda, Maryland. Họ hướng đến trụ sở của NIAID để đòi gặp ông Fauci, lúc này là giám đốc viện.

Bác sĩ Fauci trên thực tế không kiểm soát quá trình phê duyệt thuốc. FDA cũng có các quy tắc phức tạp, khiến đa số bệnh nhân không thể tham gia thử nghiệm.

Tuy nhiên, trong mắt người biểu tình, ông là rào cản trong việc cho người bệnh tham gia thử nghiệm lâm sàng - quá trình giúp người tình nguyện có cơ hội dùng thuốc, thay vì nằm chờ chết.

ACT UP, nhóm hoạt động thành lập năm 1987 ở New York, luôn thúc giục ông Fauci đưa các thành viên của nhóm vào quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Người biểu tình đến trước các văn phòng chính phủ và cầm những tấm biển viết “bác sĩ Fauci, ông đang giết chúng tôi”. Ông cũng bị các nhà hoạt động lên án trên truyền hình.

Đối mặt với các rủi ro, ông Fauci vẫn quyết định lắng nghe. “Tôi nhìn ra cửa sổ và thấy mọi người ném bom khói trên bãi cỏ của NIH”, ông Fauci kể lại trong một cuộc phỏng vấn năm 2011.

“Cảnh sát đã sẵn sàng bắt họ, nhưng tôi nói ‘Đừng. Dẫn họ đến văn phòng của tôi, để tôi có thể nói chuyện'", ông Fauci nhớ lại.

Sau khi nói chuyện với người biểu tình, ông Fauci thuyết phục cơ quan quản lý nới lỏng các hạn chế trong thử nghiệm lâm sàng, để bệnh nhân được dùng các loại thuốc mới.

Ông Fauci dùng ảnh hưởng của mình để hỗ trợ thông qua cơ chế "parallel track" do ACT UP đề xuất, giúp người bệnh được sử dụng các loại thuốc điều trị AIDS chưa được phê duyệt nhưng đã được khẳng định an toàn với con người, ngay cả khi quá trình thử nghiệm lâm sàng chưa kết thúc.

Bác sĩ Fauci sau đó được ca ngợi vì lòng trắc ẩn với những bệnh nhân AIDS.

Vào tháng 10/1988, cố Tổng thống George H. W. Bush trong một cuộc tranh luận tổng thống với ứng viên Michael Dukakis đã được hỏi anh hùng của ông là ai.

“Tôi nghĩ về bác sĩ Fauci”, ông Bush "cha" trả lời, theo The New Yorker. “Có thể bạn chưa bao giờ nghe nói về ông ấy. Ông ấy là nhà nghiên cứu giỏi và bác sĩ hàng đầu tại NIH đang chăm chỉ tìm cách ngăn chặn bệnh AIDS".

Dưới thời George W. Bush, ông Fauci là kiến trúc sư chính của chương trình mang tính bước ngoặt gọi là Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của tổng thống (PEPFAR).

Vào thời điểm ông Bush "con" nhậm chức, liệu pháp điều trị HIV đã được phổ biến rộng rãi ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, với hàng triệu người ở các nước đang phát triển, những loại thuốc này quá đắt hoặc rất khó mua.

PEPFAR khởi động vào năm 2004. Chương trình này dành hơn 5 tỷ USD mỗi năm để cung cấp dịch vụ chăm sóc và chữa trị HIV cho các nước đang phát triển. Theo Guardian, cho đến nay, chương trình này giúp cứu sống hơn 20 triệu người.

Những nỗ lực của bác sĩ Fauci trong việc nâng cao hiểu biết và điều trị HIV/AIDS giúp ông nhận được huân chương cao quý nhất của Mỹ - Huân chương Tự do Tổng thống - từ cựu Tổng thống George W. Bush.

Dù sở hữu ngoại hình nhỏ nhắn và luôn mang phong thái điềm đạm, bác sĩ Fauci không ngần ngại đính chính những thông tin sai lệch của sếp, cựu Tổng thống Donald Trump, về dịch bệnh.

