VEC phải thu hồi quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô vi phạm

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết đã chỉ đạo và giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ các quy định pháp luật để chỉ đạo VEC tuân thủ các quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc đơn vị quản lý đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô vi phạm, chiều 12/2, trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết đã chỉ đạo và giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ các quy định pháp luật để chỉ đạo VEC tuân thủ các quy định của pháp luật.

Trạm thu phí cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Trạm thu phí cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, trong chiều 12/2, VEC sẽ phải gửi báo cáo lên Tổng cục về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô mà tài xế có hành vi gây rối tại trạm thu phí trên cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây.
“Ngày mai 13/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có văn bản thu hồi quyết định cấm vĩnh viễn 2 ô tô của VEC, vì quyết định của VEC sai thẩm quyền, VEC chỉ là doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, hiện pháp luật chỉ cho phép doanh nghiệp thu phí từ chối phục vụ với xe ô tô chở quá tải, vì xe đó sẽ phá đường. Còn trường hợp 2 xe ô tô chở người gây rối ở trạm thu phí trên cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, VEC phải phối hợp với lực lượng chức năng địa phương, như cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự... lập biên bản, xử phạt hành chính.
“Về mặt pháp lý, chưa có quy định từ chối vĩnh viễn phương tiện. VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện vi phạm là không đúng thẩm quyền, việc quy định hành vi từ chối phục vụ phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Nếu VEC đã ra quyết định thì phải thu hồi lại quyết định”, ông Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Theo một chuyên gia pháp luật, việc người điều khiển phương tiện vi phạm thì đối tượng bị xử lý là người vi phạm. Mà người ra quyết định phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, VEC là một doanh nghiệp chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo VEC cho rằng, việc từ chối phục vụ vĩnh viễn, hoặc có thời hạn các ô tô vi phạm vào các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý khai thác đã thực hiện nhiều năm qua, theo quy định của pháp luật.
Cũng theo lãnh đạo VEC, Quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 của Hội đồng Thành viên VEC về việc ban hành “Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác”, được ban hành theo Nghị định 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và Thông tư 90/2014/TT-BGTVT hướng dẫn quản lý khai thác bảo trì công trình đường cao tốc.
Mặt khác, đường cao tốc không phải đường độc đạo, nên không đi vào cao tốc các phương tiện vẫn có thể đi các tuyến đường khác song song, nên không hạn chế sự đi lại của người dân.
“Thực tế, nhiều năm qua VEC đã từ chối phục vụ với không ít phương tiện, bình quân mỗi năm khoảng 1.000 xe ô tô vi phạm”, lãnh đạo VEC lý giải và khẳng định việc từ chối phục vụ không trái quy định.
Trước đó, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ôtô (BKS 51A-558.50 và 51G-772.56) vào các tuyến cao tốc do VEC quản lý, do tài xế những xe này có hành vi gây rối tại trạm thu phí trên cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/vec-phai-thu-hoi-quyet-dinh-tu-choi-phuc-vu-vinh-vien-2-o-to-vi-pham/112807.html