Venezuela: Lò đào tạo Hoa hậu trong cơn khủng hoảng

Các lò đào tạo hoa hậu của Venezuela, nơi đã sản sinh ra biết bao người đẹp của thế giới, giờ đây cũng đang phải điêu đứng trước tác động của cơn khủng hoảng kinh tế, chính trị kéo dài tại đất nước này.

“Đói cũng phải đẹp”

Mặc dù có sự trỗi dậy mạnh mẽ ở lĩnh vực công nghiệp sắc đẹp của các quốc gia Đông Nam Á khác, đặc biệt là Philippines, Venezuela vẫn không để tuột mất vị trí cường quốc sắc đẹp số một thế giới. Năm 2018, bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế kéo dài nhiều năm, các người đẹp Venezuela vẫn liên tục tỏa sáng tại các cuộc thi nhan sắc quan trọng nhất thế giới.

Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, Venezuela trở thành “Country of the year” - Quốc gia sắc đẹp của năm; khi có đại diện giành danh hiệu Hoa hậu Quốc tế, xếp hạng 3 tại Hoa hậu Hoàn vũ, lọt Top 10 Hoa hậu Hòa bình quốc tế và Hoa hậu Siêu quốc gia, Top 30 Hoa hậu Thế giới.

Thực tế cho thấy, từ nhiều thập kỷ qua, cụ thể là giữa những năm 1950, nhà độc tài Marcos Perez Jimenez đã khởi xướng rất nhiều chương trình cộng đồng dựa trên bản sắc Venezuela (Venezuela identity). Đặc biệt là sau khi Susana Duijm đoạt vương miện Hoa hậu Thế giới 1955. Do đó, việc chiến thắng tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế không chỉ là một niềm tự hào dân tộc, một nghĩa vụ công dân, mà quan trọng hơn nó còn là một thương hiệu quốc gia, một phần quan trọng thuộc về bản sắc văn hóa của Venezuela.

Trong những năm khủng hoảng, thiếu thốn nhu yếu phẩm, kinh tế tê liệt, thất nghiệp tràn lan vừa qua, các cuộc thi hoa hậu, các lò đào tạo hoa hậu vẫn là cánh cửa “béo bở” dành cho những cô gái nghèo ôm giấc mơ đổi đời và là cách để khẳng định danh tiếng của những cô gái con nhà giàu. Trong khi các nhà phê bình cho rằng cuộc thi sắc đẹp là phân biệt giới tính và lỗi thời, nhiều người Venezuela cho rằng cuộc thi này đã giúp hàng trăm phụ nữ có được sự nghiệp như người mẫu, diễn viên, MC và nhiều công việc khác nữa. Vì thế, các cuộc thi sắc đẹp vẫn được đông đảo người theo dõi giống như bóng chày ở Mỹ hay bóng đá ở Anh, và, người dân nước này vẫn luôn bị ám ảnh bởi sự quyến rũ và ngoại hình đẹp của các cô gái.

Đương kim Hoa hậu Venezuela Sthefany Gutierrez trong đêm đăng quang chỉ với rất ít khán giả.

Đương kim Hoa hậu Venezuela Sthefany Gutierrez trong đêm đăng quang chỉ với rất ít khán giả.

Theo NY Post, nhiều bậc cha mẹ không ngại chi khoản tiền lớn, thậm chí còn đi vay nặng lãi để cho con gái theo học tại các trường đào tạo hoa hậu. Thời điểm năm 2015, thu nhập của một gia đình khoảng 50 USD thì chỉ tính riêng học phí cùng các khoản chi cho trang phục, trang điểm cũng tốn đến một nửa thu nhập (khoảng 25 USD).

Chưa kể, không ít gia đình còn có hai, ba, hoặc nhiều hơn các cô con gái học tại lò luyện hoa hậu thì số tiền chi cho con học làm hoa hậu cũng cứ vậy mà tăng theo cấp số nhân. Ngày nay, con số này đã lên tới 90 USD/ 1 tháng để các cô gái được đến phòng tập thể dục với huấn luyện viên riêng.

