Venice Thành phố trên biển

Nằm ở phía Đông Bắc nước Ý, có thể hình dung thành phố Venice giống như một mạng nhện khổng lồ được tạo thành bởi 118 đảo và 175 kênh đào, các đảo nối với nhau bởi 444 cây cầu.

Venice là điểm gặp nhau của các tuyến thương mại đường biển giữa một phần Tây Âu rộng lớn và vùng còn lại của thế giới. Venice trong quá khứ từng là một đế quốc hàng hải, một khu vực chuẩn bị cho các cuộc Thập tự chinh, và là một trung tâm thương mại quan trọng của châu Âu thời kỳ Phục hưng. Còn hiện nay Venice là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của nước Ý, bởi sở hữu vô vàn những điều độc đáo.

Lịch sử hình thành

Venice trong tiếng Latinh nghĩa là “tình yêu”, và còn được mệnh danh bởi vô số các danh hiệu khác như thành phố kênh đào, thành phố nước, thành phố của những cây cầu, thành phố của những chiếc mặt nạ hay thành phố đỏ, bởi tất cả những mái nhà ở đây đều có chung một màu đỏ khi nhìn từ trên cao xuống.

Trong lịch sử, Venice là một trung tâm thương mại, nghệ thuật lớn. Đây cũng là quê hương của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Antonio Vivaldi, Giovanni Picchi… Nơi đây còn là nhà của nhà thám hiểm nổi tiếng Marco Polo – một trong những người châu Âu theo con đường tơ lụa đến với châu Á, đặc biệt là Trung Hoa để rồi mang nhiều tinh hoa trở lại châu Âu, trong đó chính món mì spaghetti của Ý lấy ý tưởng từ món mì sợi của Trung Hoa. Ngày nay, Venice còn là một trung tâm thời trang và mua sắm lớn của Ý với dân số gần 300.000 người.

Venice được thành lập năm 421 bởi những người La Mã kéo dài đến thế kỷ thứ 9, từ thế kỷ 12 Venice phát triển thành một thành quốc gia, với vị trí chiến lược tại điểm địa đầu của biển Adriatic, đem lại thế mạnh về thủy quân và kinh tế. Sau 1070 năm, nước Cộng hòa Venice mất quyền tự chủ khi Napoléon Bonaparte chinh phạt Venice vào ngày 12-5-1797 trong Chiến dịch liên minh lần thứ nhất, trở thành một phần của Áo khi Napoléon ký Hòa ước Campo Formio vào 12-10-1797. Vào năm 1866, sau cuộc chiến 6 tuần, Venice trở thành một phần của Ý cho đến hiện nay.

Những kiến trúc độc đáo

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (Unesco) đã công nhận Venice và hệ thống kênh rạch trong thành phố là Di sản văn hóa thế giới năm 1987. Một trong những điều khiến Venice trở nên vô cùng nổi tiếng bởi đây là đô thị duy nhất ở châu Âu đến thế kỷ 21 hoàn toàn không có ô tô, xe tải, thậm chí xe đạp cũng không được phép di chuyển. Tại đây có gần 500 cây cầu chạy dọc, ngang thành phố có chức năng như những con đường, mọi hoạt động giao thông đều diễn ra trên các kênh đào và đi bộ.

Trong những cây cầu nổi tiếng là Cầu Than thở (Ponte dei Sospiri), nằm giữa Dinh Tổng trấn và nhà giam cũ trong thành phố bắc qua Rio di Palazzo - một con kênh rộng khoảng 8m. Chiếc cầu làm bằng đá vôi do Antonio Contino xây năm 1605. Cầu Than thở có tên từ thế kỷ 17, vì tù nhân trên đường vào trại giam đã thở dài khi đứng từ đây nhìn ra tự do lần cuối. Một cây cầu nổi tiếng khác là cầu đá Rialto bắc qua kênh lớn, cầu dài 48m, trước đây làm bằng gỗ sau này mới xây bằng đá, và trở thành điểm thu hút khách tham quan nhiều nhất ở Venice.

Một trong những điểm tham quan quen thuộc của du khách khi tới Venice đó là quảng trường Thánh Mark (Piazza San Marco), nằm ở trung tâm thành phố, lúc nào cũng có hàng trăm chim bồ câu. Xung quanh quảng trường là những công trình lớn và quan trọng của Venice thí dụ như nhà thờ San Marco, là nơi lưu giữ thi hài Thánh Mark mà người Venice đã đánh cắp vì lòng ngoan đạo từ thành phố Alexandrie (Ai Cập) năm 828. Nhà thờ được người dân coi là nơi linh thiêng nhất của thành phố xinh đẹp này.

