Vết bầm tử thi giải oan cho người 'ghen tuông tự vẫn'

Khi Tống Từ giữ chức Quảng Đông Kinh lược An phủ sứ, lúc ông đang đi trên đường thì có một phụ nữ rất xinh đẹp tên là Kiều Châu phục ở giữa đường, hai tay dâng lá đơn khiếu oan. Tống Khâm sai dừng kiệu, tiếp nhận đơn xong, khi đến phủ đường thì liền sai người đem hồ sơ án mạng ra xem xét.

Nguyên ở thông Đại La có hai người ở gần nhau, một họ Lai nghèo khổ nhưng lại lấy được người vợ xinh đẹp tuyệt trần họ Chu tên Kiều Châu, chính là người đệ đơn khiếu tố; còn người kia họ Tiền tên Lợi Hanh, không có học hành nhưng chẳng hiểu làm sao mà giàu lên rất nhanh.

Hình ảnh Tống Từ đã được tái hiện qua nhiều bộ phim.

Hình ảnh Tống Từ đã được tái hiện qua nhiều bộ phim.

Nhiều người đồn rằng Tiền Lợi Hanh trước kia là tên cướp nổi tiếng vùng Sơn Đông, có lẽ bị bại lộ tung tích, sợ bị quan quân bắt giam nên mới vượt đường xa đến Quảng Đông này thay tên đổi họ. Hai người hai địa vị khác nhau nên không hề giao du qua lại, chỉ vài ba lần nhà họ Tiền có tiệc tùng thì gọi họ Lai đến giúp việc.

Trong những lúc ấy mọi người đều lén chỉ trỏ, nói đùa với họ Lai: – Cố làm việc mà nuôi vợ nhé. Thời bây giờ người ta coi trọng kim tiền, nếu không có tiền thì mất vợ như chơi. Họ Lai hoàn toàn không để ý đến những lời chọc ghẹo này bởi vì đã quá hiểu tính của Kiều Châu. Nàng không những xinh đẹp mà còn xuất thân từ con nhà gia giáo, tính tình hết sức hiền thục.

Nếu tính ra thì họ Lai không thể nào lấy được một người vợ đẹp như vậy, nhưng phúc đức mấy đời để lại nên trước kia hai bên cha mẹ đã đính ước với nhau theo lối cổ hủ là “chỉ phúc kết hôn”, tức hứa hẹn cho hai đứa con được lấy nhau từ khi còn trong bụng mẹ.

Họ Chu cũng không giàu có gì, chỉ là học trò thanh bạch nên dạy dỗ con cái nên người, khi muốn tìm cách từ hôn thì Kiều Châu nhất định không chịu, nói với cha mẹ: – Con người trọng nhất là chữ tín. Song thân đã dạy con sống trên đời phải luôn luôn đề cao chữ tín thì sao bây giờ lại “khinh bần phụ nghĩa”? Lai quân dù nghèo khổ nhưng là người nhân hậu, nếu kết hợp với chàng, vợ chồng cùng chí thú làm ăn thì chẳng giàu lên được sao? Do vậy họ Chu đành phải theo ước hẹn gả Kiều Châu cho họ Lai.

***

Tiền Lợi Hanh mới đầu không chú ý lắm bởi trong nhà hắn đã có vợ chính thức và hai người thiếp cũng nổi tiếng một thời. Thế nhưng nghe nhiều rồi cũng tò mò, Tiền Lợi Hanh lấy cớ sang gọi họ Lai giúp việc lén nhìn dung nhan của Kiều Châu. Khi thấy nàng quả là sắc nước hương trời, Lợi Hanh không cầm được lòng dâm, mấy lần đưa tặng quà quý giá để mua lòng.

Tất cả đều bị Kiều Châu từ chối. Thói đời rất lạ, nếu như Lợi Hanh bỏ ra vài lạng bạc thì thiếu gì bọn kỷ nữ ca nhi ở chốn lầu xanh chạy theo chiều chuộng. Thế nhưng càng dễ dàng thì càng dễ chán, đến khi thấy Kiều Châu đức hạnh đoan trinh, hắn càng thèm muốn.

