Vén màn những điều bí ẩn của bệnh viêm cánh, chị em hiểu rõ để an tâm chữa trị

Vào hè là khoảng thời gian, bạn dễ dàng nhận ra mình có thuộc hội 'viêm cánh' hay không? Hãy theo dõi những thông tin cần thiết dưới đây để có cơ hội nhận biết và chữa trị kịp thời chứng tăng tiết mồ hôi.

Hôi nách là một bệnh lý phổ biến có thể xuất hiện ở cả nam và nữ. Nhưng thật tệ khi bệnh này đem lại cho nữ giới nhiều vấn đề và nỗi lo hơn cả nam giới.

Tăng tiết mồ hôi được ví von là "viêm cánh" không chỉ gây khó chịu cho người đối diện mà còn là nỗi tự ti của người mắc bệnh. Trong những ngày nắng oi bức, mồ hôi tiết ra nhiều, hôi nách thực sự trở thành nỗi ám ảnh. Chứng bệnh này làm khổ chủ luôn ở trong tình trạng đau khổ, mất tự tin trầm trọng mỗi khi giao tiếp hay gặp gỡ ai đó.

Nguyên lý của bệnh "viêm cánh"

Bác sĩ chuyên ngành cho biết: Bất cứ vùng nào trên cơ thể cũng đều có thể gặp tình trạng tăng tiết mồ hôi. Tuy nhiên, thường gặp nhất là vùng nách, lòng bàn tay, bàn chân, vùng bẹn và vùng đầu. Trên cơ thể người gồm 2 đến 4 triệu tuyến mồ hôi với hai loại chính là:

Tuyến Eccrine có ở khắp bề mặt da, mồ hôi tiết ra thành phần chính là nước và chất muối khoáng, không có mùi. Đây là loại mồ hôi tiết ra ở trán, bàn tay, bàn chân,... khi ở nhiệt độ cao, vận động nhiều. Loại mồ hôi này không gây mùi hôi trong bệnh hôi nách, chúng chỉ thỉnh thoảng có mùi khó chịu một chút khi chúng ta ăn các thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, cà ri,...

Tuyến Apocrine: chỉ hoạt động khi đến tuổi dậy thì. Tuyến này tập trung ở các vị trí như nách, bẹn, cơ quan sinh dục, quanh tai, vùng mắt, quầng vú,... Mồ hôi do tuyến apocrine tiết ra có một số chất như axit béo, cholesterol, hydrocarbon. Những chất này khi sinh ra không có mùi, nhưng do hoạt động của một số vi khuẩn trên da, phân hủy các chất này gây ra mùi khó chịu. Hai vi khuẩn phân hủy mồ hôi thường gặp là Propionibacterium acnes và Staphylococcus epidermidis. Mồ hôi được phân hủy thành các sản phẩm như axit isovaleric, acid propionic, propanoic. Axit isovaleric có mùi như phô mai trong khi axit propionic có mùi như giấm.

Tăng tiết mồ hôi là một rối loạn không bình thường, khi lượng mồ hôi tiết ra vượt quá mức yêu cầu điều tiết nhiệt độ của cơ thể. Những người bị hôi nách thường vừa có nhiều tuyến apocrine vừa có tăng tiết mồ hôi.

Tăng tiết mồ hôi là một rối loạn không bình thường, khi lượng mồ hôi tiết ra vượt quá mức yêu cầu điều tiết nhiệt độ của cơ thể. Những người bị hôi nách thường vừa có nhiều tuyến apocrine vừa có tăng tiết mồ hôi.

Tăng tiết mồ hôi có thể do tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Do sử dụng nhiều thuốc lá, cà phê, các thức ăn cay hoặc tham gia nhiều hoạt động thể lực. Tăng tiết mồ hôi cũng có thể xảy ra ở người mắc một số bệnh lý như bệnh hôi mùi cá (Trimethylaminuria), bệnh đái tháo đường, bệnh cường giáp, bệnh tim mạch, mãn kinh,...hoặc do sử dụng một số thuốc.