Con số này vẫn chưa phải là duy nhất khi nhiều gia đình sẵn sàng chi tiền cho con gái thực hiện các ca phẫu thuật vòng 3, nâng mũi từ năm 12 tuổi để có được hình thể đẹp nhất, năm 16 tuổi sẽ được phẫu thuật nâng ngực. Có phụ huynh còn nhờ đến dịch vụ tiêm nội tiết tố vào cho con gái từ năm 8-9 tuổi để kéo dài tuổi dậy thì, giúp con cao hơn.

Theo Daily Mail, có cô gái còn sẵn sàng bỏ đi một đoạn ruột dưới để tiêu thụ ít thức ăn hơn. Wi May Nava, một thí sinh Hoa hậu Venezuela năm 2013, đã tiết lộ với BBC rằng cô đã khâu lưới vào lưỡi để tránh ăn các món ăn đậm đặc. Trước đó, Wi May Nava đã thực hiện các ca phẫu thuật nâng ngực, chỉnh mũi và chỉnh răng.

Yorgelys Mero, một học sinh 15 tuổi, sống trong một căn nhà tồi tàn cùng bà ngoại ở Belankazar, từng chia sẻ với Daily Mail rằng, những người dẫn dắt cô đề nghị cô sửa lại mũi. Dù trước đó, bà ngoại là người chi tiền để Mero chỉnh răng, thì giờ đây, cô gái này sẵn sàng tìm đến một khoản vay khác để sửa lại mũi.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, phụ huynh và các cô gái Venezuela lấy tiền ở đâu để chi trả cho các khoản xa xỉ trên? Thực tế, các cô gái con nhà giàu vốn không có nhiều lo ngại, vì nguồn tiền của cha mẹ họ nằm ở nước ngoài (nhất là đến từ Florida, New York, hay Texas).

Các cô gái kém may mắn hơn, xuất thân nghèo khó thì rất có thể được tài trợ từ nguồn tiền bất hợp pháp hoặc các đại gia rửa tiền, hoặc may mắn hơn thì sẽ tìm được tài trợ các nhà thiết kế, chuyên gia thẩm mỹ với những hợp đồng ràng buộc về sau, trong đó có cả hợp đồng tình – tiền.

Giữa một đất nước bị bao trùm bởi một màn đen u tối của khủng hoảng thì những cuộc thi hoa hậu được cho là “chiếc phao cứu sinh” cuối cùng của người dân giữa cơn bĩ cực. Các cuộc thi hoa hậu không chỉ mang đến danh tiếng và chỗ đứng trên trường quốc tế cho quốc gia Nam Mỹ này, mà còn giúp Venezulea xuất khẩu nhân lực cho ngành công nghiệp hoa hậu, bao gồm: nhà thiết kế thời trang tên tuổi, chuyên gia đào tạo hoa hậu.

Thậm chí, Venezuela còn sẵn sàng “cho mượn” hoa hậu để mang vinh quang về cho nước bạn như: Francys Sudnicka đăng quang hoa hậu Ba Lan năm 2006; Laura Gonalves đăng quang Hoa hậu Bồ Đào Nha năm 2011; Andrea Diaz đại diện cho Chile tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018…

Công nghiệp sắc đẹp của Venezuela được quan tâm đặc biệt kéo theo sự ăn nên làm ra của ngành nha khoa và phẫu thuật thẩm mỹ. Tình trạng khan hiếm đồng USD, đồng bolivar mất giá giúp người nước ngoài tại đây có thể đổi ngoại tệ tại thị trường chợ đen với tỷ giá cao gấp 130 lần so với tỷ giá ngân hàng. Chưa có thời điểm nào, kinh doanh phẫu thuật thẩm mỹ lại đắt khách như ở Venezuela khi một gói dịch vụ bao gồm nâng ngực, hút mỡ và bơm mông tại đây chỉ có giá bằng 1/3 so với tại Brazil.

Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Garbis Kaakenjian cho biết gần một nửa bệnh nhân của anh đến từ Brazil, Colombia, Anh và thậm chí cả Mỹ. Hầu hết, họ đều muốn phẫu thuật nâng ngực. Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc ở Venezuela, Kaakenjian đã khuyên các bệnh nhân của mình mang theo kháng sinh để hỗ trợ cho quá trình hậu phẫu.

Chân trời có thực sự màu hồng?

