Vẹn nguyên tình đồng đội

Phải khó khăn lắm tôi mới xin được vào thăm Tuấn đang nằm điều trị căn bệnh đau dạ dày mãn tính ở viện. Thời dịch Covid-19 bùng phát nên bệnh viện hạn chế người thăm bệnh nhân. Bộ quần áo bệnh viện rộng thùng thình, chiếc khẩu trang thường trực và những cơn đau âm ỉ trong bụng khiến Tuấn khác nhiều so với sự nhanh nhẹn thường nhật. Duy chỉ đôi mắt biết cười vốn từng làm xiêu lòng bao thiếu nữ của Tuấn là không khác xưa nhiều.

Cách đây gần hai mươi năm, tôi và Tuấn dẫn theo một tiểu đội tăng cường vào xã Nặm Lịch của huyện Tuần Giáo, nay là huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) để giúp nhân dân chạy lũ. Chúng tôi có nhiệm vụ đến từng nhà để giúp đỡ các hộ di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Khi hành quân đến trung tâm xã và đặt chỗ ở dã chiến, chúng tôi chia thành 2 bộ phận để triển khai đi các hướng. Theo hiệp đồng, cuối ngày hai bộ phận sẽ trở lại trung tâm gặp nhau và hôm sau sẽ tiếp tục triển khai đi hướng khác.

Công việc của chúng tôi tưởng chừng đơn giản nhưng hóa ra lại rất khó khăn. Do địa bàn rộng, nhiều khe suối và dân cư thưa nên việc đi bộ trong mưa trên các con đường trơn trượt tốn khá nhiều thời gian. Những cơn mưa rừng lê thê từ mấy ngày trước khiến bầu trời xám xịt sũng nước, nặng trịch. Chiếc áo bạt quân nhu của chúng tôi dùng lâu ngày bị ngậm nước, ngấm qua áo vào da thịt lạnh buốt, môi tím tái như người nghiện thuốc lá.

Cuối ngày, tổ của chúng tôi đến được 5 hộ dân để giúp họ vận chuyển đồ đạc đến nơi trú ẩn an toàn. Tổ của tôi trở về vị trí đã hiệp đồng và tức tốc nấu ăn chờ tổ của Tuấn. 17 giờ, 18 giờ rồi 19 giờ qua đi mà vẫn không thấy tổ của Tuấn "sủi tăm". Tôi như người ngồi trên đống lửa, bụng sôi ùng ục, hết đứng lại ngồi. Mưa rơi rả rích khiến cho những lo lắng cứ dài mãi suốt cả đêm hôm ấy. Ở vùng núi, lũ được xem là một con thú dữ bởi những tình huống bất ngờ có thể gây ra những thương vong khủng khiếp. Người không có kinh nghiệm đối phó với mưa rừng và lũ thì nguy cơ tai nạn càng hiện hữu. Tôi tin ở Tuấn, người đã có thời gian ở vùng này nhiều năm. Điều tôi lo lắng nhất là các chiến sĩ bởi trong số ấy có hai binh nhất là người ở thị xã Điện Biên Phủ (nay là thành phố Điện Biên Phủ). Thực ra họ chẳng lạ gì lũ ở vùng núi nhưng để có được sự nhạy cảm và nhanh nhẹn xử lý tình huống đúng, hiệu quả thì khó vì dù sao lũ ở thị xã cũng ít dữ dội hơn lũ rừng, nơi địa hình dốc cao.

Gần chiều tối hôm sau tổ của Tuấn mới về đến nơi trú quân trong tả tơi. Tuấn kể, những cơn mưa rừng đã biến khe suối cạn thành vật cản không thể vượt qua nếu không có phương tiện. Nếu mùa khô suối cạn trơ đáy, lổn nhổn đá to nhỏ hoặc họa hoằn lắm mới có nước chảy thì nay chúng như những con sông nhỏ đầy ắp nước đục ngầu và chảy xiết. Tuấn cùng các chiến sĩ phải trú trên cây suốt đêm dài chờ lũ rút rồi mới trở về. Một đêm dài thức trắng cùng mưa rừng lạnh buốt và bụng luôn sôi ùng ục vì đói. Khổ nhất là khát cháy họng trong khi nước ngập tràn xung quanh. Có lẽ những ngày tháng như thế đã phần nào khiến cho chiếc dạ dày của Tuấn bị xung huyết và âm ỉ đau cho đến nay.

Giờ đây, khi chúng tôi đã bước sang tuổi trung niên, những ngày tháng lăn lộn ở vùng đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc hùng vĩ đã trở thành kỷ niệm, nhưng câu chuyện về trận lũ năm xưa thì vẫn còn nguyên vẹn, nhất là tình đồng đội thủy chung mãi còn đằm sâu trong ký ức chúng tôi sau bao xa cách và những thăng trầm của cuộc đời.

MẠNH THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/ven-nguyen-tinh-dong-doi-635343