Dấu hiệu nhận biết mắc bệnh "viêm cánh"

Vì mũi chúng ta đã quá quen với mùi của chính mình, nên nhiều người không biết bản thân mình bị mắc chứng hôi nách mà bỏ lỡ thời kỳ thuận lợi để chữa khỏi bệnh. Để kịp thời phát hiện bản thân có mắc bệnh hôi nách hay không, hãy lưu ý đến một số dấu hiệu nhận biết dưới đây:

Tiền sử gia đình

Trong gia đình có người mắc chứng hôi nách, khả năng cap bản thân cũng có thể bị di truyền lại mùi hôi. Thông thường, bố hoặc mẹ bị hôi nách, tỷ lệ lây truyền cho con là 50%. Hoặc cả hai bố mẹ đều bị hôi nách, tỷ lệ lây truyền cho con cái là 80%.

Cơ thể luôn ướt đẫm mồ hôi

Mùi dưới cánh tay rất khó chịu, giống mùi chồn hôi. Khi vận động nhiều hoặc khi trời nắng oi, mùi hôi càng rõ ràng hơn, nách tiết nhiều mồ hôi, đôi khi ướt cả áo. Không xuất hiện vào ban đêm.

Bạn có thể dùng khăn lau hoặc giấy lau vùng nách để kiểm chứng, một khi trên khăn hay giấy có thấy xuất hiện chất dịch nhờn kèm theo mùi nặng, phải chú ý bởi rất có thể bạn đã bị mắc chứng hôi nách.

Vết ố vàng trên áo

Vùng áo dưới cánh tay thường bị đổi màu. Nhất là áo màu trắng, vùng áo dưới cánh tay sẽ chuyển thành vàng ố, cứng lại do mồ hôi và các sản phẩm lăn nách kết hợp dính vào.

Nếp da nách ẩm ướt dễ sinh nấm, nhiễm trùng, viêm da kích ứng. Khi lông nách dài có thể thấy kết dịch do vi khuẩn phân hủy mồ hôi, tạo thành các cặn đóng tại nách.

Vệ sinh sạch sẽ vẫn có mùi dưới cánh tay

Trong các trường hợp hôi nách nặng, dù không vận động nhưng nách vẫn hôi. Việc khử mùi sau tắm chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, sau đó nách lại bị hôi trở lại.

Cách khắc phục nỗi ám ảnh từ mùi hôi cơ thể

Tắm rửa vệ sinh cơ thể hàng ngày

Sau khi tập luyện hay đi làm về, bạn nên ngồi nghỉ một lúc và đi tắm ngay sau đó để ngăn không cho vi khuẩn có cơ hội trụ bám lại dưới nách. Bởi những vùng da ẩm ướt sau khi vận động mạnh thường là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Giữ vùng nách luôn khô thoáng

Vùng nách là nơi phát ra mùi cơ thể khó chịu nhất vì đây là nơi vi khuẩn có cơ hội trú ngụ nhiều. Chính vì vậy, bạn nên chú ý tránh để cơ thể tiết ra mồ hôi nhiều, cố gắng không vận động mạnh hay ra đường giữa thời tiết nắng.

Lưu ý chế độ ăn hàng ngày

Thường xuyên ăn các thực phẩm nặng mùi như hành, tỏi, cà ri, cà phê, thuốc lá sẽ làm làm tăng mức độ mùi cơ thể. Ngoài ra các loại thực phẩm chiên béo, các protein như gan, cá và các loại thịt đỏ…cũng sẽ làm tình trạng trở nên nặng hơn.

Giặt ủi quần áo sạch sẽ

Đừng mặc lại những bộ trang phục đã sử dụng mà chưa được giặt ủi, nhất là trong mùa hè. Bởi những bộ quần áo này đã ám mùi cơ thể nồng nặc nên dễ làm gia tăng vi khuẩn sản sinh khi bạn mặc lại.

Các chuyên gia cho rằng, cơ thể có mùi hôi không nhất thiết là hôi nách, có những người mấy ngày không tắm hoặc luôn trong tình trạng tinh thần căng thẳng quá độ, ở nách ít nhiều cũng có mùi không bình thường, trong trường hợp này bạn cần chú ý vệ sinh, giữ tinh thần thoải mái.

Một khi bạn nghi ngờ không biết mình có mắc chứng hôi nách không, bạn có thể tham khảo thêm những triệu chứng đã nói ở trên, để đối chiếu với bản thân. Mong rằng "viêm cánh" luôn xa lánh các nàng nhé!

Hoa cúc dại

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ven-man-nhung-dieu-bi-an-cua-benh-viem-canh-chi-em-hieu-ro-de-an-tam-chua-tri-51202024710723661.htm