Vén màn bí mật về vụ bắt cóc kỳ lạ 19 hành khách ở gần biên giới Mỹ - Mexico

Các tay súng bịt mặt nhào lên một chiếc xe buýt đang chạy ở miền Bắc Mexico. Họ rời đi mà không cần tốn một viên đạn nào, đem theo ít nhất 19 hành khách. Cho đến nay, tất cả dường như đã biến mất không một dấu vết. Vậy những hành khách bị đưa đi đâu? Đây là bí ẩn mà các nhà chức trách Mexico đang tìm cho ra câu trả lời trước áp lực của dư luận.

Cảnh sát Mexico đang điều tra theo hướng đây có thể là một vụ bắt cóc hàng loạt. Theo đó, một chi tiết quan trọng đã được tiết lộ, mở ra khả năng giải đáp cho vụ việc, đó là: Tất cả hành khách mà các tay súng đưa ra khỏi xe buýt có thể là người di cư đến Mỹ bằng cách đi qua Mexico. Tuy nhiên, giả thuyết này cũng cho thấy hệ quả nghiêm trọng của những cuộc di cư vốn đang là chủ đề “nóng” của cả 2 quốc gia này.

Hình ảnh được quân đội Mexico cung cấp cho thấy hiện trường vụ phát hiện 72 thi thể người di cư Trung và Nam Mỹ trong năm 2010

Hình ảnh được quân đội Mexico cung cấp cho thấy hiện trường vụ phát hiện 72 thi thể người di cư Trung và Nam Mỹ trong năm 2010

Giả thuyết 1: Những người di cư đã bị bắt cóc

Các quan chức Mexico ban đầu không cho rằng những người di cư bị bắt cóc, nhưng sau đó lại tuyên bố một chiến dịch quốc gia để tìm kiếm hành khách mất tích. Được biết, các tay súng đã chặn chiếc xe buýt vào hôm 7-3 tại đoạn đường cao tốc nối San Fernando, một thị trấn ở bang Tamaulipas phía bắc Mexico với thành phố Reynosa, giáp với khu vực McAllen ở bên kia biên giới bang Texas, Mỹ.

Qua nhiều ngày nhà chức trách mới tiết lộ vụ việc khiến cho giới truyền thông Mexico lên tiếng chỉ trích. Nói về sự chậm trễ này, cơ quan cảnh sát cho rằng họ không cố tình che giấu thông tin mà cần chờ xác nhận sự thật trước khi công bố.

Phải nói thêm rằng San Fernando khét tiếng là nơi xảy ra các vụ thảm sát người di cư gần 10 năm về trước. Các nhà điều tra đã từng tìm thấy thi thể của 72 người di cư tại một ngôi nhà vào năm 2010. Năm sau, họ tìm thấy hài cốt của gần 200 người trong các ngôi mộ tập thể ở khu vực mà nhà chức trách đang điều tra vụ bắt cóc 19 hành khách trên xe buýt. Ngay tuần trước, Mexico đã giải cứu được một nhóm 34 người di cư bị giam giữ ở Tamaulipas, một thành trì của các băng đảng tội phạm nước này.

Trong nhiều năm, người ta đã cảnh báo rằng, những người di cư ở Trung Mỹ thường bị tấn công khi họ đi về phía Bắc Mexico. Năm 2011, Ủy ban nhân quyền của Mexico ước tính hơn 11.000 người di cư đã bị bắt cóc chỉ trong vòng 6 tháng. Bà Stephanie Leutert, Giám đốc Sáng kiến an ninh Mexico tại Đại học Texas khi phân tích về các cuộc bắt cóc trong năm ngoái cho rằng, những kẻ bắt cóc thực hiện các chiêu thức khác nhau ở mỗi khu vực. Như ở Tamaulipas, chặn xe buýt là một chiến thuật phổ biến. “Sử dụng xe hơi có trang bị vũ khí để ép xe buýt phải dừng lại, các tay súng nhảy lên rồi kéo mọi người đi, đó là phương thức đã trở thành phổ biến”, bà Stephanie Leutert nói.

Ông Maureen Meyer, Giám đốc về Mexico và quyền di cư tại Mỹ Latinh chi nhánh Washington cũng đồng tình với giả thuyết này: “Người di cư bị tội phạm Mexico nhắm làm mục tiêu chính vì tình trạng dễ bị tổn thương của họ. Các nhóm tội phạm có thể kiếm được lợi nhuận lên tới hàng nghìn đô la cho mỗi người di cư nếu giữ họ để đòi tiền chuộc”.

Rafael Alonso Hernandez Lopez, người đang làm luận án tiến sỹ về chủ đề người di cư ở Đại học Biên giới phía Bắc ở Tijuana cho rằng, đây là lần đầu tiên một sự cố như vậy xảy ra kể từ khi Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador nhậm chức từ tháng 12-2018. “Hiện tượng này đã xảy ra từ nhiều năm trước và thật không may nó đang tái diễn. Điều đáng lưu ý là Chính phủ Liên bang đã tự công khai thông tin chứ không chờ điều tra của báo chí”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mexico công bố hình ảnh chiếc xe khách đi qua một trạm kiểm soát khoảng 1 giờ trước khi 19 hành khách bị đưa đi

Giả thuyết 2: Các tay súng là những kẻ buôn người theo hợp đồng

Khi tin tức về vụ mất tích loang ra, Tổng thống Lopez Obrador và một trong những quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mexico đã đưa ra khả năng rằng, những người di cư không bị bắt cóc mà chỉ đơn giản là gặp những kẻ buôn lậu mà họ đã ký hợp đồng để nhờ chúng đưa qua biên giới Mỹ - Mexico. “Có một giả thuyết cho rằng đây là một cách để có thể đến lãnh thổ Mỹ. Không phải là họ biến mất, mà là cách họ vượt biên như thế nào”, ông Lopez Obrador nói với các phóng viên.

