Vesak 2019: Sự kiện văn hóa Phật giáo lớn trong năm 2019

Chỉ còn ít ngày nữa, Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019 sẽ diễn ra tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đến nay công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ đã cơ bản được hoàn tất, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức quốc tế Vesak 2019 về những nét mới trong Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019 do Việt Nam đăng cai.

Thưa Thượng tọa, đến nay công tác chuẩn bị tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019 đã được triển khai đến đâu?

Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ công tác chuẩn bị cho Hội thảo Học thuật quốc tế, các chương trình lễ hội văn hóa, lễ hội tôn giáo đã được hoàn tất.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức quốc tế Vesak 2019 trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Viết Tôn

Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Tổng thư ký Ủy ban Tổ chức quốc tế Vesak 2019 trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Viết Tôn

Riêng phần hội trường, đến thời điểm này tiếp tục thực hiện. Dự kiến ít hôm nữa toàn bộ các trang thiết bị tại hội trường chính - nơi diễn ra Đại lễ sẽ được hoàn thành.

Chúng ta đã hoàn thành được toàn bộ kế hoạch. So với năm 2014, Ban tổ chức đã hoàn thành công tác chuẩn bị sớm hơn 4 ngày.

Có nhiều ý kiến băn khoăn về những hạng mục xây dựng tại chùa Tam Chúc đến nay vẫn chưa được hoàn thiện, vậy những hạng mục này có ảnh hưởng gì đến việc tổ chức Đại lễ, thưa Thượng tọa?

Trung tâm văn hóa Phật giáo Tam Chúc có nhiều hạng mục trong diện tích 5.100 hec-ta.

Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019 sẽ diễn ra ra tại các địa điểm chính: Tòa nhà Trung tâm Hội nghị quốc tế chùa Tam Chúc, khu vực Điện Tam Thế, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ.

Tại Tòa nhà Trung tâm Hội nghị quốc tế là khu vực dành cho lễ khai mạc ngày 12/5 và lễ bế mạc ngày 14/5.

Tại Điện Tam Thế sẽ diễn ra Hội thảo Học thuật quốc gia ngày 11/5 và Hội thảo Học thuật quốc tế ngày 13/5.

Như vậy tại địa điểm chính là Tòa nhà Trung tâm đã hoàn thành sẽ có hoạt động Hội thảo Học thuật quốc tế. Các hạng mục còn lại nằm trong dự án chùa Tam Chúc sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn 2, do đó không ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019.

Quần thể chùa có diện tích khoảng 5.100 ha, với gần 1.000 ha hồ nước, 3.000 ha núi đá, rừng tự nhiên… cùng nhiều thung lũng, 3 mặt bao bọc bởi núi, trước là hồ Tam Chúc với 6 quả núi nhỏ. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Thượng tọa có thể cho biết Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019 có gì khác so với những lần trước?

Sự khác biệt căn bản của Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak năm 2019 so với những lần trước, đó là sự hoành tráng, quy mô nhất về mọi phương diện.

Ở góc độ ngoại giao quốc tế, Chính phủ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ được đón tiếp Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống - Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc… Các quan chức Bộ trưởng của các nước và vùng lãnh thổ sẽ tham dự Đại lễ gồm: Ngài Phó Tổng thống Ấn Độ H.E.Mr.M.Benkaiah Naidu sẽ là diễn giả chính của Đại lễ và trên 25 Đại sứ cũng như nhiều phái đoàn ngoại giao quốc tế.

Đại lễ Phật đản Vesak 2019 năm nay có chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Sẽ có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 570 phái đoàn quốc tế và cá nhân, 1.650 đại biểu gồm Tăng vương, Tăng thống, chủ tịch và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhân sĩ trí thức học giả Phật giáo tham gia.

So với những lần tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc tổ chức tại New York (Mỹ) thì lần này Việt Nam mời được nhiều nguyên thủ quốc gia nhất. Đây là lần đầu tiên trong Phât giáo, mối quan hệ ngoại giao quốc tế đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Về phương diện hội thảo học thuật, Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019 đã đón nhận 398 bài của các học giả quốc tế đến từ 75 quốc gia và 110 bài của học giả các trường Đại học trong nước, nâng số bài hội thảo học thuật nhiều nhất từ trước đến nay. Số lượng sách gồm 30 quyển, trong đó 14 quyển bằng tiếng Anh, 16 quyển tiếng Việt.

Về lễ hội văn hóa, không chỉ có Hội thảo mà chúng ta đã biến sự kiện văn hóa Phật giáo toàn cầu thành sự nhập cuộc của cộng đồng Việt Nam nói chung và cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng.

Sẽ có các hoạt động như: Lễ đài cầu nguyện hòa bình; Lễ hoa đăng trên bờ, dưới nước; Diễu hành xe hoa; Tuần lễ Hội chợ văn hóa Phật giáo; Triển lãm nghệ thuật Phật giáo đặc sắc tại Điện Quan Âm, Điện Tam Thế và Triển lãm nghệ thuật văn hóa Phật giáo tại Trung tâm Hội nghị quốc tế cũng như Chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật ngày 12/5.

Như vậy so với 12 lần tổ chức tại Thái Lan thì quy mô của các sự kiện văn hóa do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lần này lớn hơn nhiều.

Đến nay, các hạng mục cuối cùng đang được khẩn trương hoàn thiện để chuẩn bị cho ngày khai mạc. Ảnh Thành Đạt/TTXVN

Đây là lần thứ 3 Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak, vậy chúng ta đã rút ra những kinh nghiệm gì, thưa Thượng tọa?

Những kinh nghiệm ở đây là: Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế và khu vực. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều sự kiện lớn. Việt Nam là nước thứ ba đứng ra tổ chức và đứng vị trí thứ 2 về số lượt tổ chức các sự kiện Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak, cho nên kinh nghiệm mà chúng ta có được đó là sự chân thành, cam kết và tôn trọng các điểm khác biệt giữa truyền thống Phật giáo trên thế giới, đón nhận được sự tham dự của cộng đồng Phật giáo toàn cầu.

Cho đến thời điểm này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã mời được 113 quốc gia và 3 vùng lãnh thổ tham gia. Đó là sự kiện chưa từng có trong bất kỳ một sự kiện quốc tế nào mà cộng đồng Phật giáo quốc tế tổ chức trong 8 thập thiên qua.

Xin trân trọng cảm ơn Thượng tọa!

Viết Tôn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/vesak-2019-su-kien-van-hoa-phat-giao-lon-trong-nam-2019-20190509154137314.htm