Vẹn nguyên ký ức Ngày toàn quốc kháng chiến

Hơn 70 năm đã trôi qua với bao thăng trầm của lịch sử nhưng trong ký ức của những người đã sống ở thời kì đó thì không thể nào quên được không khí sục sôi của cả nước khi 'ngọn đuốc sáng' Nguyễn Ái Quốc ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Lời kêu gọi đã thực sự 'chạm' vào trái tim của những người con đất Việt yêu chuộng hòa bình và khát khao một cuộc sống độc lập, tự do.

Trỗi dậy tinh thần Xô- viết Nghệ Tĩnh

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, khi ấy vừa tròn 20 tuổi, là cán bộ Tòa án Nhân dân TP. Vinh (Nghệ An). Sau đó, ông chuyển sang làm Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc (Nghệ An). Ông đánh giá, có được không khí sục sôi, khi thế ấy thì với nhân dân cả nước là sự kế thừa và phát huy của không khí Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nhưng với quê ông thì còn là sự hun đúc và bùng nổ của tinh thần Xô-viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931.

Khi ấy, ngoài Việt Bắc thì Nghệ Tĩnh còn là căn cứ địa vững chắc, là tượng đài của niềm tin và hi vọng cho nhân dân cả nước. Nhận thấy tầm quan trọng của Nghệ Tĩnh nên thực dân Pháp đã không ít lần đem quân đánh chiếm nhưng bất thành, trong đó có thể kể đến trận đánh năm 1948 trên đất Quỳnh Lưu (Nghệ An). Không cần đến bộ đội chủ lực, chỉ dân quân tự vệ đã đủ sức đánh đuổi được quân Pháp trong trận đối đầu này.

Hưởng ứng lời Lời kêu gọi của Bác Hồ, nhân dân Nghệ Tĩnh đêm ngày như một cuộc tổng động viên. Tất cả già, trẻ, trai, gái hăng hái tham gia vừa sản xuất để lấy gạo nuôi quân đánh giặc vừa tập dượt chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đang đến gần.

Thành phố Vinh khi ấy như một chiến trường, người dân đập phá hết nhà cửa, công trình công cộng để nếu địch có chiếm được thì cũng là thành phố “trống rỗng”. Nhận thấy chiến tranh đang đến gần, người dân xứ Nghệ đã vận dụng được trí tuệ của mình vào công cuộc “Vườn không nhà trống” để sẵn sàng hoạch định những phương án tối ưu phòng bị khi chiến tranh xảy ra.

Đặc biệt, bằng ý chí và lòng quyết tâm của mình, nhân dân đã phá được nhà băng Vinh – được coi là thành trì kiên cố nhất của Pháp ở Đông Dương chỉ bằng những vật dụng hết sức thô sơ như búa, rìu trong vài ngày.

Trên 100km Quốc lộ 1 qua Thanh - Nghệ - Tĩnh bị người dân đào hố sâu, cầu thì phá hỏng hoàn toàn để không cho các phương tiện của địch đi qua. Sau đó qua quá trình rút kinh nghiệm, người dân chỉ đào đường rích rắc từng đoạn một để vẫn có thể đi bộ được nhưng địch sửa chữa lại rất mất thời gian. Chính vì thế địch đi từ Thanh Hóa vào Vinh phải mất vài chục ngày, đấy là chưa kể đội quân du kích của ta có ở khắp nơi phục kích, đánh trả.

Nghệ Tĩnh là mảnh đất có bờ biển dài vì thế người dân đã chặt cây phi lao rào lại ở các bãi biển để tránh cho địch tràn từ biển vào đất liền.

Khi ấy ở Vinh có hai nhà máy lớn, đó là Nhà máy Cơ khí Trường Thi và Nhà máy Xe lửa. Người dân vận chuyển bằng tay, gánh trên vai những cỗ máy chế tác cơ khí cồng kềnh di chuyển khoảng 80km vào khu rừng Thanh Chương (giáp Lào) để phòng bị khi có chiến tranh xảy ra, người dân có thể tự chế tạo được vũ khí. Sau này lớn mạnh, trở thành công xưởng sản xuất vũ khí như súng thô sơ, giáo, mác… không chỉ cho Nghệ Tĩnh, cho Quân khu IV mà còn cho cả nước. Ngoài ra, người dân còn phá hỏng hết các hệ thống đường ray làm tê liệt giao thông đường sắt Vinh nhằm ngăn chặn sự di chuyển của địch giữa 2 miền Nam - Bắc.

Những câu từ trong Lời kêu gọi của Bác Hồ được người dân viết bằng vôi lên đằng sau những vật dụng nhà nông như: nong, nia, mẹt.... Đi đến đâu, trên khắp các làng mạc cũng đều hô vang khẩu hiệu. Tiếng trống, mõ gõ liên hồi trong đêm. Đáng chú ý là phong trào tuyên truyền đó lại mang tính tự phát, tức nhân dân tự làm, tự hô, tự đánh trống, gõ mõ, tự loa tay….

Thạch Thất “Rào làng kháng chiến”

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3.

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, khi ấy vừa bước vào tuổi 16, là cán bộ phụ trách thanh niên ba xã Đại Đồng, Cẩm Yên và Lại Thượng của huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Trước đó, năm 15 tuổi ông đã hăng hái tham gia giành chính quyền ở khu vực huyện Thạch Thất.

Ông kể, ông tham gia hoạt động du kích, hoạt động thanh niên ở quê nhà và trong tâm tưởng của lớp lớp nhân dân thời đó luôn vang vọng bên tai Lời kêu gọi của Bác Hồ “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, chứ nhất định không chịu làm nô lệ”. Khi đó có hàng loạt phong trào như “Rào làng kháng chiến”, phá đường rầm rộ ở khắp mọi nơi của huyện Thạch Thất, vì thế con đường huyết mạch Hà Nội - Sơn Tây (đường 32) bị đập thành nhiều đoạn khiến quân Pháp mãi đến năm 1948 mới lên được đến Sơn Tây. Thanh niên còn vót từng ngọn tre nhọn hoắt cắm xuống bãi đất hoang để đón địch nhảy dù.

Không chỉ vậy, thiếu niên cũng hăng hái đi làm liên lạc, trinh thám thông tin của địch, còn người già thì tham gia công tác tuyên truyền, hậu phương. Hồi đó thanh niên ai cũng xung phong đi bộ đội, nếu chưa đến tuổi thì đi du kích, dân quân bảo vệ xóm làng, nhà máy và nếu may mắn được đeo quả lựu đạn trên người là niềm vui sướng vô cùng.

Ngô Khiêm

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/thoisu/2019/13441/ven-nguyen-ky-uc-ngay-toan-quoc-khang-chien.aspx