Về Yên Thế, nhớ những người anh hùng

Cuộc khởi nghĩa của những người nông dân chân đất áo nâu Yên Thế tuy đã chìm vào quá khứ 136 năm qua nhưng tiếng vang còn vọng mãi đến muôn đời. Thăm lại đại bản doanh của nghĩa quân năm xưa trên đất Phồn Xương hôm nay ta vẫn thấy ngổn ngang tâm trạng về lịch sử một thời trận mạc, binh đao máu lửa.

Và cũng chính nơi đây đã tụ nghĩa những con người khí phách hiên ngang, anh hùng thượng võ. Không chỉ có vậy, trong mắt tôi, vùng trung du đồi núi ấy luôn đẹp đến nao lòng.

Đất này là đất cụ Đề

Yên Thế trong lịch sử được mệnh danh là nơi “rừng thiêng nước độc”, hiểm trở và đầy sơn lam chướng khí. Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi từng ca ngợi, Yên Thế là vùng đất thượng võ, địa linh nhân kiệt. Có lẽ cũng vì thế mà những người có khí chất anh hùng, “nung gan - nấu chí” như thủ lĩnh Lương Văn Năm và sau này là Đề Thám đã chọn nơi này để tụ nghĩa, dấy binh khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Và mãi đến sau này, trong tâm khảm của nhiều người vẫn cho rằng Yên Thế là một nơi núi rừng thâm u, chỉ cần nghe qua đã thấy rùng rợn.

Có lẽ bởi sự tàn khốc, dã man của quân thù, những trận quyết chiến ác liệt, cảnh đầu rơi máu chảy giữa một bên là những người nông dân với vũ khí thô sơ đấu tranh vì chính nghĩa và một bên là thực dân Pháp xâm lược tàn bạo được trang bị đầy đủ khí tài hiện đại hơn đã hằn sâu vào núi rừng và trong suy nghĩ của nhiều thế hệ.

Các cụ kể rằng, thời Pháp thuộc, người Pháp ở Hà Nội bảo nhau: “Tù phạm vượt ngục, đã chạy lên đến Yên Thế thì thôi, đừng đuổi theo, vô ích!”. Có lẽ một phần vì thế, mà Pháp đánh 30 năm, giở mọi mưu mô, mới chống xong cụ Đề. “Hơn ba mươi năm khắp núi rừng/ Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”.

Đề Thám và những người thân tín ở núi rừng Yên Thế. Ảnh tư liệu.

Đề Thám và những người thân tín ở núi rừng Yên Thế. Ảnh tư liệu.

Vốn chỉ là những nông dân chân đất mà nghĩa quân Yên Thế đã khiến thực dân Pháp nhiều phen “thất điên, bát đảo”, “bạc tóc vì lo”, “mất ăn mất ngủ” trong suốt 30 năm ròng. Để rồi dân gian lại có câu ca ngợi rằng: “Đất này là đất cụ Đề, Tây lên thì có, Tây về thì không”.

Những địa danh như Đồn Hom, Hố Chuối, Phồn Xương, Nhã Nam... đã đi vào lịch sử và hôm nay vẫn vương đầy dấu vết của một thời kỳ oai phong lẫm liệt, những chiến công ấy của nghĩa quân sẽ muôn thuở còn truyền.

Barthouet - một sĩ quan Pháp từng tham gia các cuộc hành binh càn quét nghĩa quân Yên Thế - đã viết trong cuốn “Thảm kịch của người Pháp tại Đông Dương”, xuất bản năm 1948: Ông Đề có tài rèn luyện người, đào tạo nghĩa quân trở thành những cấp chỉ huy, những con người hoàn hảo trên chiến trường, dũng cảm và quyết đoán.

Miribel, một quan chức thuộc phủ thống sứ Bắc Kỳ thời đó báo cáo về Pháp: Tên tuổi của Hoàng Hoa Thám đã trở thành một biểu tượng được trân trọng trong dân chúng An Nam. Nó đã trở thành một mật hiệu để liên kết tất cả những người bất mãn chống lại chúng ta.

Sử sách đã chép khá đầy đủ về khởi nghĩa Yên Thế và dù các đồn lũy, chiến hào ngày nay chỉ còn là phế tích song có lên Yên Thế mới cảm nhận đầy đủ hơn những âm hưởng hào hùng về cuộc chiến đấu gai góc của nghĩa quân trong lịch sử. Đây tượng đài Hoàng Hoa Thám sừng sững uy nghi đứng giữa trời như tạc vào không gian một tinh thần vững chắc. Kia đồn Phồn Xương trầm mặc hòa quyện với màu xanh đại ngàn Yên Thế như vang vọng ngàn thu. Ta vẫn nghe vang vọng đâu đây hào khí của lễ tế cờ tại đền Thề và các trận quyết chiến trên đất Phồn Xương, Hố Chuối năm xưa.

