Về vùng căn cứ năm xưa

Với địa thế hiểm trở, vùng đất Tịnh Bình (Sơn Tịnh) được chọn để xây dựng nhiều cơ sở cách mạng, trong đó có căn cứ núi Đá Ngựa. Nơi đây ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân ta.

Tự hào căn cứ núi Đá Ngựa

Núi Đá Ngựa ở xóm Hòa Hạ, thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) là một ngọn núi có nhiều khối đá to nhỏ chồng lên tạo ra những hang, khe, ngõ liên thông với nhau. Trong đó có một hang lớn rất kiên cố. Với địa thế hiểm trở, thuận lợi nên địa điểm này được chọn để xây dựng vùng căn cứ đứng chân của bộ đội tỉnh, huyện và các đội công tác trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Căn cứ núi Đá Ngựa, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) giờ được phủ màu xanh của cây rừng, bên dưới là những ngôi nhà yên bình. Ảnh: KIM NGÂN

Ông Hà Mãn (bệnh binh 2/4), ở thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình kể: Núi Đá Ngựa là địa danh đầy tự hào của quân và dân ta trong kháng chiến. Đá Ngựa có núi rừng liên hoàn với rừng Tịnh Hiệp phía tây và xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) phía bắc, từ đây các lực lượng hoạt động trú chân, bố trí phòng vệ, khi bị động quân ta có thể di chuyển về hướng tây qua núi Lớn, xã Tịnh Hiệp lên huyện Trà Bồng. Địa thế hiểm trở, núi Đá Ngựa như lòng mẹ che chở, trở thành nơi “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Nhờ thế mà bộ đội, du kích địa phương mới có điều kiện hoạt động lâu dài cho đến ngày giải phóng đất nước (30.4.1975).

Từ năm 1955 - 1960, Huyện ủy Sơn Tịnh chọn núi Đá Ngựa để xây dựng thành căn cứ hoạt động. Ban ngày, các đội công tác của huyện trú ẩn tại căn cứ, ban đêm phân công về các làng, xã hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức tiêu diệt địch. Tại đây, nhân dân địa phương đã đào thêm một địa đạo dài 150m để bộ đội và dân quân du kích trụ bám chiến đấu khi địch tấn công vào căn cứ. Từ năm 1961 - 1965, các đồng chí Phạm Thanh Biền - nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Lê Tấn Tỏa - nguyên Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Kim Thanh - Ủy viên Khu ủy Khu 5... từng ở địa đạo này để kịp thời chỉ đạo Chiến dịch Ba Gia, vào tháng 5.1965.

Trước phong trào đấu tranh du kích phát triển mạnh mẽ tại địa phương, Mỹ - ngụy thường dùng không quân đánh phá vào Căn cứ núi Đá Ngựa. Nơi đây cũng đã ghi dấu sự hy sinh quả cảm của 16 chiến sĩ Tổng đội Thanh niên xung phong đang trú chân.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, những dấu tích của vùng căn cứ năm xưa vẫn còn đó. Dù trải qua thời gian, núi Đá Ngựa không còn giữ được nét đẹp hoang sơ như trước, nhưng vẫn phủ bóng rừng xanh và là niềm tự hào của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Bình TRẦN VĂN MẪN

Vùng đất kiên trung

Trong kháng chiến, người dân Tịnh Bình một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Vùng đất này từng hứng chịu nhiều đợt càn quét của địch, chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh. Tại đây, lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã gây ra vụ thảm sát xóm Hòa Tây vào ngày 2.10.1966.

Cựu chiến binh Hà Mãn (bên trái) kể lại những năm tháng chiến đấu ác liệt tại căn cứ Đá Ngựa. Ảnh: K.Ngân

Ông Nguyễn Bạc (70 tuổi) - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Bình dẫn chúng tôi đến thăm di tích nơi xảy ra vụ thảm sát. Gạt giọt lệ trên khuôn mặt đầy vết chân chim, ông Bạc kể lại: “Tại địa điểm này, cùng với nhiều người dân vô tội, mà đa số là phụ nữ, trẻ em, thì cha tôi là ông Nguyễn Trừng (khi ấy 55 tuổi), anh trai Nguyễn Văn Tại (19 tuổi) và cậu ruột Lê Văn Châu (40 tuổi) đều bị lính Nam Triều Tiên ngày ấy sát hại dã man”. Sau vụ thảm sát, để trả nợ nước thù nhà, mới 15 tuổi, ông Bạc tham gia làm liên lạc cho Đội Công tác xã, rồi trở thành du kích địa phương. Ông Bạc cầm súng chiến đấu đến ngày giải phóng quê hương.

Giờ đây, đôi mắt không còn tinh anh, đôi chân không còn nhanh nhẹn, nhưng người cựu chiến bình với 55 tuổi Đảng này vẫn còn nhớ như in những ngày đau thương ấy...

KIM NGÂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202106/ve-vung-can-cu-nam-xua-3061512/