VEC dự tính lãi 2,2 tỷ năm 2020: Điều cần làm rõ

Chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nhà nước thường ít phải chịu áp lực kinh doanh, lại thêm các nhiệm vụ chính trị, xã hội cần tiêu tiền.

Trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020 của công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt mới đây, VEC đã đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu, bao gồm: Tổng doanh thu 4.251 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 2,2 tỷ đồng; các khoản nộp ngân sách nhà nước 393,8 tỷ đồng.

Nhận xét về con số lợi nhuận sau thuế năm 2020 mà VEC dự tính, Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội nhận xét, đây là con số quá thấp, đặc biệt nếu so với số vốn chủ sở hữu tới 9.500 tỷ đồng và tài sản hơn 96.000 tỷ đồng của VEC (theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2018 của VEC - PV).

Theo ông Liên, về nguyên tắc, VEC phải thuyết minh cho thật kỹ và khoa học về việc tại sao đưa ra con số lợi nhuận thấp như vậy và thuyết minh này phải được cơ quan chủ quản chấp thuận.

Trước đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2018 của VEC cũng rơi vào khoảng 2 tỷ đồng, và theo ông Liên, ngoài cơ quan chủ quản thì cơ quan thuế cũng cần thẩm định con số này trước khi công nhận mức lợi nhuận như vậy.

"Dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, khi đầu tư, dù qua đấu thầu hay chỉ định thầu, cũng phải xem xét khả năng đầu tư vào mỗi dự án có lợi hay không, cái lợi ấy có phù hợp với các quy định pháp luật hay không, vì không ai đi đầu tư ở mức độ lợi nhuận bấp bênh như vậy, nhất là khi xảy ra rủi ro. Do đó, để đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư, phải xem xét mức lợi nhuận doanh nghiệp đưa ra", ông Bùi Danh Liên nói.

Cũng theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, đơn vị phê duyệt không phải cứ phê duyệt bằng được kế hoạch doanh nghiệp đề xuất lên, mà phải xem đề xuất đó có phù hợp với quy định của Nhà nước về đầu tư BOT hay không.

"Hiệu suất kinh doanh như vậy là quá thấp. Trong kinh doanh phải có vốn dự phòng (không tính vào lỗ, lãi) để phòng rủi ro, ví dụ như đường cao tốc hư hỏng do mưa lũ. Khi ấy doanh nghiệp không thể xin tiền nhà nước để sửa chữa mà phải dùng vốn dự phòng của mình.

Bởi vậy, phải xem doanh nghiệp đã có dự phòng hay chưa, nếu chưa mà tính lợi nhuận sát sạt như vậy thì không ổn", ông Bùi Danh Liên lưu ý.

Trạm thu phí Dầu Giây do VEC quản lý

Trạm thu phí Dầu Giây do VEC quản lý

Trong khi đó, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam thừa nhận đây là một câu chuyện rất "khó bàn" vì VEC là một tổng công ty nhà nước, mà thông thường doanh nghiệp nhà nước không chịu nhiều áp lực kinh doanh, lại thêm đủ nhiệm vụ xã hội cần tiêu tiền. Liệu VEC có rơi vào trường hợp như vậy hay không?

Cũng theo vị chuyên gia, một khi doanh nghiệp đã hoạt động theo nguyên tắc thị trường thì chuyện lời lỗ, lợi nhuận cao hay thấp là do thị trường quyết định, được ăn thua chịu. Bởi vậy, ông đề nghị cần xem lại cách vận hành của VEC liệu đã theo cơ chế thị trường.

Trước đó, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng lưu ý đến vấn đề kinh doanh trong cơ chế thị trường.

Ông đánh giá, VEC không thể lấy lý do gặp khó khăn trong việc Chính phủ không chuyển vốn vay về cho vay lại, hay Chính phủ không cho sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp để lý giải cho việc dự định lãi suất sau thuế năm 2020 chỉ ở mức 2,2 tỷ đồng.

"Anh đã là doanh nghiệp kinh doanh thì phải chấp nhận theo giá thị trường. Chứ đừng chăm chăm vào việc "vắt sữa bò" từ ngân sách nhà nước. Cái thời bao cấp, mọi thứ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước qua rồi.

Bây giờ, nếu các doanh nghiệp cảm thấy kinh doanh không hiệu quả thì nên cổ phần hóa, hoặc để cho người khác thay anh quản lý, sao cho có hiệu quả nhất.

Bản chất ở đây chính là vấn đề tư duy doanh nghiệp nhà nước cần phải thay đổi. Nhà nước chỉ hỗ trợ, ưu đãi ban đầu, trong giai đoạn nghiên cứu thành lập doanh nghiệp hay doanh nghiệp mới đi vào vận hành.

Còn sau đó, bản thân mỗi đơn vị cần phải tự lực cách sinh, cạnh tranh với thị trường để ngày một mạnh hơn chứ không phải luôn sống dựa vào Nhà nước được", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của nhiều tuyến đường cao tốc quan trọng như Hà Nội - Lào Cai, Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành...

Ngoài các chỉ tiêu đề cập ở trên, theo kế hoạch, năm 2020, VEC tiếp tục tái cơ cấu tài chính 5 dự án do Tổng công ty làm chủ đầu tư; đồng thời phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về chiến lược kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu VEC sắp xếp, kiện toàn bộ máy hoạt động theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả bộ máy, định biên lao động, giảm đầu mối công việc để phù hợp với tình hình công việc thực tế của Tổng công ty.

Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo dưỡng, khai thác thu phí hoàn vốn đầu tư các dự án; hoàn thành việc đầu tư xây dựng phương án sử dụng dịch vụ thu phí không dừng theo đúng quy định của pháp luật...

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu VEC tổ chức triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020 theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, sử dụng và quản lý nguồn vốn nhà nước bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; tổ chức thực hiện việc quản lý, vận hành, bảo trì các dự án được giao theo đúng quy định của pháp luật...

Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2020 của Tổng công ty về Ủy ban và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vec-du-tinh-lai-22-ty-nam-2020-dieu-can-lam-ro-3398010/