Vén màn sương khói Đà Lạt với giai phẩm của Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Phạm Duy...

'Miền sương khói – Giai phẩm về Đà Lạt' như một cuộc nhàn du về với xứ sở mộng mơ cùng những tâm hồn lữ khách. Bạn sẽ tìm được đâu đó là những kí ức, kỉ niệm, hay những rong rêu của thời gian.

Đà Lạt là thành phố hiếm hoi tạo ra một lực hút mãnh liệt đối với những tâm hồn lãng mạn. Đà Lạt trong mỗi người – chính là nội dung của phần Tản văn trong cuốn sách này (ảnh). Đây là phần tập hợp những ghi chép, cảm nhận về không gian sống, ký ức đô thị của người Đà Lạt và lữ khách yêu thành phố sương mù này thuộc nhiều thời kỳ.

Phần truyện ngắn tập hợp 4 truyện hay lấy Đà Lạt làm bối cảnh. Có truyện được viết từ trước 1975 và rất nổi tiếng (như Nhà có hoa Mimosa vàng của Hoàng Ngọc Tuấn), cũng có truyện mới (như Một vệt mây qua của Hạ Tuyên). Một cuộc gặp gỡ ở lối văn chương tao nhã, nhẹ nhàng và gợi cảm giác xa vắng rất đặc thù về không gian - tâm cảnh.

Phần biên khảo là tập hợp loạt bài lược khảo Đà Lạt, đứa con của tham vọng, lật lại lịch sử hình thành, phát triển và đổi thay của đô thị này qua thời gian. Bên cạnh đó, Phanbook cũng tập hợp những ghi chép làm tái hiện một Đà Lạt vàng son trong quá khứ từ khi Alexandre Yersin khám phá ra vùng đất này cho đến năm 1974 trong bài Đà Lạt xưa qua cái nhìn lữ khách.

Các tác giả có mặt trong giai phẩm về Đà Lạt lần này: Alexandre Yersin, P. Munier, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Phạm Duy, Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Công Sơn, Trịnh Cung, Hoàng Ngọc Tuấn, Lê Uyên Phương, Vi Khuê, Nguyễn Hàng Tình, Phan Dũng, Đoàn Thạch Biền, Nghi Thủy, Nguyễn Vĩnh Nguyên…

Miền sương khói, vì thế còn là sương khói của tâm tưởng: giấc mộng đẹp, ký ức, thời gian, cũng có thể là sự lãng quên. Phải chăng Đà Lạt được dệt nên từ tất cả những điều ấy?

PV

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ven-man-suong-khoi-da-lat-voi-giai-pham-cua-bui-giang-pham-cong-thien-pham-duy-16677.html