Venezuela theo chân Trung Quốc, sử dụng rộng rãi tiền điện tử

Đồng tiền điện tử petro của Venezuela sớm được đưa vào thanh toán dầu, vàng và được dùng rộng rãi.

Mới đây, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tuyên bố sẽ sử dụng dầu và một phần vàng cho đồng petro nhằm đưa đồng tiền số vào cuộc sống một cách thiết thực hơn.

Tổng thống Venezuela trong sự kiện giới thiệu về petro.

Tổng thống Venezuela trong sự kiện giới thiệu về petro.

"Chúng tôi sẽ dùng dầu và vàng của Venezuela để đổi lấy petro. Hiện chúng tôi đã bán dầu, thép, sắt và nhôm, và sau này sẽ giao dịch một phần vàng bằng đồng petro" - báo El Nicional dẫn lời ông Maduro.

Theo vị Tổng thống, Chính phủ nước này đang giới thiệu thành công tiền điện tử của mình vào cuộc sống hàng ngày của người dân Venezuela. Hồi tháng 12, chính quyền của ông Maduro đã chuyển đổi lương hưu và lương của nhân viên khu vực công bằng đồng petro thay vì tiền mặt.

Việc tăng cường sử dụng đồng tiền điện tử của đất nước được cho là giúp Venezuela giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước.

Tổng thống Maduro đã công bố ra mắt tiền điện tử petro quốc gia vào tháng 10/2017. Doanh số của nó bắt đầu thu về vào ngày 20/2/2018 với chi phí tính tương đương với giá của một thùng dầu, tương đương với khoảng 60 USD. Đây là hình thức mới nhằm giúp chính quyền Caracas chống lại tình trạng lạm phát và đồng tiền mất giá.

Việc sử dụng tiền điện tử cho các giao dịch hàng hóa đang trở thành xu thế.

Tháng 11/2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, Bắc Kinh vẫn giữ ý định ủng hộ đồng tiền điện tử mới để bổ sung cho đồng nhân dân tệ giấy. Giao dịch bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ không ẩn danh hoàn toàn và giá trị của nhân dân tệ điện tử sẽ ổn định như loại tiền giấy đang lưu thông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn tuyên bố, Trung Quốc phải dẫn đầu thế giới về công nghệ blockchain. Quốc gia tỷ dân có kế hoạch tận dụng blockchain để cách mạng hóa tất cả các ngành công nghiệp cốt lỗi của mình và coi đó như là con đường phía trước để mang lại cho Trung Quốc lợi thế cạnh tranh.

Trung Quốc có những cân nhắc quan trọng về quy định pháp lý cũng như động cơ chính trị. Khả năng theo dõi sự dịch chuyển của tiền điện tử sẽ hữu ích trong việc đối phó hoạt động rửa tiền và nhiều hành vi phi pháp khác.

Trước đó, hồi tháng 7/2019, Iran cũng đã "gia nhập" nhóm các nước sử dụng tiền điện tử như Nga- Trung Quốc- Venezuela và chuyển sang hợp pháp hóa việc khai thác bitcoin và các loại tiền điện tử khác, công nhận tiền điện tử kỹ thuật số là một ngành hợp pháp, sử dụng năng lượng để khai thác tiền điện tử. Tiền điện tử có thể là một phương pháp để làm giảm nhẹ tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ, tránh làm tê liệt nền kinh tế.

Người đứng đầu Ủy ban kinh tế của chính phủ Iran - ông Elyas Hazrati trả lời phỏng vấn tờ Mehr News: "Chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp tiền điện tử nên được công nhận là ngành chính thức ở Iran, cho phép nước này tận dụng lợi thế về thuế và hải quan. Bằng cách tạo ra điện giá rẻ, chúng tôi có thể cung cấp năng lượng cần thiết cho các máy đào tiền điện tử trên toàn quốc.

Thu nhập có được sẽ được sử dụng để mua ngoại hối. Theo đó sẽ loại bỏ được các khó khăn nếu phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Mỹ".

Iran đã bắt đầu thực hiện các bước để khởi động tiền điện tử của riêng mình vào năm ngoái, lo ngại về khả năng Mỹ gây áp lực lên các sàn giao dịch tiền điện tử, vốn đã bị buộc phải đóng băng thuộc về công dân Iran trong quá khứ.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/venezuela-theo-chan-trung-quoc-su-dung-rong-rai-tien-dien-tu-3394567/