Vết máu khô trên sân gạch

Từ thái độ không bình thường của đôi vợ chồng đi xin giấy báo tử và những vết máu khô trên sân gạch, một Thiếu úy Cảnh sát khu vực (CSKV) CAP Tân Thạnh (TX Tam Kỳ- nay là TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã cùng các đơn vị nghiệp vụ của CATX Tam Kỳ điều tra làm rõ vụ án mạng trong vòng 24 giờ. Năm tháng trôi qua, câu chuyện đau thương của vụ án đã lùi sâu vào dĩ vãng, nhưng bài học nghiệp vụ điều tra vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn.

Đầu giờ sáng Chủ nhật, giữa tháng 5-1987, Thiếu úy CSKV Phạm Thanh Nghị đang quét dọn trụ sở CAP Tân Thạnh thì vợ chồng Bốn La dựng vội chiếc xe máy trước cửa CAP.

- Trực một mình hả chú Nghị?- vợ chồng Bốn La cùng cất tiếng.

- Vâng, có việc gì không anh chị?

Vợ chồng Bốn La không trả lời mà đưa mắt nhìn nhau. Đoạn người vợ lên tiếng:

- Thưa chú, thằng em rể tôi (Sáu Bình) chết hồi hôm, tôi muốn đến xin cái giấy báo tử để lo hậu sự cho nó.

- Công an đâu có cấp giấy báo tử. Còn ủy ban thì Chủ nhật không làm việc. Mà vì sao chết?

- Nó bị tai nạn giao thông chú à- vợ Bốn La nói.

- Ngày nào tôi cũng nắm tình hình địa bàn, có lý nào chuyện lớn vậy mà tôi không biết. Mà bị khi nào? Ở đâu vậy chị?

- Nó bị 4 ngày rồi. Chết ở bệnh viện hồi hôm chú ạ. Nó đi chơi về gần đến nhà thì bị tai nạn. Mà thôi, chú không cấp giấy báo tử được thì chúng tôi về.

- Từ từ đã chị. Nếu đúng là tai nạn giao thông thì ai tông người đó phải có trách nhiệm chứ. Phải có hồ sơ vụ việc, tôi sẽ giúp, chị nói rõ hơn đi.

- Thôi... không cần đâu chú!

- Chị chưa trả lời đủ ý câu hỏi của tôi. Vụ tai nạn xảy ra ở đâu, gần nhà chị là chỗ nào, ai tông hay anh ấy tự té? Tôi cần biết rõ để báo cáo vụ việc trong ngày. Đề nghị anh chị giúp tôi ghi nhận sự việc.

Trong khi người vợ lúng túng thì người chồng lên tiếng:

- Không ai tông hết chú ạ. Nó say xỉn đi về tự té ngã đập đầu vào bụi tre bên đường chấn thương sọ não.

Thái độ ấp úng, không bình thường và tiền hậu bất nhất của vợ chồng Bốn La khiến Thiếu úy Nghị nghi ngờ về cái chết này. Nhưng nếu truy gắt để tìm ra sự thật lúc này chưa phải là cách hay nhất, nên anh CSKV động viên vợ chồng Bốn La: “Nghĩa tử là nghĩa tận, tôi xin chia buồn cùng gia đình. Anh chị về đi, tôi sẽ ra xem sự thể thế nào để sáng mai báo cáo chỉ huy và ủy ban cấp giấy báo tử”.

- Thôi, chú bận trực thì để hồi khác viếng cũng được. Xin phép chú chúng tôi về.

Vợ chồng Bốn La rời CAP chừng 15 phút thì Thiếu úy Nghị đạp xe ra nhà. Thấy viên CSKV, gia đình mời ngồi uống nước và kể về cái chết thảm của Sáu Bình. Ai cũng cho rằng thằng Bình nó xấu số, chỉ té ngã vào bụi tre mà chết. Thiếu úy Nghị hỏi cụ thể té chỗ nào thì ai cũng ấm ớ...

