VECOM: 5 vấn đề về quản lý thuế thương mại điện tử

Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã đưa ra 5 vấn đề về quản lý thuế thương mại điện tử (TMĐT).

1. Quản lý thuế cần gắn với việc thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.

Trong bản báo cáo được Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố mới đây tại diễn đàn Toàn cảnh về thương mại điện tử Việt Nam 2018, một trong những trở ngại lớn nhất của TMĐT nước ta là sự mất lòng tin của người tiêu dùng vào mua sắm trực tuyến.

Việc khuyến khích mọi đối tượng kinh doanh có uy tín bán hàng trực tuyến sẽ góp phần tạo ra nhiều khách hàng hơn và nguồn thu từ thuế chắc chắn sẽ tăng lên. Chính vì lẽ đó, làm thế nào để tránh tình trạng tận thu thuế và thúc đẩy tạo ra nguồn thu lớn từ kinh doanh trực tuyến là vấn đề đang chờ những người làm luật giải quyết.

2. Quản lý thuế không nên tạo ra sự trở ngại mới.

Để thúc đẩy sự tăng trưởng, việc quản lý thuế đối với TMĐT nếu không thể làm giảm đi những trở ngại vốn đang tồn tại thì không nên tạo ra những trở ngại mới. Ngoài ra, cơ quan quản lý thuế phải đối mặt với thực tế là không thể thu thuế TMĐT bằng các giải pháp và công cụ truyền thống được nữa.

Trong bản báo cáo của mình, VECOM nhấn mạnh rằng việc bổ sung vào Luật Quản lý thuế một chương về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, bao gồm quy định cơ quan thuế phải xây dựng được “Trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử” là một trong những điều kiện cần để có thể tiến hành thu thuế kinh doanh trực tuyến.

3. Cần thỏa mãn tiêu chí đạt hiệu quả kinh tế cao:

Từ vấn đề về “điều kiện cần” nêu trên, Vecom đề xuất yêu cầu cần tính toán kỹ hiệu quả kinh tế - xã hội của việc quản lý thu thuế TMĐT. Chi phí bỏ ra cho hoạt động thu thuế phải thấp hơn đáng kể so với số thuế thu được, đây là một trong các tiêu chí quan trọng cần tính tới khi thu thuế TMĐT.

4. Cần có sự phối hợp liên ngành:

Hoạt động mua bán trực tuyến không dùng tiền mặt là điều kiện cần khác đối với quản lý thu thuế TMĐT. Mọi biện pháp hành chính để áp đặt giao dịch không dùng tiền mặt là không khả thi. Việc thanh toán không dùng tiền mặt chỉ có thể trở thành phương thức thanh toán phổ biến chỉ khi cả hai phía người mua lẫn người bán đều thừa nhận sự lợi ích của nó và làm theo.

Do đó, sự phối hợp liên ngành để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng đối với cơ quan quản lý thu thuế. Chừng nào tỷ lệ thanh toán COD còn cao thì việc thu thuế đối với mua bán trực tuyến còn chưa hiệu quả.

5. Việc thành lập doanh nghiệp sẽ được lợi thế hơn so với hộ kinh doanh và cá nhân:

Việc quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, dù mức độ thanh toán trực tuyến chưa cao, song vẫn diễn ra thuận lợi và minh bạch. Do đó, cần triển khai các giải pháp để lợi ích của các thương nhân và doanh nghiệp nổi bật hơn so với hộ gia đình hay cá nhân.

Chí Bảo

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283291/vecom-5-van-de-ve-quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu.html