Vén màn bí mật quan hệ kim tiền Gaddafi - Sarkozy

Cố Tổng thống Libya Gaddafi dù đã bỏ ra rất nhiều tiền cho cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, nhưng lại bị 'ngã ngựa'...

Ông Sarkozy và nhà lãnh đạo Gaddafi trong chuyến thăm chính thức của ông Sarkozy tới Libya năm 2007 - Ảnh: Getty Images

Ông Sarkozy và nhà lãnh đạo Gaddafi trong chuyến thăm chính thức của ông Sarkozy tới Libya năm 2007 - Ảnh: Getty Images

Gaddafi góp tiềnđưa Sarkozy làmTổng thống Pháp

Báo Sự Thật của Nga trung tuần tháng 4 đã có bài phân tích đáng chú ý. Bài viết trên báo tờ báo Nga cho biết, Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2007 - 2012 Nicolas Sarkozy đang phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam trong vụ điều tra cáo buộc nhà lãnh đạo này nhận tiền trái phép từ chính quyền Libya của cố Tổng thống Gaddafi cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2007.

Tờ Thế giới (Le Monde), nhật báo hàng đầu nước Pháp cho hay, doanh nhân Ziad Takieddine, một nhân vật thân cận bên cạnh Sarkozy đã thừa nhận trực tiếp mang 3 va-li tiền (tổng cộng 50 triệu euro) từ Tripoli (thủ đô Libya) đến Paris cho ông Sarkozy để phục vụ chiến dịch tranh cử năm 2007.

Chính quyền Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron trong một tuyên bố gần đây đã cho rằng, ông Sarkozy còn phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của Libya và dòng người tị nạn sang châu Âu.

Bởi, theo cáo buộc của Nội các ông Macron, cựu Tổng thống Sarkozy đã phát động chiến tranh chống lại Libya trước khi Anh và Mỹ tham chiến. Tuy nhiên, hẳn phải có lý do khiến ông Sarkozy lại giết “con ngỗng vàng” (ý chỉ Đại tá Gaddafi), người đã cung cấp tiền cho mình.

Những lý do gây hấn được tìm thấy trong thư tín bị rò rỉ cuối năm 2011 mà ông Sarkozy gửi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, trong đó ám chỉ đến kế hoạch dài hạn của ông Gaddafi là đưa Libya thay thế Pháp trở thành cường quốc có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất ở Tây Phi.

Nhà lãnh đạo Gaddafi đã để dành 143 tấn vàng cùng một lượng bạc tương tự với dự định thiết lập đồng tiền riêng Pan-African dựa trên đồng tiền vàng dinar của Libya, cung cấp cho các nước châu Phi nói tiếng Pháp các khoản hỗ trợ để đổi hậu thuẫn chính trị, từ đó dần dần thay thế cho đồng franc CFA - hiện đang được quy đổi theo đồng Franc của Pháp.

Vì thế, khi ấy, ông Sarkozy có lẽ đã nhận ra rằng, không thể đánh mất một đòn bẩy kiểm soát các thuộc địa cũ. Đồng thời, nguồn dầu khổng lồ của Libya vốn là “miếng bánh béo bở” cho các nước phương Tây. Điều này đã thúc đẩy cựu Tổng thống Pháp Sarkozy khởi động các hoạt động quân sự chống lại Libya.

Sarkozy buộc phải ngồi tù?

Câu chuyện tới đây có phần phức tạp hơn cả mối quan hệ trên, bởi việc xét xử một cựu tổng thống chỉ gây ra những thiệt hại cho danh tiếng của Pháp, nhưng các nhà chức trách Pháp vẫn muốn đưa ông Sarkozy vào tù với thời hạn có thể lên đến 10 năm.

Các chuyên gia phân tích trên tờ Pravda của Nga đã tìm ra lý do hợp lý liên quan đến việc ai hưởng lợi từ việc này. Câu trả lời chính là số phận của hơn 10 tỷ euro từ tài khoản của Libya mà Liên hợp quốc (LHQ) đã ra lệnh đóng băng vào năm 2011.

Số tiền này đã biến mất khỏi các tài khoản tại Ngân hàng Euroclear ở Bỉ trong những năm từ 2013 - 2017, theo tờ Le Vif của Bỉ số ra đầu tháng 4/2018. Hiện, chỉ có trên 5 tỷ euro còn lại trong bốn tài khoản. Đồng thời, theo Bộ Tài chính, Bỉ không hề đưa ra quyết định giải phóng tài sản đó. Nếu không có thông tin trên tờ Le Vif thì không ai biết tới số tài sản Libya bị đóng băng đó.

Cựu Tổng thống Sarkozy cho biết, có đến 63 quốc gia tham gia vào vụ cướp bóc Libya. Theo hãng tin AP, riêng tại Mỹ, các ngân hàng: Goldman Sachs, Citigroup, JPMorgan Chase và Carlyle Group đóng băng 34 tỷ USD từ các khoản tiền gửi, tiền đầu tư vào cổ phiếu sinh lời, nhưng chúng đã biến mất không lý do.

Năm 2016, Hội đồng Bảo an LHQ bác bỏ yêu cầu của Libya để cho quốc gia này quản lý các tài khoản và tài sản đang bị đóng băng. Giới quan sát cho rằng, rất có thể, không có gì để đóng băng nữa.

Các chuyên gia nghi ngờ nhiều khả năng ông Sarkozy đã thảo luận về việc đóng băng tài sản của Libya với đồng minh NATO khi khơi mào cuộc chiến tại quốc gia Bắc Phi này. Nhờ đó, các nước phương Tây đã thu được gần 60 tỷ USD và kiểm soát các khoản tiền gửi dầu của Libya.

Các chuyên gia cũng đặt ra giả thuyết, ông Sarkozy đã lấy “một mẩu bánh ngọt” trong các tài sản của Libya bị đóng băng để giải quyết những khó khăn về tài chính của đảng Cộng hòa của ông cách đây vài năm. Vì thế, việc bắt giữ ông Sarkozy rõ ràng cho thấy, ông không nên và có lẽ cũng không thể “mở miệng về miếng bánh” đó.

Thùy Dương

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ven-man-bi-mat-quan-he-kim-tien-gaddafi--sarkozy-d253589.html