Một chân trời màu hồng được vẽ ra đằng sau cánh cửa của các lò đào tạo hoa hậu hay những cuộc thi sắc đẹp dành cho các cô gái Venezuela. Song, chúng ta vẫn cần nhìn vào thực tại và quan sát độ bền của hành trình đi đến chân trời đó.

Hãng thông tấn AP cũng thừa nhận rằng, sau thời gian dài đối mặt với khủng hoảng, các cuộc thi hoa hậu và các lò đào tạo người đẹp ở đất nước này cũng đang phải vật lộn với khó khăn. Ngay cả cuộc thi sắc đẹp cạnh tranh nhất của Venezuela là Hoa hậu Venezuela dường như không thể đảm bảo công việc cho sinh viên tốt nghiệp của mình. Cạnh đó, các chương trình thời trang, sản phẩm truyền hình và các chiến dịch quảng cáo bị đình trệ gây không ít khó khăn cho nền công nghiệp sắc đẹp của nước này.

Năm ngoái, cuộc thi có tuổi thọ 65 năm như Hoa hậu Venezuela cũng buộc phải rời từ nhà hát có sức chứa 20.000 người sang tổ chức ngay tại phòng thu của mình với khoảng 200 khán giả. Chuyên viên làm tóc, trang điểm được đề nghị quảng cáo thay vì trả tiền, còn các nghệ sĩ tham gia đều là những gương mặt trẻ, thay vì các ngôi sao. 24 thí sinh tham dự cuộc thi cũng phải thích ứng với tình trạng tội phạm lan tràn, hệ thống giao thông công cộng yếu kém.

Nhiều người đẹp phải đi xe buýt đến địa điểm thi, và khi về thì đi nhờ xe, các thí sinh cũng không còn được săn đón, chụp ảnh như trước. Điều đó còn chưa kể bê bối tình dục liên quan đến các đại gia, trong đó có doanh nhân lẫn quan chức chính quyền khiến danh tiếng cuộc thi bị hạ thấp thảm hại.

Andrea Díaz sinh ra và lớn lên tại Venezuela nhưng lại trở thành đại diện của Chile tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 (ảnh trái); Susana Duijm là người đẹp đầu tiên mang về vương miện Hoa hậu hoàn vũ cho Venezuela năm 1995.

Cũng có không ít cô gái phải bỏ giấc mơ giữa chừng bởi giá cả leo thang trong khi có quá nhiều thứ phải chuẩn bị cho một cuộc thi sắc đẹp như: trang phục, make up, chi phí đi lại, ăn ở… Esteban Velásquez, một huấn luyện viên của cuộc thi Hoa hậu Venezuela cho biết trên OCCRP rằng: “Khi bạn bắt đầu nói với một cô gái về những đôi giày và quần áo cô ấy cần mặc, đồng nghĩa với việc bạn đang yêu cầu họ phải rút hầu bao. Tôi đã gặp 200 cô gái vào năm 2016 và khi tôi bắt đầu nói với họ về những thứ họ cần chuẩn bị cho một cuộc thi nhan sắc thì 100 người tuyên bố rút lui. Thật là một điều khó khăn”.

Thiếu thốn nhu yếu phẩm cũng đẩy các hoa hậu vào cuộc sống khốn cùng. Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Venezuela 2018, Isabella Rodriguez cho biết với Wion rằng, cô đã những kẻ cầm súng ngay tại khu phố của mình cướp thức ăn và phải chứng kiến cảnh chia tay đầy nước mắt với người anh em ruột khi họ chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nam Mỹ.

“Tôi muốn được ở trong một đất nước được đảm bảo an ninh... bởi vì tôi có quyền được hưởng chế độ ăn uống bình thường, quyền được sống trong hòa bình”, Rodriguez nói.

Theo Latino USA, năm 2018, một cựu nữ hoàng sắc đẹp khác là Daniela Martínez thậm chí còn phải tìm đến khu vực biên giới để bán mái tóc đen, dài và thẳng của mình để lấy tiền mua thức ăn và thuốc cho gia đình.

Spear, người đã đăng quang Hoa hậu Venezuela năm 2004 và thi đấu năm sau trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, thậm chí còn không sống ở Venezuela. Cô rời đất nước tới Florida năm 2011 và làm việc như một nữ diễn viên trên mạng Telemundo, theo các tài khoản truyền thông.