Đến nay các quan chức Mexico cho biết, họ đã rà soát với các nhà chức trách ở Trung Mỹ để xem liệu có ai báo cáo người thân mất tích hay không, nhưng vẫn chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào. Bộ trưởng An ninh Mexico Abvbblfonso Durazo trong buổi họp báo cũng lưu ý rằng, hôm đó các tay súng lên xe buýt không nổ bất kỳ phát súng nào và chỉ đàn ông bị bắt đi. “Thông tin tình báo chỉ ra rằng, các nhóm tội phạm hoạt động trong khu vực cung cấp dịch vụ vận chuyển người di cư đến Mỹ”, ông Durazo nói.

Ngày 15-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mexico đã công bố hình ảnh chiếc xe buýt băng qua trạm kiểm soát quân sự hơn 1 giờ trước khi bị phục kích. Tất cả 44 hành khách trên xe buýt đã được kiểm tra vào thời điểm đó. Các nhà chức trách hiện tin rằng những người di cư trên xe buýt mang căn cước Mexico giả, bởi vì nhân viên kiểm tra giấy tờ của hành khách đã không ghi nhận bất kỳ người nước ngoài nào.

Với chuyên gia Leutert, bà không cho rằng các tay súng đeo mặt nạ đồng ý với kế hoạch vận chuyển người di cư bằng cách phục kích một chiếc xe buýt. “Nếu muốn gặp nhau, có thể chọn ở trạm xe buýt. Phương án đó không phù hợp với những kẻ buôn người di cư. Nó phù hợp với mô hình bắt cóc người di cư. Đó là lý do đối với tôi sự việc này đáng lo ngại”, bà Leutert nói.

Một ngôi mộ tập thể gần San Fernando, Mexico, đây được cho là nơi chôn giấu nạn nhân là hành khách bị bắt cóc trên xe buýt vào năm 2011

Bất ổn an ninh khu vực biên giới “nóng” trở lại

Bất kể giả thuyết nào trở thành sự thật, vụ mất tích xảy ra ở một thời điểm cũng rất đáng chú ý. Đó là thời điểm chính quyền Mỹ đang gia tăng áp lực buộc nhiều người di cư ở lại Mexico bằng cách hạn chế số người có thể xin tị nạn tại các cảng nhập cảnh mỗi ngày và trục xuất một số lượng lớn người di cư đang xin tị nạn để chờ cho đến khi trường hợp của họ được tòa án giải quyết. Cũng cần nói thêm rằng, người di cư đến khu vực biên giới theo quy mô gia đình và thành các nhóm lớn ngày càng gia tăng.

Đối nghịch với phía Mỹ, các quan chức Mexico cho rằng bảo vệ quyền của người di cư là ưu tiên hàng đầu, tuy vậy các thành phố biên giới Mexico đã phải vật lộn để xử lý một lượng quá tải dòng người di cư. Các chuyên gia cho rằng hàng loạt yếu tố đó đã khiến cho tình hình vốn đã bất ổn thậm chí tồi tệ hơn. “Các thị trấn biên giới có thể nhanh chóng trở nên rất khó kiểm soát. Các nhóm tội phạm cũng theo dõi người di cư vì họ rất dễ trở thành nạn nhân. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến các cộng đồng biên giới khi mà họ không lường trước được tình thế xảy ra”, ông Meyer nói.

“Việc thực hiện một vụ bắt cóc hàng loạt sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc ném hai người vào sau xe. Nó đòi hỏi một mức độ tinh vi hơn. Chúng tôi chưa thực sự thấy một trường hợp liều lĩnh và tinh vi như thế này trong thời gian gần đây”, bà Stephanie Leutert thuộc Đại học Texas ở Austin nói, đồng thời nhấn mạnh bản chất sự việc làm dấy lên lo ngại thời kỳ bạo lực hơn đang trở lại khu vực biên giới Mỹ- Mexico.

“Cả hai giả thuyết đưa ra đều có vẻ có lý. Thậm chí, không loại trừ khả năng những người di cư ban đầu có thể đã trả tiền cho bọn buôn người, nhưng những kẻ đó muốn có nhiều tiền hơn và quyết định bắt cóc họ hơn là đưa họ qua biên giới. Một khi đã hợp đồng với kẻ buôn lậu không có nghĩa là các điều khoản không thay đổi. Và đôi khi, những người di cư thỏa thuận với một nhóm tội phạm nhưng có thể lại bị một nhóm khác chặn trên đường đi”.

Giáo sư Jeremy Slack (Đại học Texas ở El Paso, Mỹ)

Yến Chi (Theo CNN)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/ven-man-bi-mat-ve-vu-bat-coc-ky-la-19-hanh-khach-o-gan-bien-gioi-my-mexico/804142.antd