Venezuela : Washington quyết 'trói tay Putin để bắt cọp Maduro'

Mỹ tăng sức ép của cả 'thù trong' lẫn 'giặc ngoài' với chế độ Maduro, mà nguy hiểm là cả 'thù trong' và 'giặc ngoài' đều là người dân Venezuela...

Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ 400 triệu USD cho đối lập Venezuela

Theo Reuters, ngày 17/12, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã đưa gói viện trợ trị giá 400 triệu USD dành cho phe đối lập của thủ lĩnh Juan Guaido ở Venezuela vào ngân sách trị giá 1,4 nghìn tỷ USD của năm tài khóa 2020.

Gói tài trợ này đã được Hạ viện Mỹ thông qua, và dự kiến Thượng viện Mỹ cũng sẽ sớm thông qua vì ngân sách dành cho hoạt động của chính phủ Mỹ sẽ cạn kiệt vào ngày 21/12. Tổng thống Donald Trump được cho là rất hài lòng trước sự kiện này.

Khoản tài trợ 400 triệu USD là nhằm phục vụ Dự luật Cứu trợ khẩn cấp, Hỗ trợ dân chủ và Hành động phát triển cho Venezuela, do Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, bảo trợ.

Thượng nghị sĩ Bob Menendez, đồng bảo trợ Dự luật Menendez-Rubio

Thượng nghị sĩ Bob Menendez, đồng bảo trợ Dự luật Menendez-Rubio

"Điều này khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với nhân dân Venezuela và Tổng thống lâm thời Juan Guaido, đồng thời gia tăng sức ép chống lại chế độ Nicolas Maduro”, Thượng nghị sĩ Bob Menendez hân hoan.

Gói tài trợ được xác định là nguồn viện trợ nhân đạo dành cho các cá nhân, tổ chức ở Venezuela chống lại chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro và những người dân Venezuela di cư được tiếp nhận ở nhiều quốc gia.

Được biết, ngoài đề xuất khoản tài trợ 400 triệu USD cho phe đối lập ở Venezuela, Dự luật Cứu trợ khẩn cấp, Hỗ trợ dân chủ và Hành động phát triển cho Venezuela - Dự luật Menendez-Rubio còn đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ thủ lĩnh đối lập Guaido.

Như vậy, có thể thấy Washington vẫn tiếp tục dấn sâu vào ván cờ Venezuela, sau khi các nước cờ của họ không phát tác hiệu như mong muốn, còn quân cờ chủ lực thì ngày càng mất lực, khiến Mỹ vẫn phải chịu cảnh của kẻ lấp ló bên cánh gà.

Còn nhớ, ngày 29/7, phát biểu khi đang có chuyến công du tới Trung Quốc, Tổng thống Colombia Ivan Duque đã bất ngờ cáo buộc Tổng thống Nicolas Maduro đang biến Venezuela thành 'thiên đường khủng bố'.

'Điều mà chúng tôi đang nhìn thấy là ông Maduro không chỉ nuôi dưỡng những kẻ khủng bố Colombia trong nhiều năm qua mà còn biến đất nước này thành một thiên đường cho những kẻ cực đoan và buôn bán may túy', Reuters tường thuật.

Quan hệ Venezuela-Colombia đã trở nên căng thẳng, sau khi Colombia tham gia vào Nhóm Lima, cùng với Mỹ công nhận lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela, cũng như góp sức lật đổ Tổng thống Maduro.

Vì vậy lời cáo buộc của Tổng thống Ivan Duque đối với Tổng thống Maduro về việc nuôi dưỡng khủng bố và dung tung túng cho tội phạm ma túy được nhìn nhận là bắt đầu cho một nước cờ chính trị mới của Washington - kịch bản bắt cọp Maduro.

Không lâu sau, ngày 29/8, Đặc phái viên của Mỹ phụ trách vấn đề Venezuela, Elliott Abrams, lại cam đoan rằng Washington sẽ để cho Tổng thống Nicolas Maduro an toàn, nếu nhà lãnh đạo này chuyển giao quyền lực cho phe đối lập Venezuela.

Ủng hộ Guaido bị cho là sai lầm chiến lược của Trump

"Chúng tôi cam kết sẽ không săn đuổi Maduro. Chúng tôi cũng không tìm cách trừng phạt hay trả thù ông ấy, mà chúng tôi chỉ muốn một sự thay đổi cho nền chính trị của Venezuela", AFP tường thuật.

Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Venezuela khẳng định: "Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục dân chủ và thịnh vượng ở Venezuela. Chúng tôi cho rằng mục tiêu này sẽ không thể đạt được dưới thời Maduro".

Phát ngôn của Đặc phái viên Abrams về số phận của tổng thống Venezuela đương nhiệm được giới quan sát nhìn nhận giống như kích hoạt "kịch bản bắt cọp Maduro", sau khi nhà lãnh đạo này bị cáo buộc biến Venezuela thành 'thiên đường ma túy'.

Tuy nhiên, cho đến nay 'kịch bản bắt cọp Maduro' vẫn không thể triển khai, trong khi đó "cọp lớn Maduro" vẫn ung dung ở trong hang và làm hành làm tỏi "cọp con Guaido", khiến Washington nóng mặt.