Nhân một lần họ Lai đi làm xa, Lợi Hanh bèn qua nhà, hết lời dụ dỗ ngon ngọt, sau đến hăm dọa là sẽ giết họ Lai, lúc ấy không còn gì cản trở sẽ tung tiền ra mua Kiều Châu bằng mọi giá. Nghe những lời thô tục bất nhã như vậy, Kiều Châu lớn tiếng mắng khiến Lợi Hanh vừa tức giận vừa nhục nhã, khi ra về còn ngoái lại đưa tay hăm dọa.

Với những dấu hiệu như thế, khi họ Lai chết, Kiều Châu đã nghĩ ngay đến là do Lợi Hanh bày mưu lập kế hãm hại chồng mình. Thế nhưng vốn tôn trọng pháp luật, nàng chờ đợi xem quan huyện và nha phủ sẽ xét án ra sao. Chẳng ngờ Tiền Lợi Hanh hết sức lợi hại, đã dùng tiền của đút lót không sót một chỗ nào nên từ huyện đường cho đến Án sát tỉnh cũng đều kết luận là họ Lai tức giận người vợ mà tự vẫn, con dao vấy máu còn cầm trên tay.

Tống Từ xem xét văn án rất kỹ, quả nhiên có nhiều người làm chứng, vật chứng nên việc xét án của hai vị quan huyện và phủ không sai. Thế nhưng ông nghĩ thầm: “Kiều Châu là người thông minh, lại hiểu rõ vương pháp, tiền của không có, chẳng lẽ đâm đầu vào khiếu kiện cho tốn kém? Chắc chắn là phải có uẩn khúc”.

Khi đó vụ án chưa tới nửa tháng, xác chết chưa tan rữa nên Tống Từ lập tức cho khai quật khám nghiệm. Chỉ cần liếc sơ qua vết thương, Tống Từ đã nhận ra đây đúng là do dao đâm nhưng rất sâu, tức là lực đâm khá mạnh. Nhận định xong, Tống Từ xét kỹ từng chỗ nơi cơ thể nạn nhân, thấy sau lưng có một vết bầm nhỏ, nếu không chú ý thì khó phát hiện ra.

Ông liền khám nghiệm tới bàn tay của nạn nhân, lúc đó đã chết cứng nên hình dạng tay nắm con dao vẫn còn nguyên. Tống Từ liền sai người về phủ lấy con dao tang vật ra, đưa vào lòng bàn tay của xác chết, thấy nó rất lỏng lẻo chứ không chặt nên gật gù đắc chí, hình như đã biết nguyên nhân sự việc.

***

Khi về tới phủ đường, Tống Khâm sai lập tức gọi Tri phủ ra hạch hỏi. Tri phủ đổ hết tội là do huyện quan lập văn án, mình sơ suất không xem kỹ nên mau lẹ phê chuẩn mà thôi. Tống Khâm sai không trách cứ gì nhưng hôm sau về huyện, thăng đường gọi Tiền Lợi Hanh đến.

Tên này chẳng hề sợ hãi, nghênh ngang quỳ dưới sân, hai mắt cứ liếc nhìn chung quanh, không cúi đầu sợ hãi như những tội phạm khác. Tống Khâm sai liền đập bàn quát lớn: – Họ Tiền kia! Ngươi tưởng là người chết chôn rồi, văn án đã được phê chuẩn thì thoát tội hay sao? Hãy khai ra mau.

