Vị ân nhân của nhiều học sinh nghèo ở vùng cao

Không chỉ góp nhặt những chiếc xe đạp cũ kỹ, hư hỏng để tận dụng linh kiện, lắp đặt, sơn sửa thành xe đạp hoàn chỉnh trước khi trao tặng cho học sinh nghèo khó, người thầy giáo 20 năm gắn bó vùng cao ấy còn có nhiều nghĩa cử cao đẹp khác...

1- Rời TP Tuy Hòa trong nắng sớm, tôi ngược đường Quốc lộ 25 gần sáu chục cây số để tìm gặp thầy giáo Huỳnh Quang Sơn, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Đinh Núp ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên - người được ví như "ông bụt" của nhiều học sinh nghèo khó ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nằm bên vùng đệm rừng cấm Krông Trai. Hai năm qua anh đã có nhiều nghĩa cử đẹp, đậm chất nhân văn.

Tiếp chuyện phóng viên bên ghế đá ở góc sân trường bê tông khang trang, thoáng mát, bằng âm giọng sôi nổi và chân tình, thầy giáo Huỳnh Quang Sơn chia sẻ: "Sinh trưởng ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa năm 1978, khi người dân vùng quê này còn phải đối mặt với nhiều khó khăn chật vật trong đời sống kinh tế, giao thông cách trở, điện lực chưa có, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế vẫn còn đơn sơ…

Trong bối cảnh đó, gia đình tôi cũng vấp phải không ít trở ngại do "thiếu trước, hụt sau", thế nhưng ba má tôi vẫn chắt chiu dành dụm từng hạt thóc, củ khoai để nuôi con đi học văn hóa, mặc dù trong làng đã có không ít trường hợp bỏ học giữa chừng để mưu sinh trên ruộng lúa, nương rẫy".

Ngừng một lát như để nhớ lại một thời đã qua, thầy giáo Sơn kể tiếp: "Tôi tốt nghiệp phổ thông trung học giữa năm 1996 nhưng thời đó ở Phú Yên chưa có trường đại học, trong khi gia đình không đủ khả năng chi phí cho con đi học ở xa nên tôi chọn nghề giáo và đã trúng tuyển sau kỳ thi vào Trường Cao đẳng sư phạm Phú Yên".

Sau ba năm (1966-1999) đào tạo chuyên ngành sư phạm Toán, thầy Huỳnh Quang Sơn tình nguyện lên vùng cao, đảm nhiệm giảng dạy tại Trường THCS Đinh Núp ở xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa từ niên khóa 1999-2000.

Sau giờ giảng dạy môn Toán ở Trường THCS Đinh Núp, thầy giáo Huỳnh Quang Sơn sửa, lắp đặt hoàn chỉnh những chiếc xe đạp cũ để trao tặng cho học sinh nghèo.

Sau giờ giảng dạy môn Toán ở Trường THCS Đinh Núp, thầy giáo Huỳnh Quang Sơn sửa, lắp đặt hoàn chỉnh những chiếc xe đạp cũ để trao tặng cho học sinh nghèo.

Ea Chà Rang không chỉ là địa bàn đặc biệt khó khăn mà còn là nơi sinh sống từ bao đời nay của đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm Hroi, Ê Đê, còn nhiều tập tục lạc hậu tồn tại trong đời sống thường nhật ở nhiều buôn làng.

Trong tiềm thức của nhiều người dân ở đó, bắp lúa trên nương, trâu bò ngoài rẫy, ché rượu trong nhà sàn là chuyện đáng quan tâm, vì thế rất nhiều năm kể từ khi thầy giáo Sơn vào nghề, công tác vận động trẻ em đến trường, học sinh trở lại lớp học và thuyết phục học sinh không bỏ học đều là những khó khăn thử thách đối với nhiều giáo viên.

Trên đường đưa tôi đến nhà một số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đang học ở Trường THCS Đinh Núp, thầy giáo Sơn tâm sự: "Là một trong nhiều giáo viên trực tiếp đến các buôn làng vận động học sinh trở lại lớp học, tôi cùng các đồng nghiệp vấp phải rất nhiều lý do các bậc phụ huynh đưa ra để từ chối hợp tác với nhà trường. Người này cho rằng cái chữ không làm "no cái bụng, ấm cái lưng", người kia nói hành trình đến trường khó khăn, cách trở hơn con đường đi lên nương rẫy…Dẫu vậy, tôi cùng nhiều đồng nghiệp vẫn kiên trì vận động, thuyết phục từ phụ huynh đến học sinh để Trường THCS Đinh Núp trở thành điểm đến đầy ắp niềm tin yêu, cảm mến".

