Vé xe buýt thông minh không còn phù hợp, yêu cầu đánh giá lại

Theo kế hoạch, TPHCM sẽ chi hàng trăm tỉ đồng để triển khai vé xe buýt điện tử với mục đích hiện đại hóa, kéo người dân đi xe buýt tăng lên. Tuy nhiên, sau 4 năm từ khi dự án được UBND TPHCM phê duyệt, đến nay dự án đã không còn phù hợp với tình hình thực tế và được yêu cầu đánh giá lại.

TPHCM cần phát triển thẻ điện tử đối với hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Ảnh: M.Q

Chưa áp dụng đã lạc hậu

Năm 2015, UBND TPHCM đã duyệt dự án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt” theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) với tổng mức đầu tư gần 263 tỉ đồng. Chi phí quản lý vận hành trong 10 năm là hơn 321 tỉ đồng.

Theo đó, dự án sẽ lắp đặt thiết bị soát vé trên tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TPHCM, bao gồm lắp đặt thiết bị soát vé điện tử trên xe, cài đặt thiết bị trạm tại đại lý bán vé, phòng hỗ trợ hành khách, triển khai thiết bị soát vé cầm tay.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TPHCM, ưu điểm của loại vé điện tử là chỉ cần một loại vé duy nhất, hành khách có thể dễ dàng nạp tiền vào thẻ từ các kênh thanh toán điện tử.

Với vé điện tử, hành khách không còn phải xếp hàng mua vé lượt như hiện nay; việc kiểm soát vé trên xe cũng nhanh hơn, mang lại sự tiện lợi cho người dân khi đi xe buýt.

Ngoài ra, vé xe buýt điện tử còn khắc phục tình trạng gian lận vé, vé giả, hạn chế rủi ro thu phải tiền giả, tiền rách. Bên cạnh đó, loại vé điện tử cũng giúp cơ quan quản lý thu thập đầy đủ thông tin về nhu cầu đi lại của người dân phục vụ công tác quản lý, phân tích, quy hoạch mạng lưới tuyến; cũng như kiểm soát công tác trợ giá hiệu quả; linh hoạt triển khai chính sách giá vé nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Dự án dự kiến sẽ cung cấp toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai giải pháp phần mềm, đào tạo nhân lực và thực hiện vận hành hệ thống vé điện tử. Thời gian thực hiện từ năm 2015 đến năm 2017.

Tuy nhiên, theo ông Trần Chí Trung - GĐ Trung tâm vận tải hành khách công cộng, năm 2017 TPHCM đấu thầu quốc tế dự án vé điện tử xe buýt nhưng không thành công. Nguyên nhân do ngân hàng nhà nước chưa duyệt khung tiêu chuẩn cho vé điện tử.

Theo ông Trung, hiện nay sau 4 năm, tiêu chuẩn và công nghệ đã phát triển rất nhanh, trong đó sử dụng cả điện thoại thanh toán. Vì vậy, Sở kế hoạch đầu tư TPHCM đã yêu cầu Sở GTVT TPHCM đánh giá lại toàn bộ dự án.

Cần vé điện tử liên thông

Đề án “Đầu tư hệ thống vé điện tử thông minh trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt” được hiểu là chỉ áp dụng đối với loại hình vận tải bằng xe buýt. Như vậy, khác nào sau này các tuyến tàu điện đi vào sử dụng, người dân sẽ lại phải sử dụng một loại thẻ khác.

Theo các chuyên gia, TPHCM nên nghiên cứu đưa vào sử dụng vé điện tử liên thông. Đây là một tấm thẻ có thể sử dụng để đi xe buýt, tàu điện hay bất cứ loại hình vận tải công cộng nào trên địa bàn TPHCM.

Theo TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và quản lý TPHCM - để triển khai được vé điện tử liên thông, việc đầu tiên TPHCM cần hợp chuẩn tất cả các công nghệ đang áp dụng trên mọi loại hình vận tải công cộng theo một thông số kỹ thuật chung. Đơn cử như các tuyến đường sắt đô thị, hiện có công nghệ của Pháp, Nhật Bản, rồi mai kia có thể là Hàn Quốc, Mỹ…

Mỗi công nghệ áp dụng chuẩn kỹ thuật khác nhau, muốn chiếc vé điện tử thật sự liên thông sử dụng được trên tất cả loại hình vận tải công cộng, cần phải can thiệp kỹ thuật hoặc yêu cầu đơn vị phát triển, vận hành tự đáp ứng thông số chuẩn ngay từ bước xây dựng tuyến, lắp đặt phương tiện. Khi quy chuẩn mọi tuyến vận tải công cộng rồi TPHCM sẽ cần một trung tâm quản lý, khai thác vé điện tử để đảm trách mọi vấn đề liên quan đến vé như: Thu tiền, chi trả cho đơn vị thực hiện vận tải; giám sát vận hành, sửa chữa, bảo trì…

Việc thực hiện vé điện tử liên không thể hoàn thành trong một sớm một chiều, TPHCM nên đưa vé điện tử vào sử dụng trước khi các tuyến đường sắt đô thị hoàn thành và khai thác thương mại. Bởi, nếu có vé điện tử trước, áp dụng cho xe buýt, khi tàu điện đi vào hoạt động sẽ có ngay một lượng khách chuyển thẳng từ xe buýt sang bằng vé liên thông, cực kỳ thuận tiện cho hành khách cũng như tạo điều kiện cho đường sắt đô thị sớm bắt nhịp với mạng lưới vận tải công cộng của TPHCM.

Bên cạnh đó, vé điện tử liên thông với những lợi thế của nó sẽ góp phần thu hút mạnh mẽ lượng người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để đến với vận tải công cộng.

MINH QUÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/ve-xe-buyt-thong-minh-khong-con-phu-hop-yeu-cau-danh-gia-lai-628187.ldo