Ông Fauci không sợ hãi, không lùi bước trước áp lực từ phe ông Trump. Rủi ro duy nhất với vị bác sĩ trong khoảng thời gian vừa qua là làm trái với những gì người khác nghĩ về ông: Nhà khoa học luôn nói sự thật.

Tại các cuộc họp báo về Covid-19 của Nhà Trắng, ông Fauci hay phải đính chính những phát biểu bốc đồng của cựu tổng thống.

Ông Fauci phải khẳng định không có bằng chứng cho thấy thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine là phương pháp điều trị Covid-19 “thần kỳ”. Nước Mỹ cũng sẽ không thể có ngay vaccine trong ít nhất là một năm tới (vào thời điểm phát biểu giữa năm 2020).

Trong một lần trả lời Washington Post, ông Fauci cho biết cựu tổng thống hỏi mình vì sao không thể nói về Covid-19 với giọng điệu tích cực hơn. “Tôi chỉ cố gắng giải thích chính xác những gì đang xảy ra”, ông Fauci đáp.

Dưới thời cựu Tổng thống Trump, những người làm trái ý hay khiến ông bực mình đều sẽ bị công kích theo một cách nào đó. Họ có thể đối mặt với "bão tweet", đối thủ của họ được ông Trump ủng hộ...

Những hành động của bác sĩ Fauci rõ ràng thách thức một người đòi hỏi cao sự trung thành và phục tùng như ông Trump.

"Fauci là một người tốt, nhưng ông ấy mắc phải nhiều sai lầm", cựu Tổng thống Trump nói trên Fox News vào tháng 7/2020.

Theo Reuters, lần khác, vào tháng 10/2020, ông Trump nói với một số người trong chiến dịch tranh cử: "Fauci là thảm họa. Nếu tôi nghe lời ông ấy, hơn 500.000 người Mỹ có thể chết vì dịch".

Tuy vậy, vị bác sĩ này không hề hấn gì trước sự khó chịu từ ông Trump hay đồng minh của cựu tổng thống.

“Điều giúp tôi vượt qua là tôi không để những chuyện đó làm mình bận tâm”, ông Fauci nói với Atlantic vào tháng 1. “Cuộc sống của mọi người đang bị đe dọa. Tôi là bác sĩ. Tôi là nhà khoa học. Tôi là chuyên gia y tế cộng đồng. Tôi biết mình cần phải làm gì”.

Bác sĩ Fauci cũng tỏ rõ mình sẽ không rời nhóm chống Covid-19 của Nhà Trắng dưới thời ông Trump.

"Ngay cả trong những giấc mơ hoang dại nhất, tôi cũng chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc", ông Fauci nói với Daily Beast vào tháng 10/2020.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với Reuters, bác sĩ Fauci tiếp tục khẳng định quyết tâm này. "Không có lý do gì để tôi ngừng công việc quan trọng giúp chúng ta thoát khỏi Covid-19 giữa một đại dịch", ông Fauci cho biết.

Ngày 21/2, nước Mỹ thật sự vượt qua cột mốc 500.000 người chết vì Covid-19. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải như những gì cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố.

Theo bác sĩ Fauci, sự chia rẽ về tư tưởng chính trị và đảng phái, cùng việc ông Trump và lãnh đạo các bang không chịu chấp nhận sự thật về virus đã khiến những nỗ lực của các chuyên gia như ông thêm khó khăn.

“Khi mọi người nghe thấy những người ở vị trí lãnh đạo nói rằng tình hình dịch bệnh có thể không nghiêm trọng, họ sẽ không làm những điều cần thiết để ngăn virus lây lan”, ông Fauci nói trên chương trình New Day của CNN phát ngày 23/2.

Bác sĩ Fauci cũng cho biết ông cảm thấy đau lòng khi các chuyên gia cố gắng khuyên người dân cẩn thận, đeo khẩu trang và tránh tụ tập nhưng lại bị phớt lờ.

“Nhiều người cố gắng phủ nhận chuyện đang diễn ra. Họ nói đại dịch là tin giả, là trò lừa đảo. Làm sao họ có thể nói như vậy khi những người xung quanh họ đang hấp hối”, ông Fauci kể.