Phải chăng đằng sau cái chết này có điều bí ẩn, Thiếu úy Nghị đăm chiêu suy nghĩ. Bất chợt, khi quan sát xung quanh thì viên CSKV phát hiện nhiều vết máu khô vương vãi dưới sân gạch. Chắc hẳn các vết máu này có liên quan đến cái chết của Sáu Bình, Thiếu úy Nghị quả quyết nên vạch ngay một kế hoạch điều tra khẩn cấp.

Thiếu úy Nghị ra ngõ hỏi một số trẻ em về cái chết của Sáu Bình. Các em bảo “mấy ổng đánh nhau chết đó chú”. Hỏi thêm các em một số tình tiết, Thiếu úy Nghị trở vào nói rõ với gia đình là Sáu Bình chết vì đánh nhau, người đánh là Võ Trọng, anh cột chèo của nạn nhân, hung khí là cái trang lúa (dùng để cào lúa) và cái rựa. Lúc này gia đình mới thừa nhận đúng như vậy. Thiếu úy Nghị yêu cầu gia đình giao nộp cái trang và cái rựa liên quan vụ án. Sau khi lập biên bản thu giữ hai vật chứng quan trọng, viên CSKV yêu cầu gia đình chưa chôn cất, để báo cáo vụ việc về CA cấp trên điều tra.

Về CAP, Thiếu úy Nghị điện báo vụ việc với BCH CATX Tam Kỳ, khoảng 15 phút sau, cảnh sát hình sự và cảnh sát điều tra đến khám nghiệm hiện trường và tử thi. Vết chấn cắt khá sâu trước trán là vết thương duy nhất làm Sáu Bình tử vong. Các trinh sát, điều tra viên cùng Thiếu úy Nghị tiến hành lấy lời khai nhân chứng và những người thân trong gia đình. Kết quả ban đầu cho thấy: Chiều 6-5-1987, Sáu Bình say xỉn và lời qua tiếng lại với Võ Trọng. Sáu Bình dùng rựa chém thì Võ Trọng vớ cái trang lúa đỡ thì trúng vào trán Sáu Bình dẫn đến tử vong.

Vấn đề chính lúc này là truy lùng hung thủ Võ Trọng. Gia đình khai là sau khi biết Sáu Bình đã chết, Võ Trọng đã bỏ nhà đi đâu không rõ. Tuy nhiên, là cảnh sát khu vực quản lý địa bàn một thời gian, Thiếu úy Nghị rất hiểu tính tình Võ Trọng. Anh ta là người hiền lành, thật thà, chất phác, dám làm dám chịu. Hơn nữa một số em nhỏ cho biết: “Mới hồi sáng tụi con thấy ông Trọng còn ở nhà”. Như vậy chắc hẳn Võ Trọng chưa trốn đi xa, Thiếu úy Nghị cùng các trinh sát, điều tra viên nói rõ mức độ khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội ra đầu thú và động viên gia đình đưa Võ Trọng ra trình diện.

Sau gần một ngày đêm làm việc mệt nhoài, Thiếu úy Nghị về CAP, vừa đặt lưng xuống chiếu thì nghe tiếng gõ cửa. Thiếu úy Nghị mở cửa thì thấy vợ chồng Bốn La cùng Võ Trọng đã có mặt. Lập tức, Thiếu úy Nghị lập biên bản ghi nhận việc đầu thú của Võ Trọng rồi cùng vợ chồng Bốn La đưa Võ Trọng lên Đội Cảnh sát điều tra CATX Tam Kỳ làm việc. Vụ án được nhanh chóng kết thúc bởi Võ Trọng thật thà khai báo hành vi giết người nhưng không cố ý. Trong khi Sáu Bình là người có lỗi, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chính anh. 6 năm tù là mức án hợp lý hợp tình cho Võ Trọng trong một phiên tòa sau đó.

Bài học kinh nghiệm trong vụ án này là người chiến sĩ công an dù ở cấp nào, công việc nào cũng phải thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, cảm thụ vụ việc một cách khách quan, toàn diện, phán đoán chính xác ắt sẽ phát hiện và làm rõ bản chất của sự việc, hiện tượng xã hội một cách nhanh nhất.

HỒNG LINH

(Ghi theo lời kể của nguyên CSKV Phạm Thanh Nghị)

* Tên nhân vật đã thay đổi

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/61_198414_vet-mau-kho-tren-san-gach.aspx