VFF nên bán 5 triệu đồng/cặp vé trận chung kết Việt Nam – Malaysia

Vé xem bóng đá cũng như một món hàng, có cầu ắt có cung. Tăng giá 5 triệu đồng/cặp sẽ giúp VFF hóa giải tất cả những 'nỗi oan' bị dính phải từ đầu mùa AFF Cup 2018 đến nay.

Lúc 10h sáng ngày 28/11, VFF mở bán 20.000 tấm vé trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Phillippines.

15 phút sau, thông báo khó chịu hiện lên trên màn hình, cổng bán vé trực tuyến của VFF chính thức sập. 20.000 tấm vé được bán hết veo.

Lần đầu tiên bán vé online của VFF thu về kết quả đáng kinh ngạc. Nghe đâu, hàng loạt chuyên gia công nghệ hàng đầu Việt Nam phải lắc đầu bó tay, quyết tâm đi học lại nghiệp vụ vì không truy cập nhanh bằng những “cò” vé ngoài sân Mỹ Đình. Nghe đâu, Jack Ma – ông chủ sàn thương mại điện tử Alibaba cũng suýt nữa đòi sang Việt Nam học tập VFF về cách bán hàng online.

VFF nên bán vé trận chung kết Việt Nam - Malaysia giá 5 triệu đồng/cặp

VFF nên bán vé trận chung kết Việt Nam - Malaysia giá 5 triệu đồng/cặp

Vì sao vé xem bóng đá lại đắt hàng đến vậy?

10 năm qua, chúng ta chờ đợi Việt Nam chiến thắng ở bán kết, giành vé vào chung kết AFF Cup.

Một thập kỷ, chúng ta mong ngóng được sống lại giây phút lịch sử trên sân vận động Mỹ Đình, giống thời khắc mà Công Vinh lập chiến công đưa Việt Nam vô địch AFF Cup 2008.

VFF bán vé xem trận bán kết với 4 mức giá, từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Nhưng trên thực tế, cổ động viên đã chi ra hàng triệu đồng để được hòa mình vào “chảo lửa” Mỹ Đình. Trong ngày 15/12 tới, mong muốn có mặt tại sân sẽ còn cháy bỏng hơn nữa.

Vé xem bóng đá cũng như một món hàng, có cầu ắt có cung. Giá của nó sẽ phụ thuộc vào độ chênh lệch cung – cầu mà được định giá tùy từng thời điểm.

Vậy tại sao VFF không định giá luôn vé xem trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình sắp tới là 5 triệu đồng/cặp, hoặc cao hơn nữa? Khi đó, bán vé online hay offline sẽ không phải là vấn đề đáng bàn đến.

Thứ nhất, khi đó, chắc chắn “quân xanh, quân đỏ” hay “cò" vé sẽ phải cân nhắc về số vốn bỏ ra để phe vé chợ đen. Nếu bán vé offline, Tổng thư kí VFF Lê Hoài Anh không phải lo xử lý cảnh hàng nghìn người xếp hàng, chen chúc, giẫm đạp lên nhau trước cổng VFF để mua vé.

Thứ hai, nếu bán vé online, việc mua được vé hay không sẽ phụ thuộc vào túi tiền của người hâm mộ, chứ không dựa vào “may mắn” hay đường truyền mạng có ổn định hay không?

Thứ ba, 5 triệu đồng/cặp vé sẽ giúp hạn chế tối đa vấn nạn "vé anh, vé chú", vé công văn, vé tập thể, vé quan hệ, vé mời, vé tài trợ.v.v… Món quà 5 triệu đồng chắc chắn sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn món quà 500.000 đồng. Vì thế, người được tặng cũng trân trọng hơn.

Từ đầu mùa giải đến nay, VFF đã chịu bao tai tiếng xoay quanh tấm vé thông hành vào sân Mỹ Đình xem tuyển Việt Nam thi đấu, từ tuồn vé ra ngoài cho “cò”, bất minh trong số lượng vé bán online hay chỉ vài trăm nghìn đồng để chui vào sân nhờ bảo vệ…

Nếu định giá vé ngang bằng nhu cầu của thị trường, việc mua được hàng hay không, quyết định sẽ hoàn toàn nằm trong túi tiền của người hâm mộ. Và VFF, chỉ đơn thuần là người bán hàng, thu tiền và nộp thuế vào ngân sách.

Như vậy, há chẳng phải nỗi lo của VFF đã được hóa giải dễ dàng hay sao?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Hoa Liên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vff-nen-ban-5-trieu-dong-cap-ve-tran-chung-ket-viet-nam-malaysia-a413842.html