“Và đến nay, 500.000 người Mỹ đã chết. Đó là bằng chứng về chuyện đã và đang diễn ra. Với tôi, khoảnh khắc tăm tối nhất là khi mọi người phủ nhận thực tế”, ông Fauci trải lòng.

Bác sĩ Fauci cũng nói cột mốc 500.000 người chết là "điều vô cùng kinh khủng" trong lịch sử nước Mỹ khi chia sẻ trên chương trình State of The Union của CNN ngày 21/2.

Ông Fauci đau đáu khi một số bang và thành phố phớt lờ khuyến nghị mở cửa nền kinh tế theo từng giai đoạn của nhóm chống Covid-19 của Nhà Trắng sau đợt phong tỏa mùa xuân 2020. “Tinh thần của người Mỹ bị chia rẽ khiến tôi rất buồn”, ông Fauci nói với Reuters.

Ông Fauci luôn vạch ra ranh giới rõ ràng với các vấn đề chính trị. Tôn chỉ của ông luôn rất đơn giản từ thời còn làm cố vấn cho các cựu Tổng thống Ronald Reagan và George H. W. Bush. Theo The New Yorker, đó là “hoàn toàn tránh xa các vấn đề chính trị và ý thức hệ. Chỉ tập trung vào việc mình đang làm thôi”.

Bác sĩ Fauci cũng đề cao giá trị của việc thẳng thắn ngay từ đầu. “Một quan chức Nhà Trắng của chính quyền Nixon từng nói với tôi rằng khi bước vào đây, anh phải nghĩ đó có thể là lần cuối cùng”, bác sĩ Fauci nói với The New Yorker vào năm 2016.

“Tôi cho rằng nếu chỉ nói với những người ở Nhà Trắng những điều họ muốn nghe, thì chúng ta đang tự bắn vào chân mình. Vì vậy, mọi người đều biết là tôi chỉ nói sự thật”, ông Fauci nói.

Sự thẳng thắn của ông Fauci khiến những người cực đoan, đặc biệt là người ủng hộ ông Trump, tức giận. Họ cho rằng ông Fauci đang chống đối cựu tổng thống.

Hoàn cảnh của ông và gia đình trong năm qua nguy hiểm đến mức nhà chức trách phải điều động người bảo vệ họ, theo CNN.

Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, ông Fauci nói bắt đầu nhận được những lời đe dọa từ tháng 3/2020.

"Việc vợ và các con bị quấy rối khiến tôi khó chịu hơn bất cứ điều gì khác. Họ biết nơi con tôi làm việc và sinh sống. Con tôi phải trực tiếp nhận những lời đe dọa qua điện thoại. Có người thậm chí đến tận nhà", ông Fauci kể lại.

Với sự chính trực của mình, ông Fauci đáng lẽ là người cựu Tổng thống Trump không nên tranh cãi. Song, ông Trump đã phạm sai, và phải trả giá bằng cơ hội tái đắc cử của mình.

Theo phân tích của Tony Fabrizio, chuyên gia thăm dò dư luận cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, cách cựu tổng thống xử lý Covid-19 khiến cử tri có cái nhìn tiêu cực về ông.

Nghiên cứu này được thực hiện ở 10 bang chiến trường quan trọng, bao gồm Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania, Wisconsin, Florida, Iowa, North Carolina, Ohio và Texas.

Theo nghiên cứu của ông Fabrizio được Politico đăng tải, Covid-19 là vấn đề cử tri quan tâm hàng đầu ở cả 10 bang. Đa số (75%) cử tri cũng tán thành cách ông Fauci thực hiện công việc của mình. Đặc biệt, ở 5 bang chiến trường ông Trump thua vào năm 2020, người dân không đồng tình với cách cựu tổng thống chống dịch.

Dù bất đồng quan điểm, ông Fauci cho biết quan hệ với cựu tổng thống không tệ như mọi người vẫn nghĩ. "Ông Trump vẫn thân thiện với tôi", bác sĩ Fauci nói với Washington Post.

