Vết thương lòng của Lan Sơn

Vết thương lòng là tên một bài thơ của nhà thơ Lan Sơn, như là một nhận định về ông với những câu thơ buồn đến thê thảm.

Có những câu thơ của Lan Sơn buồn đến thê thảm. (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Có những câu thơ của Lan Sơn buồn đến thê thảm. (Ảnh minh họa, nguồn internet)

Nhà thơ Lan Sơn (1912 - 1974), tên thật Nguyễn Đức Phòng, sinh tại Hải Phòng, quê gốc tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Không những làm thơ, Lan Sơn còn là một nhà báo. Ông từng viết cho các tờ: Hải Phòng tuần báo, Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội báo, Chuyện đời, Tinh Hoa…

Thơ Lan Sơn được bạn đọc biết đến ít. Khi 22 tuổi, ông cho in tập thơ Anh với em. Sau này, ông được Hoài Thanh – Hoài Chân đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam, với những đánh giá:

“Tình yêu không đưa Lan Sơn vào một trời đất xa lạ; Lan Sơn chưa từng đi sâu vào những chỗ u ẩn trong lòng người. Người chỉ nói những điều rất tầm thường, những điều ai cũng biết, nhưng giọng nói của người thiết tha, chân thực dễ cảm lòng ta.

Kể Lan Sơn còn vụng về nhiều. Lắm lúc người ngập ngừng, bỡ ngỡ. Nhưng cái bỡ ngỡ ấy không phải không có chút duyên riêng. Ấy là cái duyên của người thiếu nữ khi thỏ thẻ những lời ngây ngô mà thành thực.

Tiếc thay tình yêu ngày một lạt. Lan Sơn hình như chỉ còn giữ lại cái bóng để làm thơ. Nhưng tình hết, thơ Lan Sơn cũng hết. Chỉ có những lúc hồi tưởng lại thời thơ ấu, trong lòng người mới có chút trong trẻo có diễn ra thơ”.

Qua nhận định của Hoài Thanh – Hoài Chân, thấy rằng Lan Sơn không viết về những điều xa lạ, cũng như không chú trọng vào góc khuất của lòng người. Có lẽ thế, Lan Sơn chỉ chú trọng đến mình, đến tình yêu của mình.

Lan Sơn đã thật với lòng mình, dù vụng về. Thơ Lan Sơn như vậy. Thơ cần sự thiết tha và thành thực. Đó là điều mà người thơ nên có, nếu không mọi câu chữ sẽ sáo rỗng, vô nghĩa.

Mặc dù thơ để lại cho đời với số lượng ít ỏi, nhưng những bài thơ như: Vết thương lòng, Đám ma đi, Tết và người qua, thật sự là những bài thơ hay, da diết. Có những câu thơ buồn đến thê thảm.

Có những buổi mưa phùn thê thảm quá

Cảnh vật trùm trong tấm vải chôn người

Mảnh gỗ chèn thay kính cửa vỡ rồi

Không chắn nổi gió ngoài trời lạnh giá.

Có những buổi mưa phùn thê thảm quá

Gội lên trên cỗ ván mỏng chôn người

Đám ma đi trong hơi sương lạnh giá

Đi trên đường và đạp xéo lòng tôi.

Đám ma kéo lê thê trong lòng tôi lạnh giá

Đem chôn đi những kỷ niệm lâu rồi

Đám ma đi trong mưa phùn thê thảm quá

Đi hàng ngày chưa tới huyệt lòng tôi.

(Đám ma đi)

Bài thơ thể hiện sự buồn đau của Lan Sơn, đến cảnh vật cũng “trùm trong tấm vải chôn người”. Cái buồn tang tóc. Tuy nhiên, cái buồn đó vẫn chưa là gì so với nỗi lòng thi sĩ. Một đám tang buồn đi trong mưa phùn thê thảm quá cũng không tới được “huyệt lòng tôi”. Đó hình ảnh buồn nhất trong những hình ảnh nói về nỗi buồn của con người trong thi ca.

Những cô con gái rất ngây thơ

Những mộng xinh tươi, bé bỏng xưa

Ta nhớn nhao rồi! Quen biết quá!

Nhìn nhau giờ hết vẻ say sưa!

(Trích Tết và người qua)

Lan Sơn cho thấy sự chán chường về những cái cũ, dù đó là khuôn mặt người. Và khi sự chán đó đã trỗi dậy thì chẳng còn gì mà say sưa. Để sau cùng, ở đoạn thơ cuối, Lan Sơn như người say vừa tỉnh, khẳng định:

Nên đến bây giờ gặp các em

Gặp ngày xuân tới, bạn xưa quen:

Em Nhung, em Tuyết hay ngày Tết

Rượu hả hơi rồi! Hết vị men.

Lan Sơn cũng được người đọc nhớ đến nhiều qua bài Vết thương lòng, với những câu thơ tự nhiên như hơi thở. Phải chăng đó là yếu tố để Hoài Thanh – Hoài Chân nhận xét Lan Sơn là thiết tha, chân thực.

Nắng sớm, em ngồi tỉa thủy tiên

Hồn em say đắm cảnh thiên nhiên

Bóng ai thấp thoáng ngoài hiên vắng

Em đã vô tình vội ngẩng lên

Em vội ngừng tay, vội ngó ra

Dao cầm sẩy chạm tới giò hoa

Giò hoa ngày lụi, màng hoa úa

Hoa đã vì em chịu xót xa

Rễ tuy trong trắng, lá xanh tươi

Mầm, nhánh đều xinh, đẹp mấy mươi!

Nếu chẳng vì em hoa phải lụi

Trời xuân sao chẳng nhởn nhơ cười!

Nhởn nhơ cười với cảnh xuân sang

Với cả bao nhiêu khách rộn đường

Cùng với muôn hoa đua sắc thắm

Vì ai? đành chịu kém mùi hương!

Mùi hương đã kém, sắc rồi phai

Rồi cũng cùng ai, cũng với ai

Cùng chịu vì em chung số phận

Cùng nhau chất đống để hiên ngoài.

Tim anh chung phận với hoa nầy

Cũng bởi vì em đã sẩy tay

Đã vội mải trông bao cảnh đẹp

Vết thương mang nặng vẫn còn đây.

(Trích Vết thương lòng)

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/vet-thuong-long-cua-lan-son-35340/