Mónica Spear, Hoa hậu Venezuela 2004 kiêm Á hậu Hoàn vũ 2005 thậm chí còn bị bắn chết vì những tên cướp Venezuela – “đặc sản” kinh hoàng của Venezuela trong thời khủng hoảng. Trước đó, Spear đã rời Venezuela tới Florida vào năm 2011. Đến năm 2014, cô cùng gia đình trở về quê nhà trong một kỳ nghỉ và ra đi mãi mãi ngay tại quê nhà ở tuổi 30.

Người đẹp sinh năm 1984 và chồng - doanh nhân người Ireland Thomas Henry Berry, 39 tuổi, thiệt mạng khi đang lưu thông trên đường cao tốc ở bang Carabobo, Venezuela tối 6-1-2014. Cụ thể, chiếc xe chở gia đình Spear đi du lịch đã gặp trục trặc giữa đường, trong lúc đậu lại bên đường đợi xe cẩu cứu hộ tới, họ đã bị nhóm cướp có vũ trang tấn công. Thi thể của họ được cảnh sát tìm thấy bên trong xe, còn cô con gái bị thương nặng phải vào viện cấp cứu. Cặp đôi được cho là bị cướp và giết giữa đường.

Bên cạnh đó, phần lớn các người đẹp Venezuela từng tham gia cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ quốc tế bao gồm Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ sau khi tìm kiếm danh hiệu đổi đời đã chạy trốn khỏi Venezuela để tìm cơ hội thăng tiến ở các nước khác.

Theo thống kê của NBC News, có ít nhất 17 trên tổng số 24 người đẹp tại cuộc thi Hoa hậu Venezuela 2015 đang làm việc ở nước ngoài như Mexico, Colombia, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí tận Ấn Độ. Số lượng thí sinh tại cuộc thi năm 2014 đang làm việc ở nước ngoài cũng tương tự.

Giselle Reyes, giám đốc đào tạo của 4 ngôi trường đào tạo hoa hậu nổi tiếng ở Caracas không giấu được sự xót xa khi chứng kiến cảnh “gà nhà” mang vinh quang về cho nước bạn. Reyes cho biết với AP, trong khoảng 10 năm qua, có đến 70% chân dài tốt nghiệp lò đào tạo của mình đã rời khỏi đất nước để làm người mẫu ở Mexico, Colombia, Mỹ và các nước khác.

“Tôi rất khó khăn để tìm kiếm giáo viên đào tạo người mẫu. Mọi người luôn nói với tôi rằng họ sẽ làm việc cho tôi trong vài tháng trong khi tìm cách rời khỏi đất nước”, bà Reyes bộc bạch.

“Vào những năm 90, việc tham gia Hoa hậu Venezuela hầu như đảm bảo bạn làm việc trong lĩnh vực người mẫu hoặc trên truyền hình. Bây giờ, thị trường nội địa dành cho các người mẫu là rất nhỏ”, Rafael Briceno, một người dẫn chương trình ở Venezuela, cũng là người đã tổ chức các lớp huấn luyện giao tiếp trước công chúng cho hàng chục người tham gia Hoa hậu Venezuela, cho hay.

Đến nay, không khó để liệt kê ra danh sách hoa hậu gốc Venezuela hay những người từng đại diện Venezuela tại các cuộc thi nhan sắc lớn hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài như: Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 1979 Maritza Sayalero đang sống tại Mexico; Hoa hậu Hoàn vũ Venezuela 2008 Stefanía Fernández đang ở Colombia…

Phần đông người đẹp khác chọn xứ cờ hoa là nơi dừng chân như: Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 1986 Bárbara Palacios, Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 1996 Alicia Machado, Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008 Dayana Mendoza 2008, và Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2013 Gabriela Isler hiện đang sống với quốc tịch Thụy Sĩ.

Do hoàn cảnh đất nước Venezuela hiện nay, các người đẹp vẫn dai dẳng chưa có hồi kết, các hoa hậu vẫn mải miết trên hành trình đi tìm vương miện và cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thảo Dung

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/venezuela-lo-dao-tao-hoa-hau-trong-con-khung-hoang-545884/