Venezuela mất vàng gửi ngân hàng, Mỹ lại tăng trừng phạt

Citibank và Deutsche Bank đã giữ lại số vàng mà Venezuela dùng để đảm bảo các khoản vay trị giá 1,4 tỷ USD.

Theo nhiều nguồn tin, hai ngân hàng quốc tế Citibank và Deutsche Bank đã giữ lại số vàng mà chính phủ Venezuela dùng để đảm bảo cho các khoản vay trị giá 1,4 tỷ USD.

Trong các năm 2014-2016, Ngân hàng trung ương Venezuela (BCV) đã sử dụng một phần vàng trong kho dự trữ để đảm bảo cho các hoạt động tài chính với hai ngân hàng này. BCV khẳng định sẽ hoàn trả bằng tiền để không bị mất số vàng thế chấp này.

Hiện tại, Citibank đang kiểm soát số vàng đảm bảo khoản vay 400 triệu USD, còn Deutsche Bank giữ số vàng khoảng 1 tỷ USD.

Theo thỏa thuận năm 2017, BCV sẽ trả tiền để lấy lại số vàng thế chấp vào năm 2020 và 2021. Cụ thể, năm 2020, Venezuela sẽ thanh toán 400 triệu USD cho Citibank và năm 2021 là khoản vay của Deutsche Bank (bao gồm cả lãi).

Ngân hàng Citibank quyết định giữ lại vàng của Venezuela và sẽ bán để thu hồi khoản nợ

Ngân hàng Citibank quyết định giữ lại vàng của Venezuela và sẽ bán để thu hồi khoản nợ

Nhưng khi chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt vào BCV hồi tháng 4/2019, hai ngân hàng này đã viện dẫn các điều khoản trong hợp đồng yêu cầu Venezuela phải thanh toán trước kỳ hạn, nếu không họ sẽ bán tháo vàng để thu hồi khoản vay.

Theo thỏa thuận, hai ngân hàng quốc tế này có quyền bán vàng thế chấp để thu lại tiền cho vay, khoản dư ra sẽ được trả lại cho BCV. Trong thời điểm giá vàng đang tăng cao như hiện nay, tổng số vàng ước tính sẽ có dư khoảng vài trăm triệu USD.

Song do Mỹ đang áp đặt các lệnh trừng phạt với Venezuela, vì thế hai ngân hàng này đã chấm dứt mọi giao dịch với BCV. Điều này đồng nghĩa với việc Venezuela không chỉ bị bán số vàng này mà còn không thu được khoản dư do chênh lệch tỉ giá.

Trong một diễn biến khác, ngày 6/6, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực đối với Tập đoàn dầu khí quốc doanh Venezuela (PDVSA) khi đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào tất cả các nhà xuất khẩu quốc tế tiến hành giao dịch chất làm loãng với PDVSA.

Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất, dự kiến sẽ tiếp tục làm trầm trọng tình trạng thiếu nhiên liệu ở quốc gia Mỹ Latinh này. Bởi lẽ Venezuela đa phần là dầu nặng. Họ cần có các chất làm loãng để thực hiện lọc, chế biến dầu thành nhiên liệu như xăng, diesel, propan...

Khi bắt đầu trừng phạt vào năng lượng Venezuela hồi đầu tháng 2/2019, các nhà cung cấp của Mỹ (vốn chiếm tới 50% nhu cầu chất làm loãng của Venezuela) đã chấm dứt các hành động cung cấp này.

Việc này dẫn đến các nhà máy lọc dầu của Venezuela không có nguyên liệu sản xuất và phải cắt giảm sản lượng, dẫn đến một cơn khan hiếm nhiên liệu tiếp theo. Sự thiếu hụt nhiên liệu cùng với cơn khủng hoảng điện xảy ra từ tháng 3 cho đến tháng 4/2019 đã tạo ra cơn khủng hoảng năng lượng phủ bóng lên toàn bộ các vấn đề từ kinh tế, an sinh xã hội của Venezuela.

Công nhân Venezuela trong một nhà máy lọc dầu là dự án chung của PDVSA và doanh nghiệp Nga

Tuy nhiên, Caracas cũng đang từng bước khắc phục được vấn đề này khi họ phối hợp với Tập đoàn Rosneft của Nga. Theo thông tin từ Sputnik, Rosneft đã chấp nhận một hình thức phối hợp theo hướng cung cấp nhiên liệu cho Venezuela, đổi lại, PDVSA trả bằng dầu với giá rẻ hơn cho Rosneft.

Nga tiếp tục dùng loại dầu nặng này để bán về thị trường châu Âu, hoặc bán trực tiếp cho Mỹ. Số liệu thống kê chỉ ra trong tháng 5, Mỹ đã phải tăng gấp 3 lần lượng dầu thô mua của Nga và bằng các tháng 2, 3, 4 cộng lại. Ngoài ra, Rosneft cũng đang cung cấp chất làm loãng cho Venezuela để họ tự vận hành các nhà máy lọc dầu của mình, và vẫn được thanh toán ngược lại bằng dầu thô.

Với Ấn Độ, tập đoàn Reliance Industries đã giảm lượng nhập khẩu dầu thô của Venezuela xuống còn 1/3 so với trước trừng phạt như một thiện chí của New Delhi với Washington. Tuy nhiên, tập đoàn này chấp nhận thanh toán tiền mặt ngay lập tức cho Venezuela, thay vì kỳ hạn 3 đến 6 tháng như các hợp đồng mua bán trước đó.

Việc giải quyết nhu cầu khan hiếm tiền mặt của Venezuela để giải quyết các vấn đề cấp bách. Đáng chú ý, cả Reliance Industries và Rosneft đều không có nhiều liên hệ với đồng USD hay các hình thức thanh toán quốc tế có liên quan đến Mỹ.

Reliance Industries cũng đang là tập đoàn mua bán dầu với Iran bằng đồng nội tệ của hai quốc gia, thay vì sử dụng đồng USD của Mỹ.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/venezuela-mat-vang-gui-ngan-hang-my-lai-tang-trung-phat-3381518/