Venice còn được nhiều người biết đến với tháp đồng hồ Torre dell'Orologio, được xây dựng trong khoảng năm 1496-1499, là một đồng hồ thiên văn học mô tả các chu kỳ của mặt trăng, mặt trời và hoàng đạo. Trên đỉnh tháp đồng hồ có hai bức tượng đồng khổng lồ, cứ mỗi giờ lại gõ chuông. Có một câu chuyện về chiếc đồng hồ còn lưu truyền đến ngày hôm nay, đó là người thợ sáng tạo ra chiếc đồng hồ đã bị chọc mù để không thể làm được thêm chiếc đồng hồ nào nữa sau khi hoàn thành tác phẩm này.

Venice tuy lúc nào cũng đông đúc, nhưng vẫn có những con hẻm vắng vẻ và người dân bản xứ vẫn sinh sống trong những căn nhà cổ. Đi sâu vào trong lòng Venice, du khách sẽ bắt gặp những con kênh nhỏ, hai bên là những ngôi nhà cao tầng nhiều màu sắc khoác chiếc áo thời gian, với những chậu hoa xinh xắn bên những ô cửa sổ tạo nên vẻ đẹp giản dị, thanh bình của thành phố cổ kính, đối lập với một Venice xa hoa, tráng lệ bên ngoài. Nét cổ kính của Venice được in hằn đậm nét lên các ngôi nhà với những bức tường rêu phong, những ô cửa sổ rỉ sét và những cánh cửa ngập nước bị ăn mòn theo thời gian.

Hãy dành thời gian xếp hàng theo tháp đồng hồ, bạn sẽ có cái nhìn bao quát với những mái ngói đỏ trải dài rất đẹp của phố cổ Venice.

Hình ảnh đặc trưng

Đi đâu ở Venice bạn cũng thấy nước biển và những con đò chèo tay, ngày nay người dân sống ở Venice hay di chuyển bằng những chiếc cano. Đến venice cũng phải thử cảm giác sống chậm để ngồi thong dong trên những con thuyền được gọi là gondola, và hình ảnh lơ đãng của những mái chèo gondola, đã trở thành hình ảnh biểu trưng của Venice.

Người chèo thuyền gondola phải có giấy phép để đảm bảo an toàn cho khách, đặc biệt khi chèo lái ở kênh lớn (Grand canal) vì có nhiều tàu lớn và sóng to. Người chèo thuyền gondola phải mặc quần đen, áo kẻ ngang và đi giày đen, đầu đội mũ. Thuyền ngày xưa là phương tiện đi lại chính của giới quý tộc, ngày nay đa phần để chở du khách đi tham quan hoặc được sử dụng trong các regatta đặc biệt (cuộc đua chèo thuyền), được tổ chức giữa những người chèo thuyền gondola.

Vào thế kỷ 13, chiếc gondola có 12 mái chèo. Đến thế kỷ 15, con thuyền bị thu hẹp lại, nhưng có thêm buồng cabin. Thời kỳ này, các quý tộc bắt đầu phung phí tiền bạc để trang trí gondola nhằm phô trương sự giàu có.

Để giảm thiểu chi phí quá lớn, chính quyền thành phố đã ban hành lệnh cấm đặc biệt đối với số tiền chi vào một chiếc gondola vào năm 1562. Kể từ đó, chiếc gondola có một “đồng phục” chung: màu sơn đen và 3 yếu tố trang trí gồm phần đuôi cong, một cặp cá ngựa và một miếng sắt.

Thuyền gondola được đóng thủ công, chế tác tỉ mỉ, cầu kỳ từ 8 loại gỗ khác nhau. Mỗi chiếc gondola nặng 700kg và có tới 280 chi tiết làm từ gỗ. Thuyền dài 10,87m và rộng 1,42m. Lòng thuyền được trang trí với những chiếc ghế nhung xa hoa, khiến du khách tưởng tượng mình là một quý tộc thời xưa.

