Vẹn nguyên miền ký ức

Những ngày cuối tháng 3, nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam, các cán bộ lão thành Bộ Xây dựng đã có chuyến về nguồn ý nghĩa, thăm lại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nơi được coi là cái nôi đào tạo, rèn luyện của nhiều cán bộ kỹ thuật, công nhân ngành Xây dựng.

Cán bộ lão thành Bộ Xây dựng thăm công trình Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Thiên Trường

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có công suất lắp đặt 1.920MW, được xây dựng trong 15 năm, từ năm 1979 - 1994. Vào thời điểm bấy giờ, đây là nhà máy thủy điện có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á; là công trình tiêu biểu gắn với lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Xây dựng và được coi là kỳ tích của thế kỷ XX.

Công trình được đánh giá là phức tạp bậc nhất, được tạo dựng bằng trí tuệ, công sức, mồ hôi và cả máu của biết bao nhiêu người, bao gồm các chuyên gia Liên Xô và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành Xây dựng Việt Nam.

Công trình đồng thời được coi là một trường học của CNVC ngành Xây dựng, tiêu biểu cho tinh thần lao động quên mình, nhiệt tình và ý chí cách mạng, về kiến thức khoa học và trình độ nghề nghiệp, về trình độ thiết kế và quản lý thi công…

Trở lại thăm công trình lần này, những cán bộ trẻ ngày nào từ lâu đã nên ông, nên bà của bầy cháu nội, ngoại, thậm chí chân chậm, mắt mờ, tai lãng nhưng những ký ức về một thời thanh niên sôi nổi thì dường như vẫn nguyên vẹn.

Một trong những người đầu tiên đến với công trường và gắn bó với công trường trong 11 năm, ông Vũ Tuấn Hùng - nguyên Phó Tổng giám đốc TCty Sông Đà nhớ lại: Tôi đến công trường Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đầu quân cho Liên trạm thi công cơ giới (sau này đổi thành Cty Thi công cơ giới, TCty Sông Đà) vào năm 1978, khi vừa tốt nghiệp đại học, mới 23 tuổi. Ban đầu, tôi và đơn vị được phân công thi công xây lắp các công trình phụ trợ, các tuyến đường, nhà xưởng để phục vụ thi công công trình chính. Năm 1979, khi công trình chính thức được khởi công, để bảo đảm tiến độ thi công, chúng tôi hối hả chạy đua trong các chiến dịch. Điển hình là chiến dịch ngăn sông Đà cuối năm 1982, đầu năm 1983. Ngày đấy, đất nước nghèo, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, lao động vất vả nhưng thanh niên chúng tôi, mang niềm tự hào được tham gia xây dựng một công trình thủy điện lớn nhất của Đông Nam Á, với những công nghệ thi công tiên tiến nhất, ai nấy đều hăng hái và phấn khởi làm việc ngày đêm, không quản nắng mưa, không có ngày nghỉ. Tại công trường, tôi đã gặp người phụ nữ của đời mình, cùng làm chung một đơn vị. Chúng tôi nên vợ nên chồng sau 3 năm yêu nhau…

Cũng có 10 năm công tác trên công trường TNCS HCM Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, ông Đào Văn Vị - nguyên Phó tổng giám đốc TCty Lắp máy Việt Nam, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Lắp máy số 10, cho biết: Lắp máy 10 khi đó có nhiệm vụ làm cốt thép, cốp pha đường hầm, lắp đặt 8 tổ máy của thủy điện Hòa Bình và sau này thi công đường dây 500KV. Tôi cùng với hơn 2.000 CBCN của Lắp máy 10 làm việc vất vả, trong điều kiện cực kỳ gian khổ, khó khăn. Nhưng chúng tôi không nản chí, vừa làm việc, điều hành sản xuất, vừa chăm lo đời sống cho người lao động để họ vượt qua giai đoạn khó khăn, hăng say cống hiến.

Lục lại ký ức, ông Vị vẫn cho rằng, ngày đấy thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Bởi công trường nhận được sự quan tâm của cán bộ lãnh đạo cấp trên, chính quyền địa phương và nhân dân Hòa Bình. CBCN trên công trường nói chung, 2.000 thanh niên khỏe mạnh của Lắp máy 10 nói riêng đã được động viên, chăm sóc để làm việc tích cực, lao động cống hiến hết sức mình. Còn nhớ, lần đầu tiên Lắp máy 10 đảm nhiệm lắp đặt roto nặng 1.000 tấn, dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của các chuyên gia Liên Xô cũ (khi đó đã làm chủ khoa học kỹ thuật thủy điện tiên tiến), chúng tôi được học tập và trưởng thành rất nhiều. Kinh qua công trường, đội ngũ CBCN của Lắp máy 10 đã trở thành những cán bộ kỹ thuật, người thợ giỏi, sau này tiếp tục cống hiến trên nhiều công trình thủy điện lớn khác của đất nước.

