Về xóm núi xem thụ phấn na

Là xã miền núi cửa ngõ của huyện vùng cao Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), năm 2011 La Hiên được chọn làm 3 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện.

 Nhờ thụ phấn nhân tạo, quả na lớn nhanh hơn, người trồng na chủ động được mật độ quả trên cây. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nhờ thụ phấn nhân tạo, quả na lớn nhanh hơn, người trồng na chủ động được mật độ quả trên cây. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Học để làm khác đi

Trong 10 năm qua, La Hiên đã có nhiều giải pháp tích cực xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Đáng kể nhất là cây na được đưa vào trồng thành vùng sản xuất tập trung đã cho doanh thu trên 50 tỷ đồng mỗi năm.

Nhờ trồng na, nhiều hộ dân trong xã có thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu nhập tới 400 triệu đồng/năm. Khảo sát sơ bộ, địa phương có khoảng 60 hộ có thu nhập từ cây na trên 200 triệu/năm trở lên.

Có thể nói, vựa na lớn nhất cả nước tại huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) là “hàng xóm” của huyện Võ Nhai. Những năm qua, người dân La Hiên nếu không được tổ chức theo đoàn thì cũng tự mình đến các vườn na ở Chi Lăng để học hỏi kinh nghiệm.

Vài năm gần đây, họ thừa tự tin rằng na La Hiên không hề “lép vía” na Chi Lăng. Cả về sản lượng và chất lượng, La Hiên cũng đã thành một vựa na lớn, mỗi mùa cung cấp cho thị trường hơn 3.000 tấn quả.

Hiện, na được trồng với tổng diện tích gần 250ha ở 8/16 xóm trong xã, các xóm có nhiều na phải kể đến: Hiên Minh, Hiên Bình, Làng Lai, La Đồng… Nhiều mô hình VietGAP được triển khai tại các xóm. Tháng 7/2018, na La Hiên được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Trưởng xóm Hiên Minh là chị Triệu Thị Luyến, 40 tuổi, dân tộc Dao, cho biết xóm Hiên Minh có diện tích na lớn nhất xã, 175 hộ hầu như hộ nào cũng có na bán, nhà ít thì vài sào, nhà nhiều vài mẫu. Hiện nay na vẫn được trồng bằng hạt, lấy giống từ những cây quả thơm ngon nhất trong vườn. Nghe các cụ nói lại nguồn gốc cây na ở vùng này thì na bản địa cũng có mà na mang từ Hưng Yên lên cũng có.

Trước đây chỉ một số hộ trồng tự phát, đến đầu những năm 2000 thì việc cải tạo đất lúa kém hiệu quả sang trồng na mới thành phong trào. Các hộ có ý định chuyển đổi sang trồng na thường sang bên Chi Lăng để tham quan học hỏi kinh nghiệm. Hồi đầu một số hộ trồng đúng theo công nghệ bên đó, khoảng cách giữa các cây từ 2,5 - 3m. Vì khoảng cách hẹp như vậy nên khi cây lớn rất bất tiện cho chăm sóc, thu hái, quả lại nhỏ.

Vì thế, các vườn sau này khoảng cách giữa các cây đều từ 4 - 5m. Thêm nữa, sau vụ thu hoạch, bà con bên Chi Lăng thường cắt cụt, đốn cành “rất đau”, còn bên La Hiên chỉ tỉa cành tăm và đốn phớt.

Nhưng riêng “công nghệ” thụ phấn cho na thì bà con đi học về thế nào thì làm đúng như thế.

Chị Luyến cho xem dụng cụ thụ phấn, gồm 1 ống bằng nhựa loại nhỏ kiểu trẻ mẫu giáo hay dùng để uống sữa hoặc nước hoa quả. Hoa hái tỉa những bông quá dày hoặc những bông đầu cành thường quả nhỏ, chất lượng thấp, sau đó bóc bỏ cánh hoa rồi gạt phấn vào trong ống, dùng 1 que nhỏ đẩy phấn rơi vào các nhụy hoa định để thành quả. Đơn giản vậy thôi. Phấn của mỗi bông hoa đủ để thụ cho 4-5 bông.

Khi chưa quen việc, mỗi ngày thụ được 300 bông là cùng, còn quen rồi thì “giải quyết” cả nghìn bông. Thời gian na nở hoa trong vòng 1 tháng, hơn mẫu na của chị Luyến cần 2 người thụ trong cả tháng vừa rồi. Nhiều nhà phải thuê người làm với tiền công 200 nghìn đồng/ngày.

Cây na từ khi gieo hạt mất 3 năm là bói lứa quả đầu, thời gian cho quả đến gần 30 năm. Nhờ thụ phấn nhân tạo, quả lớn nhanh hơn, chủ động mật độ quả trên cây, mỗi cây cho đến hơn 3 yến quả, giá bán bình quân từ 25-27 nghìn đồng/kg, đầu mùa lên tới 50 nghìn đồng.

