'Vết nứt' trong mối quan hệ Mỹ-Âu

Trong hơn 70 năm qua, liên minh xuyên Đại Tây Dương giữ Mỹ và Châu Âu đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho sự ổn định Châu Âu và củng cố các giá trị của trật tự phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Năm 2020, dường như mối quan hệ này cần được xem xét lại ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Trong hơn 70 năm qua, liên minh xuyên Đại Tây Dương giữ Mỹ và Châu Âu đóng vai trò là nền tảng vững chắc cho sự ổn định Châu Âu và củng cố các giá trị của trật tự phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Năm 2020, dường như mối quan hệ này cần được xem xét lại ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Đầu tuần này, Liên minh Châu Âu (EU) từ chối đưa Mỹ vào danh sách “các quốc gia an toàn”, nghĩa là du khách Mỹ sẽ không được chào đón tại Châu Âu trong tương lai gần, do số ca Covid-19 của Mỹ đang tăng mạnh. Điều đáng nói là danh sách này cũng bao gồm Trung Quốc.

Du khách Mỹ sẽ không được chào đón đến EU trong tương lai gần. Ảnh: CNN

Du khách Mỹ sẽ không được chào đón đến EU trong tương lai gần. Ảnh: CNN

Động thái chọc giận Mỹ?

Các quan chức EU nhấn mạnh, quyết định này không mang tính chính trị và hoàn toàn dựa trên bằng chứng dịch tễ học, đồng thời hy vọng điều này sẽ không chọc giận Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, nhiều người thừa nhận, EU muốn làm cho “viên thuốc” trở nên ngon miệng hơn đối với Mỹ, vì vậy họ đã phủ thêm một lớp đường bên ngoài bằng cách đưa thêm Trung Quốc vào danh sách. "Trước đây, chúng tôi không đưa Trung Quốc vào để làm cho Mỹ vui", một nhà ngoại giao EU giấu tên, nhận xét.

Có vẻ như có sự cố này là bằng chứng cho thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ngày nay, thực tế cho thấy Washington ít quan tâm đến các vấn đề Châu Âu. Các quốc gia lục địa già cũng tích cực tìm kiếm quyền tự chủ ngoại giao lớn hơn từ Mỹ. Điều này đặc biệt đúng đối với 27 quốc gia thành viên của EU. Một trong những cách EU nghĩ rằng họ có thể tách rời khỏi Mỹ là “bắt tay” với Trung Quốc như một đối tác chiến lược và kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào một trong những siêu cường của thế giới bằng cách cân bằng mối quan hệ với bên kia.

Trong vài năm qua, EU tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế lớn. Hiệp định khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran, mạng 5G là bằng chứng cho thấy mô hình hành vi mà EU có thể được coi là đứng về phía Trung Quốc. Chắc chắn, nhiều người cho rằng Châu Âu sẽ không hy sinh mối quan hệ sâu sắc, lâu đời với Mỹ, nhưng trong bối cảnh này, bất kỳ sự thân thiện nào đối với Bắc Kinh đều có lý do bắt nguồn từ phía Mỹ.

Một quan chức về chính sách đối ngoại của EU cho biết, việc chuyển mối quan tâm khỏi Châu Âu như một ưu tiên địa chính trị đã bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. "Ông Obama không quan tâm sâu sắc đến Trung Đông như các tổng thống trước đây, khu vực gần gũi với Châu Âu về mặt địa lý. Ông đã chuyển các ưu tiên của mình sang Trung Quốc và Châu Á", quan chức này nói.

Nếu ông Trump tiếp tục đắc cử

Các nhà quan sát cho biết, liên minh Mỹ-EU đã bị căng thẳng trong 4 năm qua và sẽ còn tồi tệ hơn nếu ông Trump đánh bại cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ cuối năm nay.

"Ông Trump coi EU, đặc biệt là Đức, một đối thủ kinh tế và thương mại, có nghĩa là căng thẳng sẽ mạnh hơn trong trường hợp ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai", bà Velina Tchakarova thuộc Viện Chính sách an ninh và Châu Âu của Áo, nhận định. Bà Tchakarova cho rằng, khi EU đang thực hiện các bước để "xây dựng quyền tự chủ mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng", ông Trump lại cố gắng "làm suy yếu những nỗ lực đó thông qua các cuộc tấn công vào các thành viên Châu Âu trong NATO cũng như thông qua các biện pháp kinh tế và thương mại".

Vì vậy, theo giới quan sát, nếu ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới đi chăng nữa thì ông cũng không thể nhanh chóng vực dậy mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. "Câu hỏi đặt ra là liệu ông ấy có thể đưa mối quan hệ trở lại như cũ không, trừ khi chúng ta có thể thuyết phục Mỹ tái gia nhập trật tự phương Tây", nhà ngoại giao EU nói. "Các trụ cột địa chính trị của Mỹ và EU nằm ở châu Á, Trung Đông và thương mại cũng bắt đầu tương ứng. Chúng tôi nghĩ rằng phương Tây nên xoay trục”. Và ngay cả khi ông Biden quay trở lại chính sách đối với Châu Âu như thời ông Obama, cũng không có gì đảm bảo rằng trong 4 năm nữa, ông Biden sẽ không bị thay thế bởi một người thậm chí còn “khó chịu” hơn ông Trump.

Tất nhiên, không ai trong số các quan chức này cho rằng liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ đổ vỡ. Liên minh này sẽ vẫn là trung tâm của những gì phương Tây đại diện và Mỹ sẽ luôn là đồng minh quan trọng hơn đối với Châu Âu so với Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc Châu Âu tìm kiếm một vị trí mới trên trường thế giới khi vai trò toàn cầu của Mỹ trở nên khó lường hơn - mối quan hệ này không còn ấm áp được như trước đây.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_227548_-vet-nut-trong-moi-quan-he-my-au.aspx