Vẹn nguyên bài học 'Chắc thắng mới đánh'

Hôm nay (7/5) cả nước long trọng kỷ niệm 64 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2018). 64 năm đã qua, song những bài học kinh nghiệm về cuộc chiến thắng vĩ đại này vẫn còn nguyên giá trị.

Về diễn tiến và ý nghĩa mang tầm thời đại của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lịch sử, các nhà khoa học đã đề cập nhiều, nhân sự kiện 64 sự kiện lịch sử này, chỉ xin nhìn nhận một khía cạnh của chiến thắng để rút ra bài học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên chiến trường luôn thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Bác "Chắc thắng mới đánh". Ảnh tư liệu

Cụ thể, năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi Đại tướng lên đường (5/1/1954), Bác Hồ hỏi: "Chú đi xa như vậy chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?", Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: "Thưa bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị". Nghe xong, Bác nói: "Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau". Khi chia tay, Bác Hồ chỉ thị: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh".

Tuân thủ tuyệt đối chỉ thị của Bác, trong những tháng ngày chỉ huy chiến trường, với sự giúp đỡ cố vấn của nước bạn đã có lần quân đội chúng ta chuẩn bị nổ súng để tấn công tập đoàn cứ điểm, pháo đã kéo lên, hỏa tiễn đã lên nòng. Song nghiên cứu kỹ các thông tin trình báo, xét tương quan thế mạnh hai bên cũng như “vấn đề thiên thời, địa lợi”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định chưa thể tiến quân như dự kiến vào ngày 25/1/1954 nên đã ra lệnh rút quân. Và tận đến những ngày đầu tháng 5,sau khi xem xét kỹ tính hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh chỉ huy mặt trận đã quyết định mở chiến dịch tấn công. Kết quả, ngày 7/5/1954 quân đội ta đã đánh sập Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp, bắt sống tướng Đờ- Cát, mở ra một chương mới cho đất nước và toàn thể khu vực Đông Dương.

Với những quyết định sáng suốt, ngày 7/5 lá cớ của quân đội ta đã bay trên hầm chỉ huy của tướng Đờ- Cát (Ảnh tư liệu)

64 năm qua, đa số nhà nghiên cứu đều cho rằng, nếu không có lệnh rút quân của Đại tướng dựa trên lời căn dặn của Bác Hồ “chắc thắng mới đánh”, cứ nổ súng vào thời điểm cuối tháng 1/1954 thì chưa chắc đã đánh sập được tập đoàn cứ điểm. Điều này đồng nghĩa với việc cục diện chính trị trên bán đảo Đông Dương còn diễn biến phức tạp. Ngày trên mặt trận phát triển kinh tế, những nguyên lý này vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó là nhiều ngành, nhiều địa phương do tư duy nóng vội phát triển kinh tế mà chưa nhận thấy hậu quả của nó nên đã ồ ạt phát triển các đại dự án, các khu công nghiệp... Tỉnh nào cũng mở các khu công nghiệp dẫn đến vấn nạn ô nhiêm môi trường, đất canh tác lại bị thu hẹp trong khi công suất sử dụng lại không hết gây lãng phí; Đã thế địa phương nào cũng xây dựng các dự án na ná nhau như nhà máy bia, xin măng... dẫn đến hiệu quả không cao.“Chắc thắng mới đánh”- chỉ thị của Bác đối với Tổng chỉ huy mặt trận Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là bài học sau sắc. Làm kinh tế cũng như đánh trận, chúng ta không nên nóng vội chạy theo thành tích hoặc duy ý chí để cái giá phải trả sẽ rất đắt..

H.Phạm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ven-nguyen-bai-hoc-chac-thang-moi-danh-72985.html