Chị Luyến tính toán mọi chi phí cho 1,2 mẫu na khoảng 30 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng.

Năm nay, dự báo na sẽ được mùa hơn các năm trước. Đồng thời với chất lượng thơm ngon, giá cả hợp lý, nhãn hiệu tập thể “Na La Hiên” cũng giúp người tiêu dùng yên tâm về độ an toàn nên na tiêu thụ dễ dàng. Nhờ cây na, xóm đã hoàn toàn xóa nghèo từ mấy năm trước đây.

“Khổ” vì được mùa

Trong khi chị Luyến và một số hộ khác vẫn đang tiếp tục thụ phấn để thêm vụ na muộn thì gia đình chị Mai lại phải vặt bỏ bớt quả trên cây. Chị Mai than thở, năm nay mưa bão rồi nắng nóng thế mà na vẫn sai quả, những bông hoa người không thụ thì nó cũng tự thụ. Những quả méo này là nó tự thụ đấy. Đây, cây bé tí mới trồng được 4 năm, sai từ gốc đến ngọn, chị phải vặt bỏ 60 quả, chỉ để trên cây 120 quả. Riêng vặt bỏ quả cũng mất đến mấy ngày, mất mùa khổ đã đành, được mùa cũng đến khổ!

Người trồng na cũng mất nhiều công tỉa quả vì cây quá sai quả. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nhà chị Mai có 2 mẫu na thì 1,7 mẫu làm theo tiêu chuẩn VietGAP, 3 sào còn lại do vị trí ở gần mỏ đá dính bụi bặm nên không đạt tiêu chuẩn. Đến mùa thụ phấn, nhà chị có 3 người làm thay công việc của ong trong gần 2 tháng.

Kinh nghiệm của chị Mai là cắt tỉa quả đầu cành để lại những quả gần thân, khi đó quả sẽ đủ dinh dưỡng, to nhanh, mập mạp, khi chín thơm và ngọt. Na chính vụ cứ để tự nhiên nhưng nếu làm na trái vụ thì phải bọc quả để tránh bị ruồi vàng làm hỏng.

Na là loại quả vừa ngon vừa lành, tốt cho sức khỏe và hợp khẩu vị với cả người già và trẻ nhỏ nên dễ bán. Trái vụ giá cao tới cả trăm nghìn/kg vẫn nhiều người mua. Vườn na Thành Mai cũng là địa chỉ yêu thích của nhiều thương lái. Năm nào na nhà chị Mai cũng thuộc hàng đầu về cả sản lượng và chất lượng. Nhà chị có cây na “siêu sai” cho thu hái 300 quả mùa năm ngoái, mỗi quả từ 3 - 5 lạng. Quả na to nhất của xóm nặng đến 8 lạng, múi dày, thơm đậm và ngọt sắc.

Anh Thành, chồng chị Mai chia sẻ: Nếu 1ha trồng lúa 1 vụ/năm sẽ cho 4,8 tấn thóc. Với giá bán như hiện nay là 6 nghìn đồng/kg, mỗi năm người nông dân thu 28,8 triệu đồng. Nếu trừ các chi phí như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì không có lãi. Nếu chuyển đổi diện tích đất trên sang trồng na, sẽ trồng được 657 cây.

Trung bình mỗi cây cho thu 20kg quả, người nông dân sẽ có thu nhập 270 triệu đồng, cao gấp 9,4 lần so với trồng lúa. Hơn nữa, sản xuất theo quy trình VietGAP, gia đình anh mất khá nhiều công xới cỏ chứ không phun thuốc diệt cỏ, các loại phân bón cũng là phân chuồng, phân hữu cơ góp phần bảo vệ tài nguyên đất, môi trường…

Chị Mai dự tính khoảng hơn 1 tháng nữa sẽ có na chín đầu mùa, mấy năm trước xã cũng đã liên kết với một số siêu thị lớn tại Hà Nội để thu mua cho một số hộ gia đình, song hầu hết na vẫn được bán tại vườn, mặc dù giá thấp hơn thị trường khá nhiều nhưng thương hiệu na La Hiên ngày càng được mọi người biết đến và tin tưởng. Đây cũng chính là niềm động viên để người trồng na càng quan tâm hơn đến sản xuất an toàn, vì sức khỏe của người tiêu dùng và cộng đồng.

Từ việc phát triển cây na, La Hiên đã trở thành một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế cao hàng đầu ở huyện Võ Nhai với mức thu nhập bình quân hiện đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm, tăng 12 triệu so với năm 2015, cao hơn mức bình quân chung của toàn huyện. Huyện Võ Nhai cũng đã phát triển cây na ở nhiều xã như: Phú Thượng, Lâu Thượng, Dân Tiến theo mô hình sản xuất cây ăn quả an toàn VietGAP, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún truyền thống sang hướng sản xuất tập trung, an toàn, chất lượng cao, tăng hiệu quả kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới...

Đồng Văn Thưởng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/ve-xom-nui-xem-thu-phan-na-d268429.html