Tôi rất ấn tượng với câu viết của nhà thơ Đỗ Trung Lai được sáng tác trong một lần lên Yên Thế: “Đất trời thiêng thơm danh tiếng hùm thiêng/ Tượng Đề Thám sừng sững trời Yên Thế/ Người khởi nghĩa áo mang màu đất mẹ/ Đầu quấn khăn vồ, râu cọp phất phơ bay”.

Tượng đài Hoàng Hoa Thám.

Dương Thị Lan, hướng dẫn viên tại khu di tích Yên Thế lần lượt đưa chúng tôi về một thời của trận mạc oai hùng. Những câu chuyện đầy xúc động về tinh thần quả cảm, quật cường của đội quân chân trần và những cái tên đi vào lịch sử: Đề Nắm, Cả Trọng, Cả Dinh, Cả Huỳnh, Bá Phức, bà Ba Cẩn... đã lưu danh hậu thế. Thăm đền Thề, thắp nén tâm nhang, chắp tay trước tượng đài người anh hùng Hoàng Hoa Thám, thăm đồn Phồn Xương, dâng hương đền Bà Ba (vợ ba Đề Thám) và đến đồn Hố Chuối - nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt là những trải nghiệm cực kỳ xúc động.

Gần 20 năm làm hướng dẫn viên tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Yên Thế, chị Dương Thị Lan có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Cách đây gần chục năm, một du khách người Pháp thăm nhà trưng bày Yên Thế và bỗng dưng quỳ sụp xuống trước một bức ảnh rồi khóc nức nở. Tìm hiểu được biết, người thương binh trong bức ảnh ấy chính là ông nội của vị du khách.

Trong ký ức tuổi thơ, anh được ông nội kể nhiều về cuộc chiến vô nghĩa mà ông từng miễn cưỡng phải tham gia tại nơi này. Sự rùng rợn, hãi hùng bởi rừng thiêng nước độc, cộng thêm những trận quần thảo cam go đã trở thành nỗi ám ảnh của không chỉ ông ta mà còn nhiều lính Pháp khác. Hướng dẫn viên Dương Thị Lan kể, vị du khách đó chia sẻ rằng: “Tôi khóc vì gia đình tôi, bản thân tôi thật may mắn, may vì ông nội tôi còn sống sót trở về nên tôi mới có mặt trên cõi đời này”.

Đền Thề - nơi diễn ra lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám.

Trăm năm đá nát vàng phai

Trong số những đồn lũy của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đồn Phồn Xương hiện nay đã được tu bổ từ năm 1984, dựa trên bản vẽ chi tiết và các hình ảnh của người Pháp chụp lại, toàn bộ khu đồn được đắp bằng đất, có lỗ châu mai. Đây là nơi Hoàng Hoa Thám và các tướng lĩnh của ông như: Cai Thanh, Cả Trọng thường xuyên lưu trú, hoạt động.

Toàn bộ “Ban tham mưu” cùng lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa tập trung tại đây để điều hành, lãnh đạo nghĩa quân, tuyển chọn, luyện tập quân lính... Ngoài ra, còn có bếp, chuồng ngựa, cột đèn và cột cờ... Tiếc là các hạng mục trên chưa được phục dựng.

Cũng ở xã Phồn Xương, trị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) có đồn Hố Chuối, đồn do đích thân Hoàng Hoa Thám trực tiếp thống lĩnh. Thông thường vị trí các đồn thường ở nơi cao nhưng riêng đồn Hố Chuối lại nằm tại nơi trũng, một nửa đồn được đào sâu vào lòng đất, tạo thành một công sự vững chắc. Lịch sử còn chép: Tại đây, cuối năm 1890, đầu năm 1891, nghĩa quân Yên Thế dưới sự chỉ huy của Hoàng Hoa Thám với lực lượng chỉ khoảng 150 người, đã liên tiếp đánh bại 4 cuộc tấn công lớn của thực dân Pháp do các tướng Gôđanh, Tannơ, Mayơ, Phơrây chỉ huy cùng hơn 2 nghìn binh lính trang bị vũ khí hiện đại. Kết quả, 73 lính Pháp bị thương cùng 26 tên vĩnh viễn nằm lại núi rừng nơi đây.

Tái hiện lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám.

Tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân, tài chỉ huy quân sự của tướng lĩnh, cộng thêm sự phòng thủ kiên cố đã làm cho Hố Chuối trở thành một căn cứ vững chắc khiến kẻ thù khiếp đảm và thú nhận: “Cái đồn lũy này quả xứng đáng với cái tên đồn của thần chết mà nhân dân địa phương đã đặt cho nó”.

Bình luận về sự nghiệp của Hoàng Hoa Thám, một sĩ quan Pháp tên là Hênêcon từng tham gia dẹp khởi nghĩa Yên Thế đã viết: “Khi mặt đất phủ đầy bóng tối đã ló ra dấu tích của ông và đồn Hữu Nhuế (đồn Hố Chuối), tôi cảm thấy mình đang bay bổng cùng huyền thoại về một người anh hùng mà chắc chắn sẽ sáng mãi với các thế hệ người Việt Nam...”.

Còn tướng Pezo Hordes thì viết rằng “Chỉ một nơi dân cư nhỏ bé nhất cũng làm thành một chiến lũy thực sự với một ổ đề kháng có khả năng chống chọi với đại bác”.

Ở Bắc Giang hiện nay có 19 điểm di tích gắn bó mật thiết với khởi nghĩa Yên Thế trải dài các huyện: Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, tất cả đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2012. 136 năm trôi qua, cái chết của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám và nơi để mộ phần ông vẫn đang là một ẩn số đối với giới nghiên cứu sử học. Xung quanh vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau cần làm sáng tỏ.

Bản hùng ca bất diệt

Giữa núi rừng hoang vu là vậy nhưng Yên Thế lại là nơi được người đời ca ngợi hết mực về đời sống tinh thần phong phú, sinh động của nghĩa quân năm xưa. Thủ lĩnh Đề Thám từng nói: “Chúng tôi gắn bó với phong tục của đất nước chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ từ bỏ phong tục ấy dù có phải hy sinh cả tính mạng”.

Và sử cũ cũng chép rằng, khi về Yên Thế hội kiến Hoàng Hoa Thám, chí sĩ Phan Bội Châu đã ngỡ ngàng, thảng thốt trước đồn Phồn Xương và nói rằng: “Những người bị khổ sở về chính quyền bạo ngược đều lấy doanh trại của tướng quân (tức Hoàng Hoa Thám) làm nơi ẩn trú. Vì thế, người rất đông đúc, tiếng gà tiếng chó rộn vang tựa như một cảnh tân đào nguyên của những bậc lánh đời vậy.

Năm nọ, tôi hai lần tới đồn, xem khắp chung quanh, trâu cày từng đội, chim rừng quyện người, đàn bà trẻ con nhởn nhơ tiếng chày rậm rịch, có cái vẻ vui của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng thở than về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người. Tạo lập được một thế giới riêng biệt, thực là một nỗ lực riêng của tướng quân”.

Khởi nghĩa Yên Thế diễn ra từ năm 1884 đến 1913, được đánh giá là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhất, bền bỉ nhất trong lịch sử dân tộc chống thực dân xâm lược trước khi có Đảng lãnh đạo. Trong lần hòa hoãn thứ hai với thực dân Pháp (1897), Hoàng Hoa Thám luôn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của nghĩa quân cũng như nhân dân trong vùng. Ngoài việc cho xây dựng các công trình tín ngưỡng tôn giáo như đình, chùa, hằng năm ông còn cho tổ chức lễ hội cầu may vào dịp đầu xuân, hội cầu siêu vào dịp rằm tháng 7.

Cũng từ đây, ngày hội đã trở thành lệ chung của dân trong vùng: “Đầu năm làm hội, cuối năm làm chay”. Năm nào được mùa hay nghĩa quân giành được thắng lợi thì năm ấy sẽ mở hội to và Đề Thám thường cho mời các thân nhân nghĩa quân đã hy sinh đến để gặp mặt, hỏi han.

Vào ngày hội, ngoài các trò vui chơi như thi cưỡi ngựa bắn cung, bắn súng, săn thú, đua ngựa, vật, đánh cờ, còn có thi thổi cơm, làm cỗ chay, đấu vật, mời phường tuồng ở Thổ Hà, rối nước ở Bắc Ninh về phục vụ đời sống tinh thần cho quân sĩ, nhân dân, Đề Thám còn cho tổ chức ngày hội xuống đồng và các đêm hát xướng vui nhộn, thu hút đông nghĩa quân và nhân dân trong vùng hăng say lao động sản xuất và có lễ phóng sinh, thả điểu thể hiện ước nguyện hòa bình.

Đông Khánh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/ve-yen-the-nho-nhung-nguoi-anh-hung-577029/