VEAM: Tự tin tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Là một trong những doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đầu tiên của Việt Nam từng bước tiên phong tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, kinh nghiệm mà ông Ngô Văn Tuyển - Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam-CTCP (VEAM) - chia sẻ đó là phải áp dụng toàn diện các giải pháp nhằm bảo đảm yêu cầu QCD (chất lượng, giá, giao hàng).

Để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo ông, các yếu tố cần và đủ của DN Việt Nam là gì?

Sản phẩm của Việt Nam muốn cạnh tranh phải đáp ứng các yêu cầu QCD. Để bảo đảm chất lượng, yếu tố kỹ thuật, công nghệ và hệ thống quản lý phải đáp ứng yêu cầu của nhà cung cấp. Quản lý tốt và áp dụng công cụ đa dạng đảm bảo tối ưu các yếu tố của hệ thống sản xuất như nhân lực, máy móc, vật tư, công nghệ, quản lý; không ngừng cải thiện sẽ có chi phí cạnh tranh và giao hàng thỏa mãn.

Cách đây 20 năm, nhiều DN Việt Nam còn xa lạ với hệ thống quản lý chất lượng như ISO9000. Hiện tại, các tiêu chuẩn hệ thống như IS14000, IS50000, IATF16949; công cụ TQM, TPM, Monotsukuri, Kaizen, 5S, Six-sigma không còn xa lạ. Vấn đề bây giờ cần có những nhà quản trị DN được đào tạo bài bản, có năng lực thực sự để vận hành DN mang yếu tố quản lý hiện đại. DN có vốn nhà nước thực sự đang yếu về mặt này, nhiều lựa chọn người quản trị có tính chất cảm tính, theo ý chủ quan của người quyết định mà không chú ý thực chất năng lực.

Vậy, đâu là điểm "nghẽn" của DN Việt hiện nay, thưa ông? Để khắc phục các điểm "nghẽn" này, DN cần làm gì?

Để có thể tham gia chuỗi cung ứng, phải đáp ứng tiêu chuẩn cạnh tranh QCD. Tuy nhiên, đối với sản phẩm nội địa, DN Việt được trao cơ hội hay không lại phụ thuộc nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng. Các mối quan hệ cung ứng trước đó dễ dàng kéo theo nhà cung ứng nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để sản xuất linh kiện. Các đầu tư này lại có nhiều ưu đãi so với nhà sản xuất trong nước nên cạnh tranh luôn có ưu thế hơn.

Một vấn đề nữa đối với DN trong nước, nhiều sản phẩm có kỹ thuật, công nghệ chế tạo mà trong nước chưa thể phát triển được, không mua được công nghệ nên mất cơ hội cung ứng. Trong trường hợp này, DN cần tìm kiếm đối tác và có hình thức hợp tác để sản xuất.

Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của VEAM trong quá trình trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia?

Hiện nay, nhiều công ty có vốn của VEAM đã tham gia vào chuỗi cung ứng cung cấp thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Để có được kết quả này, DN đã có một quá trình thay đổi về quản lý, phát triển nhân sự, đầu tư kỹ thuật, đáp ứng những tiêu chuẩn đối với nhà cung cấp của từng loại sản phẩm cụ thể trong 20 năm gần đây. VEAM đã kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển các sản phẩm ở thị trường trong nước cũng như xu thế đặt hàng của nhà cung cấp toàn cầu. VEAM thành công kể cả trong lĩnh vực tạo phôi cũng như gia công các sản phẩm chính xác. Xác định mục tiêu và liên tục cải thiện là điều kiện cần để có thể đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh mà khách hàng luôn đặt ra.

Hiện, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN sản xuất CNHT. Theo ông, các chính sách này đã tác động đến DN như thế nào? DN cần yếu tố gì để tự nâng cao năng lực cạnh tranh?

Thuật ngữ CNHT đặt ra để minh họa nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng cho từng loại sản phẩm. Các DN tham gia chuỗi cung ứng có DN trong và ngoài nước, việc hỗ trợ phải tạo ra môi trường bình đẳng. Các DN nước ngoài được hỗ trợ khuyến khích đầu tư, nếu họ ưu tiên các nhà cung cấp nước ngoài và các DN này cũng được hưởng chính sách ưu đãi thì DN Việt không có cơ hội.

Các chính sách liên quan tiếp cận nguồn vốn hoặc ưu đãi về thuê đất nếu có cũng hỗ trợ một phần cho DN, nhưng thực tế không phải là yếu tố quyết định. Nhà nước nên tập trung cải thiện môi trường kinh doanh chung để DN hoạt động thuận lợi, giảm chi phí hơn là các chính sách riêng lẻ. Đối với sản phẩm như ngành ôtô, nếu khuyến khích nội địa hóa, nên có chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt để việc chế tạo các linh kiện có thêm khả năng cạnh tranh khi thị trường còn quá nhỏ.

Trong môi trường cạnh tranh, DN Việt Nam muốn tham gia được vào chuỗi cung ứng của CNHT hoặc có thể tồn tại ngay cả khi đã đứng chân vào thị trường, năng lực cạnh tranh phải chủ yếu từ nội lực. Các hỗ trợ từ chính sách chỉ là chất xúc tác hoặc cần thiết trong những lúc khó khăn của tình hình kinh tế vĩ mô. Năng lực quản trị và con người là yếu tố cơ bản. Kỹ thuật và công nghệ chỉ có ý nghĩa quyết định khi được lựa chọn đúng đắn. Cạnh tranh là một quá trình liên tục hoàn thiện và không có khái niệm thỏa mãn.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/veam-tu-tin-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-134200.html