VEPR: Việt Nam tăng trưởng 2020 đạt khoảng 2,8%

Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng, nếu dịch bệnh không bùng phát trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường thì tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,6 - 2,8%. TCDN -

Sáng ngày 21/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Tọa đàm Công bố "Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý III năm 2020". Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS).

PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho rằng, với điều kiện dịch COVID-19 tiếp tục được khống chế ổn định ở trong nước và kinh tế thế giới bắt đầu khởi sắc do các biện pháp phong tỏa được dần gỡ bỏ, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng trong khoảng 2,6 - 2,8% trong cả năm 2020.

“Mức dự báo này thấp hơn so với ước tính của chúng tôi trong báo cáo trước đây, do việc dịch bệnh quay trở lại tại một số thành phố lớn ở miền Trung trong tháng Bảy làm gián đoạn quá trình hồi phục của ngành du lịch”, ông Phạm Thế Anh cho hay.

 PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR công bố "Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý III năm 2020".

PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR công bố "Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý III năm 2020".

Báo cáo cũng nêu ra kịch bản bất lợi khi các nước đối tác của Việt Nam phải áp dụng biện pháp phong tỏa khi dịch bùng phát mạnh. Điều đó dẫn tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp. Dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Trong các phương án có thể, thì cần ưu tiên cắt giảm kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi cho rằng việc giãn/giảm thuế, nếu có, chỉ nên được áp dụng với thuế VAT thay vì thuế TNDN, vì giảm thuế TNDN chỉ hỗ trợ được số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Từ đó, việc giảm thuế TNDN còn có nguy cơ tạo ra bất bình đẳng sâu sắc hơn trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch”, ông Phạm Thế Anh khẳng định.

T. Phương

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/vepr-viet-nam-tang-truong-2020-dat-khoang-28-d16139.html