Giá vé khá đắt, khoảng 80eur (hơn 2 triệu đồng) cho một chuyến tham quan bằng gondola. Bạn có thể đi chung 5 người để giảm chi phí (còn 20eur). Vì giá đắt nên nhiều khách du lịch “bụi” không dám chi tiền, đổi lại trải nghiệm Venice bằng gondola rất thú vị, vì bạn có thể đi vào các ngóc ngách mà khi đi bộ không thể đến được, và những người lái thuyền cũng sẵn lòng phục vụ bạn nhiệt tình với những khúc ca Venice truyền thống mê hồn.

Người ta biết đến Venice còn qua những chiếc mặt nạ và vào tháng 2 hàng năm của lễ hội hóa trang tại đây. Thời xưa định kiến, giới quý tộc chỉ giao du với người cùng đẳng cấp. Đó là lúc những chiếc mặt nạ bắt đầu xuất hiện với mục đích che giấu thân phận thực sự của mỗi người Venice.

Gạt bỏ định kiến bên ngoài, người dân được thoải mái làm điều mình muốn, gặp mặt bất kỳ ai tùy thích và thực hiện những giao dịch riêng tư. Vậy là suốt một thời gian dài, chiếc mặt nạ trở thành vật bất ly thân của người dân Venice. Nó đem lại sức mạnh tinh thần với ý nghĩ được là chính mình, thể hiện những gì sâu kín nhất.

Bởi khi không nhìn thấy khuôn mặt, tiếng nói của bạn sẽ được lắng nghe. Hiện nay đến Venice, du khách cũng thường mua mặt nạ làm kỷ niệm, có nhiều mức giá bởi các chế tác khác nhau, được làm bằng nhựa hoặc bằng gỗ. Giá thấp nhất khoảng 10 euro (260.000 đồng).

Và những thách thức
Với hiện tượng nóng lên toàn cầu, các chuyên gia dự báo thành phố nổi sẽ có nguy cơ chìm bởi nước biển ngày một dâng cao.

Ngày xưa người dân kéo đến đây để sinh sống, nhưng nay người bản xứ lại rời đi vì bị làm phiền từ du khách. Du lịch phát triển đã góp phần tạo nên cái mà người dân gọi là “cuộc di cư”. Những người dân Venice phải dời đến các vùng nằm sâu trong đất liền của Ý. Từ những năm 1950, dân số của Venice đã giảm hơn 2/3.

Vỡ mộng cũng là điều khó đoán khi đến đây, nhiều du khách mong muốn đến Venice để thưởng ngoạn một phố cổ hiền hòa và thơ mộng, thì lại kẹt cứng trong biển người, nhiều người phải chờ đến lượt thứ 2 hoặc thứ 3 mới lên được phà ra đảo. Chưa hết, du khách phải xếp hàng quá lâu để vào tham quan bảo tàng, nhà thờ hoặc tháp đồng hồ.

Cảnh tượng dòng người ùn ứ trên lối đi bộ trong những con hẻm nhỏ ở Venice là điều quá bình thường. Các cây cầu nhỏ bé ở Venice phải quằn mình chịu sức nặng của du khách, khi họ hay đứng lại để tạo dáng chụp ảnh với những con kênh và tòa nhà.

Chính vì sự nổi tiếng này mà mỗi năm Venice đón tiếp tới 30 triệu du khách, và số khách khổng lồ này đang khiến người dân sở tại cảm thấy quá tải so với khả năng mà họ có thể tiếp đón. Trên mặt đất, dưới các kênh đào, nơi đâu cũng tràn ngập du khách. Vì vậy, mọi dịch vụ hay thức ăn nước uống ở Venice đều có giá rất cao.

Điều tồi tệ hơn cả là tình trạng ô nhiễm ở các con kênh do các khách sạn xả nước trực tiếp, du khách thậm chí còn chia sẻ họ thấy ống xả nước thải và ngửi thấy mùi bùn cống khi đi du thuyền gondola qua những con hẻm nhỏ xinh của Venice. Với những áp lực trên, năm nay du khách sẽ bị thu phí khi đến thăm thành phố này.

Cụ thể, khoản lệ phí 3 euro một người sẽ được áp dụng. Tới năm 2020 lệ phí sẽ tính theo mùa, thấp nhất là 5 euro và cao nhất là 10 euro cho mỗi du khách, nhằm cải thiện và bảo tồn các công trình cũng như môi trường ở thành phố của những kênh đào.

Phạm Hoàn Khải, (Youtube: Fahoka Xê Dịch)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/venice-thanh-pho-tren-bien-71124.html