Tiền Lợi Hanh ung dung đáp: – Tiểu nhân không dám! Tiểu nhân không hề giết người thì làm sao khai được? Vụ án đã được Tri huyện đại nhân xem xét cẩn thận, có vật chứng và nhân chứng thì sao đại nhân lại tự nhiên để lên đầu tiểu nhân. Nếu tiểu nhân là kẻ giết người thì ai làm chứng? Tống Khâm sai cười gằn, nói: – Ngươi thật gian trá! Bản quan chưa có bằng chứng thật nhưng nếu ngươi không tự khai ra thì sẽ bắt đầu tiến hành điều tra lại, do một viên quan khác điều động chứ không phải huyện quan. Do vậy ngươi đừng hòng dùng tiền bạc mua chuộc thay trắng đổi đen nữa.

Quả nhiên khi Tống Từ chỉ định một viên quan khác điều từ huyện lân cận tới thì sự việc điều tra rất thuận lợi. Theo lời khai trong văn án thì có một lần họ Lai đi xa về chợt thấy có chiếc trâm bằng vàng đính ngọc bích rất quý để trên giường của Kiều Châu.

Họ Lai nghi ngờ hạch hỏi thì Kiều Châu nhất quyết chối là không hề có tư tình với ai, cũng không thân mật với ai đến mức được tặng cho cái trâm quý giá ấy. Đây là lần đầu tiên hai người to tiếng cãi nhau nên mấy nhà hàng xóm đều nghe rõ, đứng ra làm chứng.

Mấy hôm sau Kiều Châu có việc về nhà cha mẹ, hôm sau mới về nhà thì họ Lai đã chết cứng, người gục trên bàn, tay còn cầm con dao. Quan huyện đã cho tra xét, thấy đúng có vết tay của họ Lai trên cán dao nên mới kết luận chết do tự tử. Vụ án kết thúc rất mau, đến khi trình lên quan phủ cũng được phê chuẩn cực kỳ nhanh gọn bởi không có thủ phạm.

Thế nhưng sau khi điều tra lại thì mọi việc mới sáng tỏ. Tiền Lợi Hanh đã xếp đặt từ trước, lén sai một tên đệ tử lẻn vào giấu cái trâm ngọc dưới gối khiến cho vợ chồng họ Lai hiểu lầm mà cãi nhau. Chờ khi Kiều Châu về nhà cha mẹ, cũng chính tên đệ tử ấy lẻn vào giết chết họ Lai.

Nạn nhân bị đâm quá mạnh nên ngả ngửa người ra sau đập lưng vào chiếc ghế đổ nên mới có vết bầm tím như vậy. Sau đó tên hung đồ đỡ xác họ Lai dậy cho ngồi trên ghế, gục người xuống bàn rồi lấy con dao hung khí nhét vào tay nạn nhân để bày ra thành vụ tự tử.

Tống Từ liền giam Lợi Hanh vào ngục tử tù, phê chuẩn chờ ngày dẫn ra pháp trường; viết lệnh truy nã hung thủ đưa đi các tỉnh lân cận; quan huyện bị cách chức tước cho về làm thường dân vì đã nhận hối lộ kết án sai lệch; riêng quan phủ được khoan hồng chỉ bị trách cứ, hạ lương bổng xuống một cấp. Đây là vụ án càng khiến cho Tống Từ xem Pháp y học là một chứng cứ quan trọng, nếu biết phối hợp với những lời khai tất sẽ tìm ra thủ phạm nhanh chóng.

Đề cập đến các phán quan có trí tuệ sáng suốt, biết nhận định đúng sai ở Trung Hoa xưa, sau thời kỳ Bao Công nổi danh, phải nói đến một nhân vật cao siêu không kém, đó là Tống Từ (1186 – 1249) . Ông cũng giống như Bao Công, suốt đời giữ chức vụ chuyên về các vụ án, tập trung trí tuệ giải đáp được khá nhiều vụ án tưởng chừng như không có đầu mối; nhưng khác Bao Công ở chỗ đã đưa ra ý tưởng mới là dùng “Pháp y học” để bổ sung cho các lời khai còn nhiều chỗ chưa sáng tỏ.

(Còn tiếp)

Hà Bắc

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vet-bam-tu-thi-giai-oan-cho-nguoi-ghen-tuong-tu-van-d102858.html