Washington quyết 'trói tay Putin để bắt cọp Maduro'

Có thể thấy, chính quyền Trump đã quá sai lầm khi công nhận "Tổng thống tự xưng" Juan Guaido. Đây được xem là "sai lầm của mọi sai lầm" về chiến lược của Mỹ trong ván cờ Venezuela.

Vì ủng hộ hành động vi hiến của thủ lĩnh đối lập Guaido nên Washington "muốn bắt cọp nhưng không thể vào hang cọp". Chính điều này đã giúp cộng hưởng sức mạnh quyền lực của Maduro, từ đó dễ dàng cô lập Guaido.

Thực tế đó khiến Washington các đồng minh và những thực thể khác, dù áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt cũng như cứng rắn trong các quan hệ với Caracas, song quyền lực của Tổng thống Maduro vẫn được giữ vững.

Trước bối cảnh nguy hại đó, yêu cầu phải có kịch bản giúp Mỹ "vào hang cọp bắt cọp" trở nên cấp bách. Và "kịch bản bắt cọp" đã có khi Tổng thống Colombia Ivan Duque cáo buộc Tổng thống Maduro biến Venezuela thành "thiên đường khủng bố".

Tuy nhiên, "kịch bản bắt cọp Maduro" của Mỹ không dễ thực hiện sau khi Nga triển khai Thỏa thuận hợp tác quân sự Nga-Venezuela, trong đó có bao gồm cả việc đưa nhân viên quân sự và kỹ thuật quân sự tới Venezuela.

Liệu Mỹ có thể trói tay Putin để bắt cọp Maduro?

Có thể thấy, Mỹ đã quá bất ngờ khi Tổng thống Putin cho triển khai Thỏa thuận hợp tác quân sự Nga-Venezuela. Bởi khi chứng kiến làn sóng biểu tình do phe đối lập phát động, Nga được cho là có kế hoạch giải cứu Maduro như với Yanukovych.

Trong bối cảnh đó, Washington được cho là đã sẵn sàng một cơ cấu quyền lực tại Venezuela thời hậu Maduro. Song quyết định của người đứng đầu Điện Kremlin đã làm hỏng mọi tính toán của Washington.

Putin đã không chọn giải cứu Maduro như đã làm với Yanukovych, mà đã chọn đưa nhân viên quân sự và kỹ thuật quân sự tới Venezuela, nhằm khẳng định vị thế và bảo vệ lợi ích Nga.

Đặc biệt, triển khai Thỏa thuận hợp tác quân sự với Venezuela, Moscow đã nghiễm nhiên trở thành khách được mời của Caracas, vị thế Washington có mơ cũng không thấy nếu Maduro còn nắm quyền.

Rõ ràng, trong lúc này nếu không "trói được tay Putin" thì không thể nào "bắt được cọp Maduro". Tuy nhiên, trói võ sĩ judo bằng cách nào, bằng dây trói gì là vấn đề không hề đơn giản.

Dường như Washinton chọn "trói Putin" bằng 2 loại dây gần đây họ thường xuyên sử dụng và tỏ ra có hiệu quả. Đó là Tiền và Luật. Đây được xem là cơ sở nền tảng cho việc xây dựng Dự luật Menendez-Rubio kèm gói tài trợ 400 triệu USD.

Có thể thấy, luật hóa Cứu trợ khẩn cấp, Hỗ trợ dân chủ và Hành động phát triển cho Venezuela sẽ tác động rất lớn tới tình hình Venezuela, đặc biệt là có thể gây phân hóa nội bộ lực lượng ủng hộ Maduro.

Bởi việc luật hóa sẽ gây ra hai hiệu ứng. Một là hành động của Washington sẽ không phập phù theo tính khí bất thường của Tổng thống Trump. Hai là chiến lược của Mỹ sẽ không phụ thuộc vào "triều đại Trump".

Dự luật Cứu trợ khẩn cấp, Hỗ trợ dân chủ và Hành động phát triển cho Venezuela được thông qua sẽ làm gia tăng mạnh mẽ sức ép của "thù trong" đối với chính quyền Tổng thống Maduro.

Hay Putin lại có dịp chúc mừng Trump?

Trong khi đó, gói tài trợ 400 triệu USD không chỉ dành cho các cá nhân, tổ chức ở Venezuela chống lại chế độ Maduro, mà còn dành cả cho những người Venezuela đã bỏ nước ra đi và được tiếp nhận ở nhiều quốc gia.

Có thể nhận diện đây là cách Washington tăng sức ép của "giặc ngoài" đối với chính quyền Tổng thống Maduro. Điều rất nguy hiểm là cả "thù trong" lẫn "giặc ngoài" đều là người Venezuela.

Trong trường hợp này, các nước cờ của Putin xoay quanh quân cờ Maduro sẽ gặp khó, buộc Putin hoặc phải thay đổi nước cờ hay thay đổi thế cờ và có thể phải thay đổi cả quân cờ. Lúc đó việc "bắt cọp Maduro" sẽ dễ như trở bàn tay với Mỹ.

Tuy nhiên, Vladimir Putin là tay chơi cờ đại tài, không biết liệu thế cờ gọng kìm "thù trong-giặc ngoài" của Washington có thể phát tác hiệu? Chúng ta cùng chờ xem Mỹ phá thế cờ của Putin hay Putin phá thế cờ của Mỹ.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/venezuela-washington-quyet-troi-tay-putin-de-bat-cop-maduro-3393559/