Cũng đặc biệt ấn tượng về sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô, ông Trần Văn Huynh - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Giám đốc Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn nhớ như in những ngày tháng các chuyên gia Liên Xô cũ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy xi măng lò đứng Bỉm Sơn, để có xi măng phục vụ thi công Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Ông bảo, các chuyên gia Liên Xô rất nhiệt tình, tận tâm giúp đỡ cho Việt Nam rất nhiều trong sản xuất xi măng, đưa xi măng đến công trường phục vụ thi công.

Cũng với tư cách người trưởng thành trên công trường thủy điện Hòa Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Anh hùng lao động Cao Lại Quang chia sẻ về những năm tháng không thể nào quên được. Theo đó, năm 1981, ông được phân công về tham gia thi công đường hầm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Có những giai đoạn, áp lực công việc căng quá, tất cả phải gồng mình lên. Liên tục chiến dịch này đến chiến dịch khác, hết lấp sông đợt 1, lấp sông đợt 2 đến thông hầm, rồi phát điện tổ máy 1, 2... Người lao động cứ sáng đi trưa về, chiều tối về, tối đi đêm về… Về mệt là lên giường ngủ luôn. Chị em thương chồng nên không giằn dỗi gì cả…

Ông cũng ghi nhận công trường là môi trường tốt, nơi những thanh niên như ông được đào tạo, học hỏi, được rèn luyện thành người. “Ai đã kinh qua công trình thủy điện Hòa Bình rồi, khi đến với công trình khác thì thấy mọi thứ đều không còn khó khăn mấy nữa bởi ở công trường thủy điện Hòa Bình quá khó khăn, quá vất vả rồi. Công trình đã rèn luyện cho họ ý chí kiên cường rồi” - ông Cao Lại Quang nói.

Trở lại công trường xưa trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng, các cán bộ lão thành ai nấy đều bồi hồi. Họ ôm lấy nhau, cùng ôn lại bao kỷ niệm, cùng hình dung lại không khí sôi động ở công trường một thủa. Thậm chí, ngay cả khi đi trong đường hầm dẫn thăm lại gian tổ máy, có nhóm người vẫn tay trong tay, không dời nhau nửa bước.

Ông Cao Lại Quang không giấu được cảm xúc: Tôi nao nao xúc động khi nhớ về bao kỷ niệm, bao anh em đồng nghiệp, người còn, người mất…

Tương tự, ông Vũ Tuấn Hùng cũng chia sẻ: Trở lại công trường cũ với đồng nghiệp, nhìn thấy thành quả của mình cùng đồng đội bao nhiêu năm xây dựng, tôi thấy tự hào vì mình đã góp một phần công sức nhỏ bé để xây dựng nguồn điện thắp sáng cho mọi miền của đất nước.

Ông Đào Văn Vỵ cũng bày tỏ: Tôi rất nhớ công trường. Trở lại công trường với tư cách là đại diện cho hơn 2.000 CBCN Lắp máy 10, tôi vô cùng vinh dự.

Ông Trần Văn Huynh thì bày tỏ sự tin tưởng: Tôi rất xúc động vì đội ngũ chuyên gia trưởng thành, anh em quản lý nhà máy vận hành rất tốt, tiếp quản tốt, đã đưa được điện vào phục vụ đất nước.

Ông Nguyễn Phụ Du - nguyên Phó tổng giám đốc TCty Sông Đà trở lại công trường xưa với tuyển tập thơ do ông và một số đồng nghiệp sáng tác. Tập thơ kể lại những câu chuyên ông và đồng đội cống hiến tuổi thanh xuân cho các chiến dịch trên công trường. Người công trường gặt hái được nhiều thành quả, vinh quang nhưng cũng có cả những nỗi buồn vì sự mất mát, hy sinh của các đồng đội.

Với những cán bộ lão thành, công trường Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn vẹn nguyên những ký ức hào sảng của một thời thanh niên sôi nổi.

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là nơi đào tạo, rèn luyện, cung cấp nhiều cán bộ quản lý, các chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề đảm nhiệm trọng trách mới theo yêu cầu của đất nước tại các công trình thủy điện Trị An, Thác Mơ, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Hàm Thuận, Yaly…

Nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và ngành Xây dựng đã được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành từ công trường thủy điện Hòa Bình, như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Phó Thủ tướng Đồng Sỹ Nguyên; nguyên Phó Thủ tướng Ngô Xuân Lộc; nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân; nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang…

Hòa Bình

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/ven-nguyen-mien-ky-uc.html