'Vẽ' xước khắp xe người khác, bị xử lý thế nào?

Theo luật sư, hành vi cào xước xe người khác có bị truy tố hay không còn phụ thuộc vào giá trị tài sản bị thiệt hại và người bị thiệt hại phải có đơn yêu cầu.

Báo ANTĐ đưa tin, vào chiều tối ngày 28.9, một vụ phá hoại tài sản đã xảy ra ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Trong đó, người phụ nữ ngồi trên chiếc xe ô tô đi vào đường cấm, bị buộc phải lùi xe, nên đã "trả đòn" bằng việc đi theo và cào xước chiếc xe Camry của bà N.N (SN 1967, trú tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai).

Toàn bộ sự việc đã được camera ghi lại. Ảnh chụp màn hình.

Bà N.N cho biết, “Tôi điều khiển xe ô tô loại Camry 2.4 đi trên đường Tam Trinh, đoạn vừa qua chợ đầu mối Đền Lừ, hướng về phía phường Yên Sở. Lúc tôi đi tới gần giữa cầu gặp một ô tô đi chiều đối diện, tiến đối đầu với xe tôi và không cho tôi đi”.

Vì nắm rõ mình đi đúng chiều và cây cầu này không cho ô tô đi ngược chiều, nên bà N đã không chấp nhận lùi xe, khi lái xe đối đầu xuống yêu cầu lùi lại.

“Tôi nhìn rõ lúc đó trên xe đối diện có 2 người phụ nữ. Người cầm lái mặc áo phông đỏ, còn người ngồi ghế phụ mặc váy màu ghi. Họ rất ngang ngược khi định buộc tôi phải lùi xe, trong khi họ đi vào chiều cấm”, bà N cho biết thêm.

Sau đó, một chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ tại khu vực đã tới yêu cầu hai phụ nữ đi sai phải lùi lại để xe của bà N đi qua cầu.

“Về đến nhà, tôi vào cất đồ, sau khoảng 10-15 phút quay ra để cất xe thì thấy toàn bộ chiếc xe bị cào xước, từ biển cho tới thân xe, nóc xe…”, bà N bày tỏ.

Qua trích xuất camera, bà N cho rằng thủ phạm cào xước toàn bộ xe của mình là người phụ nữ mặc váy màu ghi, ngồi ở ghế phụ của chiếc xe đối đầu trên cầu.

Quan sát clip, có thể thấy người phụ nữ thản nhiên đi vòng quanh xe để vạch các vết xước. Sau đó, khi chuẩn bị rời đi, người này nghĩ ngợi một chút rồi quay lại chỗ chiếc Camry, để… đi và vạch xước xe thêm một vòng nữa. Nạn nhân đã tới Công an phường Yên Sở để trình báo sự việc.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của đối tượng là cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.

Tuy nhiên, có đủ yếu tố cấu thành tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” quy định tại điều 143 BLHS 2015 hay không còn phụ thuộc nhiều vào giá trị tài sản bị hư hỏng.

Nếu hành vi này gây thiệt hại từ hai triệu đồng trở lên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Cạnh đó, theo Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo luật sư Hòe, việc có truy tố hay không truy tố vào điều khoản nào phụ thuộc nhiều vào giá trị tài sản bị thiệt hại. Và người bị thiệt hại phải có đơn yêu cầu.

Nếu tài sản bị thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, hành vi này sẽ bị truy tố ở khoản 1, hoặc khoản 2 điều 143 (khung hình phạt cao nhất đến ba năm tù).

Nếu không, hành vi này sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) và phải bồi thường thiệt hại.

Clip vụ việc.

L.Đ.V

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/ve-xuoc-khap-xe-nguoi-khac-bi-xu-ly-the-nao-917070.html