Vênh từ đâu?

Khi xác định giải ngân vốn, đặc biệt là nguồn vay nước ngoài là 'mũi nhọn' của tăng trưởng năm nay, các cuộc họp để cập nhật tiến độ và tháo gỡ vướng mắc đã chuyển từ 'hàng năm' thành 'hàng tháng' với các các bộ, ngành trung ương lẫn địa phương.

Từ khi “họp liên tục”, có một vấn đề tưởng rất nhỏ nhưng lại trở thành “to” đã được phát hiện, đó là sự không thống nhất trong số liệu giữa các đơn vị, đặc biệt là con số do Bộ Tài chính cung cấp với con số do bộ, ngành, địa phương phát ra. Có tháng, có đơn vị “vênh” đến vài trăm tỷ đồng mà hầu như các trường hợp “vênh” đều là con số Bộ Tài chính đưa ra thấp hơn các đơn vị tự báo cáo.

Vậy đây có phải là lỗi do thống kê hay không? Xin thưa là không!

Kỳ thực, con số các bộ, ngành, địa phương cung cấp là số khối lượng trên công trường, là khối lượng thực hiện nhưng khối lượng thực hiện đó phải làm hồ sơ thanh toán gửi đến Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi. Kiểm soát chi là chưa chi, khi đó mới xác nhận khối lượng đó đủ điều kiện để thanh toán. Ví dụ hợp đồng, báo giá… nhưng sau đó, Ban quản lý dự án phải làm đơn xin rút vốn với nhà tài trợ để thanh toán khối lượng, khi nhà tài trợ chấp nhận thì mới được thanh toán giải ngân.

Nói cách khác, kiểm soát chi rồi nhưng chưa chắc đã chi. Thanh toán rồi nhưng chưa chắc đã ghi thu ghi chi. Có khối lượng hoàn thành nhưng chưa chắc đã được thanh toán.

Thực tế, giải ngân vốn ODA và vốn vay nước ngoài hiện nay có 2 hình thức: 1 là xác nhận vốn của Kho bạc Nhà nước đối với các hình thức ghi thu ghi chi và 2 là giải ngân theo cơ chế trong nước giống như dự án vốn đầu tư trong nước. Trong quá trình triển khai, hình thức thứ 2 khá đơn giản, Ban quản lý dự án cứ có khối lượng mang ra Kho bạc là có thể thanh toán ngay và ghi nhận số liệu. Song nhiều dự án phải giải ngân theo cơ chế ghi thu ghi chi thì quy trình khá phức tạp, phải có khối lượng hoàn thành theo từng giai đoạn, sau đó phải làm thủ tục ký đơn rút vốn, sau đó xác nhận thanh toán theo tài khoản đặc biệt hay thanh toán trực tiếp,…mất nhiều thời gian mới có thể ghi nhận con số.

Tuy nhiên, dù là thống kê theo hình thức nào thì việc các bộ, ngành, địa phương có khối lượng giải ngân nhưng không ra ngay Kho bạc để xác nhận, thanh toán, ghi thu ghi chi thì con số vẫn sẽ khó có thể đồng nhất. Thậm chí, vẫn còn nhiều trường hợp để tới cuối năm “thanh toán một thể”.

Việc cần làm bây giờ là các bên phải có đối chiếu lẫn nhau theo định kỳ, có thể nửa tháng một lần để đảm bảo chính xác. Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị với Kho bạc Nhà nước.

Tuy biết các đơn vị đều đã rất nỗ lực để nâng cao tỷ lệ giải ngân, song, có lẽ các bộ, ngành, địa phương vẫn nên sử dụng con số đã được ghi nhận tại Kho bạc để có được tỷ lệ giải ngân chính xác và chắc chắn nhất bởi như đã nói ở trên, các dự án có khối lượng hoàn thành nhưng chưa chắc đã được thanh toán.

Đông Mai

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/venh-tu-dau-135093-135093.html