Với riêng thầy giáo Huỳnh Quang Sơn, sau 20 năm gắn bó với vùng đất Ea Chà Rang, thầy thuộc làu từng con đường mòn đến con suối, triền đồi và thấu hiểu nhiều nỗi lo toan vất vả của người dân ở buôn làng, trong đó có nỗi lo con trẻ mỗi ngày đi bộ trên chặng đường dài đến trường rồi về nhà giữa nắng cháy mùa khô và dầm mưa mùa lũ.

Nhìn những học sinh tóc cháy màu nắng, bước chân mỏi mệt trên con đường đất, có trường hợp quần áo xốc xếch vì gia cảnh khó khăn, nhiều đêm thầy giáo Sơn trăn trở, thức giấc lúc nửa đêm, mờ sáng chỉ vì câu hỏi làm gì để giúp các em học sinh vượt khó, đến trường ?

Vài ba lần nhìn thấy Huỳnh Quang Sơn thao thức trong đêm khuya, người vợ là chị Trần Thị Chi - một phụ nữ ở xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa đang hành nghề thợ may, nhầm tưởng chồng mình lâm bệnh nên mới dò hỏi, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu bí ẩn khiến chị nghi ngờ anh đang vướng vấp tình cảm với ai đó hay mắc phải sai lầm trong nghề nghiệp. Đến khi nghe thấy, hiểu rõ sự thật về suy tưởng và hành động của anh Sơn, chị Chi mới cảm phục nghĩa cử nhân ái thầm lặng của người chồng.

2- Khởi đầu, thầy giáo Sơn vận động đồng nghiệp, bạn bè, người thân quyên góp đồng phục, sách vở để hỗ trợ cho một số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến khi được tín nhiệm chức danh Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THCS Đinh Núp từ tháng 9-2017, Huỳnh Quang Sơn chợt nhớ một thời phụ việc người cha sửa chữa xe đạp, trong khi đó nhiều người "xếp xó" xe đạp hư hỏng để chuyển đổi xe máy, nên anh chủ động xây dựng chương trình "Đồng hành cùng em đến trường" rồi tổ chức tìm kiếm, vận động nhiều người tặng xe đạp cũ kỹ, hư hỏng.

Sau khi tiếp nhận, thầy giáo Sơn tháo gỡ linh kiện còn tận dụng được rồi sơn sửa, lắp đặt thành xe đạp hoàn chỉnh để trao tặng cho những học sinh nghèo chưa có phương tiện đến trường. Không ít lần thầy giáo Sơn tìm đến những cơ sở mua bán phế liệu để hoán đổi hoặc mua lại giò dĩa, xích, líp, niềng nhôm… rồi mải miết tẩy rửa, bôi trơn dầu mỡ trước khi lắp đặt.

Nhớ lại những ngày đầu vận động, tìm kiếm xe đạp cũ kỹ, hư hỏng, thầy giáo Sơn chia sẻ: "Thấy tôi đi xin xe đạp cũ kỹ, hư hỏng, thậm chí đứt gãy, đã có người này nghi ngờ tôi "ấm đầu", người kia phán đoán thầy giáo muốn có thêm nghề mua bán phế liệu, người nọ bỉu môi chê trách mấy đồ đồng nát bọt bèo mà phải "vẽ" chuyện…

Còn người vợ và đứa con gái đầu đang học lớp 9 nhìn tôi chở… phế liệu về nhà bằng ánh mắt dò xét, ngạc nhiên. Đến khi chứng kiến hình ảnh tôi trao tặng xe đạp cho học sinh nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, mọi người mới cảm nhận hành động bình dị của tôi".

Lần đầu tiên trong học kỳ II niên học 2017-2018, thầy giáo Sơn đã trao tặng 11 chiếc xe đạp cũ cho học sinh nghèo khó tại Trường THCS Đinh Núp. Để có 11 chiếc xe đạp đó, anh đã tìm kiếm hơn 20 xe đạp cũ kỹ, hư hỏng để tháo gỡ, tận dụng linh kiện trước khi sơn sửa, lắp đặt.

Đầu năm học 2018-2019, thầy giáo Huỳnh Văn Sơn trao tặng 17 xe đạp cũ do anh sơn sửa cho học sinh nghèo khó.