Cựu Tổng thống Trump cũng thừa nhận mình "có mối quan hệ tốt" với ông Fauci, theo Politico.

Điều này có thể do hai người có điểm chung: đều đến từ New York. “Chúng tôi có một chút sự liên kết của những người cùng đến từ New York”, ông Fauci nói thêm.

Bác sĩ Fauci cũng cho biết ông không muốn tranh cãi với cựu tổng thống.

“Tôi không vui vẻ gì khi phản bác tổng thống Mỹ. Tôi rất tôn trọng chính quyền. Nhưng tôi phải làm điều đó để cho thấy rằng giới khoa học không chùn bước trước những người chỉ nói toàn những điều vô nghĩa”, ông Fauci nói với Atlantic.

Sau những thăng trầm trong Nhà Trắng của ông Trump, bác sĩ Fauci có cơ hội làm việc với nhà lãnh đạo đề cao sự thật và khoa học.

Trái với người tiền nhiệm, Tổng thống Biden cam kết sẽ lắng nghe lời khuyên của giới khoa học và các chuyên gia y tế cộng đồng về đại dịch. Ông luôn đeo khẩu trang tại các sự kiện công cộng, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc chống dịch.

Tân tổng thống Mỹ cũng hiểu được giá trị những lời khuyên của bác sĩ Fauci, và tiếp tục mời ông làm cố vấn y tế trưởng cho mình.

Ngày 21/1, ông Fauci lần đầu tiên xuất hiện tại họp báo ở Nhà Trắng với tư cách cố vấn hàng đầu của Tổng thống Joe Biden về Covid-19. Ông bày tỏ sự nhẹ nhõm.

"Tôi không thoải mái chút nào khi ở trong tình cảnh mâu thuẫn với tổng thống. Việc có thể xuất hiện ở đây và nói về những gì tôi biết, về bằng chứng và yếu tố khoa học, để khoa học lên tiếng, đó là cảm giác được giải phóng", ông Fauci phát biểu.

Ông Fauci cũng không ngại "va chạm" với quan điểm của chính quyền Biden.

Sau khi chính quyền mới hình thành, Nhà Trắng thoạt đầu phát đi thông điệp sẽ thúc đẩy để các trường học sớm mở cửa lại.

Nhiều công đoàn giáo viên phản đối việc quay lại trường mà không tiêm phòng Covid-19. Trong khi đó, CDC Mỹ cho rằng "không nên xem việc tiêm chủng là điều kiện để mở cửa lại trường học và tổ chức lớp học trực tiếp".

Chính quyền Biden luôn né tránh câu hỏi họ có cùng quan điểm với CDC trong vấn đề này hay không. Và ngày 17/2, ông Fauci lại là người phải nói thẳng điều đó.

“Nếu bạn định nói rằng mọi giáo viên cần được tiêm ngừa Covid-19 trước khi trở lại trường học, thì tôi tin rằng đó là tình huống không khả thi", ông nói trên chương trình CBS This Morning.

Sự thận trọng của bác sĩ Fauci trong từng phát ngôn, tính chính trực, niềm tin kiên định vào khoa học và dữ liệu, khiến ông nổi danh trong giới khoa học.

“Fauci là người độc đáo ở sự uy tín với các chính trị gia, đến nỗi ông ấy có thể đưa sự thật trần trụi vào cuộc trò chuyện”, David Baltimore, người đoạt giải Nobel và là nhân vật tiên phong trong lĩnh vực sinh học phân tử, nói với New Yorker. “Điều đó thật tuyệt vời với nước Mỹ và thế giới”.

“Fauci trở thành hiện thân của ngành nghiên cứu y sinh và sức khỏe cộng đồng ở Mỹ. Không ai đấu tranh cho sự thật một cách không mệt mỏi như ông ấy”, David Relman, nhà vi sinh vật học tại Đại học Stanford, cho biết. “Tôi không chắc chúng tôi sẽ làm gì nếu không có ông ấy”.

Như Trần

Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/o-tuoi-80-bac-si-quoc-dan-my-van-kien-cuong-chong-dich-post1180790.html