VEPR: Chuyển đổi số trở thành một phần của doanh nghiệp trong thời kỳ bình thường mới

Sáng 20/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề 'Nâng cao nền tảng số cho cho ngành dịch vụ'.

Hiện vẫn còn những thách thức trong chuyển đổi số của ngành dịch vụ tại Việt Nam. Hình ảnh các đại biểu tham dự Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề Nâng cao nền tảng số cho cho ngành dịch vụ. (Ảnh: G.T)

Hiện vẫn còn những thách thức trong chuyển đổi số của ngành dịch vụ tại Việt Nam. Hình ảnh các đại biểu tham dự Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề Nâng cao nền tảng số cho cho ngành dịch vụ. (Ảnh: G.T)

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho biết, Covid-19 đã làm 69% doanh nghiệp ở Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; trong đó ngành dịch vụ có tỷ lệ lao động mất việc trên 50%; dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ còn 4% duy trì hoạt động.

Trái ngược với các hoạt động kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, đại dịch Covid-19 không những không làm suy giảm nền kinh tế số mà còn tạo cả áp lực lẫn động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

Chuyển đổi số không chỉ là biện pháp ứng phó tạm thời trong đại dịch mà còn tiếp tục trở thành một phần của các doanh nghiệp trong thời kỳ bình thường mới.

Theo khảo sát của Base.vn, hơn 60% doanh nghiệp Việt Nam có ý định tiếp tục kết hợp làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng và hơn 77% doanh nghiệp lựa chọn triển khai mô hình kết hợp giữa kinh doanh online và tại chỗ sau dịch. Covid-19 đã đem lại cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số như tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, phát triển các kênh online, thanh toán không dùng tiền mặt.

Về tình hình chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ngành dịch vụ, theo báo cáo của VEPR, trong lĩnh vực y tế, các hệ thống hiện đại như hệ thống khám chữa bệnh từ xa, hệ thống tiêm chủng quốc gia, phần mềm thống kê y tế, hồ sơ y tế đang được triển khai rộng rãi. Đến nay, 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện.

Trong lĩnh vực giáo dục, gần như mọi cơ sở giáo dục ở Việt Nam đều chuyển sang dạy học trực tuyến trong đợt dịch để đảm bảo giảng dạy đúng tiến độ. Các trường học cũng linh hoạt áp dụng các phần mềm, ứng dụng online hỗ trợ các hoạt động giáo dục như: dạy học qua các công cụ họp trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet...

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, 2 năm vừa qua, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam vẫn tăng trưởng lần lượt ở mức 18% và 16%. Bên cạnh đó, lĩnh vực thanh toán trực tuyến cho thấy mức độ tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, doanh số thanh toán chi tiêu trên sàn thương mại điện tử từ thẻ nội địa tăng 81%.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước năm 2021, đã có tới 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng hiện nay có hơn 90% hoạt động giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Sự hiện diện của các công ty Fintech cũng thúc đẩy thị trường tài chính ngân hàng trong công cuộc số hóa.

Trong lĩnh vực Logistics, những năm gần đây, ước tính ngành logistics tăng trưởng trung bình14-16%, tức khoảng 40-42 tỷ USD mỗi năm.

Theo báo cáo Logistics Việt Nam 2021 của Bộ Công Thương, hiện có 75% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý giao nhận; 63,89% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý đơn hàng và kho hàng; 61,11% doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm quản lý vận tải.

Tuy nhiên, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, hiện vẫn còn những thách thức trong chuyển đổi số của ngành dịch vụ tại Việt Nam. Đơn cử như sự sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp còn ở mức thấp, doanh nghiệp gặp phải những rào cản như chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ....

Về giải pháp khắc phục, theo VEPR, về mặt hạ tầng, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, chính phủ cần thúc đẩy quá trình này thông qua việc hợp tác giữ doanh nghiệp nhà nước với khu vực tư, tránh tình trạng độc quyền dễ xảy ra trong nền kinh tế số do yêu cầu về chi phí cố định lớn và hiệu ứng quần tụ mạng lưới.

Về vấn đề nhân lực, Việt Nam cần nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người lao động thông qua tăng cường giáo dục và đào tạo công nghệ thông tin ở tất cả các cấp học. Bên cạnh đó, nên đẩy mạnh các chương trình đào tạo công nghệ thông tin cả chính quy và không chính quy, đa dạng cách thức đào tạo để phục vụ được nhiều đối tượng trong xã hội, giúp các lao động đang làm việc cũng có cơ hội học tập và trau dồi kỹ năng.

Bên cạnh kỹ năng số, Việt Nam cũng cần có những chính sách để bồi dưỡng, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo để duy trì năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế trong tương lai, thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần cải thiện chính sách cạnh tranh trong nước.

Mặt khác, chính phủ cũng cần chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực khác ngoài nhân lực. Việt Nam cần có nhiều hơn các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp về các mặt như vốn tài chính, kiến thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo và nhân viên doanh nghiệp, khả năng nắm bắt sự thay đổi về công nghệ và các hỗ trợ khác về mặt thông tin thị trường công nghệ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện khung pháp lý về kinh tế số, nâng cao khả năng bảo vệ người dùng các dịch vụ kỹ thuật số như ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng thị trường bảo hiểm không gian mạng để giúp doanh nghiệp nhận được hỗ trợ tài chính khi có vấn đề xảy ra.

Về phía doanh nghiệp, VEPR cho rằng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, đầu tư nguồn lực (đặc biệt là nguồn lực tài chính) và xây dựng lộ trình chuyển đổi số; doanh nghiệp có thể xác định các hoạt động, khu vực ưu tiên chuyển đổi số trước; nâng cao nhân thức, tư duy kinh doanh số của lãnh đạo doanh nghiệp; nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người lao động.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vepr-chuyen-doi-so-tro-thanh-mot-phan-cua-doanh-nghiep-trong-thoi-ky-binh-thuong-moi-184330.html