Khi được nhiều người thấu hiểu, động viên và chia sẻ, thầy giáo Sơn có thêm niềm vui và động lực để tiếp tục khai thác nguồn xe đạp cũ kỹ, hư hỏng từ nhiều đồng nghiệp, người thân để sửa chữa, trao tặng thêm 17 chiếc xe đạp cũ và vận động quyên góp 1 chiếc xe đạp mới cho học sinh nghèo khó trong những ngày đầu năm học 2018-2019.

Ông Ma Côn - một người dân ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang kể: "Ở buôn làng này, gia đình tôi thuộc diện nghèo khó, nương rẫy hạn hẹp, thời tiết khắc nghiệt khiến cho mùa vụ thất thu, trong khi giá cả nông sản bấp bênh, nên một năm qua con trai tôi là Y Chép phải đi bộ đến trường học mỗi ngày hơn 5km. Thương con nhưng tôi nén lòng vì không có tiền mua xe đạp.

Đầu năm học 2018-2019, tôi thật sự bất ngờ vì Y Chép được thầy giáo Sơn tặng chiếc xe đạp khi vào lớp 7A Trường THCS Đinh Núp. Đâu riêng Y Chép mà vợ chồng tôi vui lắm, xúc động lắm ! Tôi cảm ơn thầy giáo Sơn và Ban giám hiệu nhà trường đã giúp đỡ con tôi thoát cảnh đi bộ mỏi chân, đuối gối". Dứt lời, Ma Côn cười hể hả, trong khi Y Chép dắt chiếc xe đạp ra ngõ để đến trường.

Không chỉ khởi xướng chương trình "Đồng hành cùng em đến trường" mà hai năm qua với tư cách Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Huỳnh Quang Sơn đã cùng Ban chấp hành Công đoàn tham mưu, phối hợp Ban giám hiệu Trường THCS Đinh Núp khởi động chương trình "Áo trắng đến trường" gắn với cuộc vận động "Mỗi cán bộ - giáo viên nhà trường đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, vì học lực yếu". Từ nguồn tiền đóng góp của cán bộ - giáo viên nhà trường cùng với kết quả vận động một số nhà hảo tâm, đến nay đã có 100 bộ quần áo đồng phục và 1.000 tập vở được trao tặng cho học sinh nghèo.

Nghe tôi đặt câu hỏi về những dự tính trong thời gian tới, thầy giáo Huỳnh Quang Sơn trầm tư trong giây lát rồi bày tỏ: "Ngoài việc tiếp tục tìm kiếm, tận dụng xe đạp cũ kỹ, hư hỏng để sơn sửa, trao tặng cho học sinh nghèo khó, tôi sẽ cùng cán bộ, giáo viên Trường THCS Đinh Núp đóng góp kết hợp vận động các nhà hảo tâm để thực hiện chương trình dự tính "Góc học tập cho em" bằng nghĩa cử trao tặng bàn ghế, sách vở, đèn chiếu sáng…để hỗ trợ học sinh nghèo khó có điều kiện học tập tốt hơn".

Ông Nguyễn Lê Hoàng - Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Núp cho biết: "Những hành động giàu nghĩa cử và đậm chất nhân văn của thầy giáo Huỳnh Văn Sơn không chỉ là tấm gương sáng điển hình trong hoạt động giáo dục, mà còn góp phần chia sẻ yêu thương cho học sinh nghèo khó, góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng".

Tiễn tôi trong ánh chiều vàng vọt giữa miền sơn cước, thầy Huỳnh Quang Sơn chia sẻ: "Để chuyển hóa ý tưởng trao tặng xe đạp cũ cho học sinh nghèo thành hành động cụ thể, tôi đã được sự động viên, hỗ trợ tích cực của ông Phạm Đình Phong - Bí thư Đảng Ủy xã Ea Chà Rang, Ban giám hiệu Trường THCS Đinh Núp cùng các đồng nghiệp và một số cán bộ hưu trí như bác Phạm Hải, công chức đương nhiệm như ông Bùi Ngọc Công - Liên đoàn Lao động huyện Sơn Hòa… Tôi luôn cảm ơn và mong muốn họ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tôi trong những hoạt động xã hội - từ thiện sắp tới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

Phan Thế Hữu Toàn

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/tam-guong-cuoc-song/vi-an-nhan-cua-nhieu-hoc-sinh-ngheo-o-vung-cao-538440/