Về với mùa nước nổi miền Tây

Lâu lắm rồi, từ hồi 2011 đến giờ, người dân miền Tây mới tái ngộ mùa nước nổi đúng nghĩa.

Ngư dân thả lưới bắt cá đồng trong mùa nước nổi ở túi nước Đồng Tháp. Ảnh: TL

Ngư dân thả lưới bắt cá đồng trong mùa nước nổi ở túi nước Đồng Tháp. Ảnh: TL

“Năm nay con nước lớn, nguồn thủy sản nhiều nên công việc mưu sinh cũng khấm khá. Từ hôm nước tràn ngập trắng đồng đến nay, ngày nào tôi cũng kiếm được trên dưới 200 ngàn đồng từ nghề giăng lưới, nhờ vậy gia đình tôi “sống khỏe” qua mùa nông nhàn này,” ông Tào Văn Minh, người ở xã Bình Thạnh, Hồng Ngự, Đồng Tháp, khoe.

Năm nay, con nước về sớm và nước tràn đồng, ngập sâu hơn mọi năm nên việc mưu sinh mùa lũ của ngư dân vùng biên giới tỉnh Đồng Tháp được thuận lợi. Những sản vật mùa nước nổi đa dạng mà thiên nhiên ban tặng trong lũ về đã giúp nhiều hộ dân nơi đây “sống khỏe” với nhiều nghề như đánh bắt cá tôm, câu ếch đồng, hái bông súng…

Thời điểm này, nước đã trắng xóa các cánh đồng tại xã Bình Thạnh, TX. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Đây là địa phương được xem là rốn lũ của vùng biên giới. Hơn một tháng nay, ngày nào ông Minh cũng thức dậy và ra đồng từ sáng sớm để bắt đầu nghề câu, lưới.

Nước nổi mỗi nơi ở miền Tây đều có không khí riêng. Năm ngoái nước chỉ cao hơn năm trước có nửa thước. Chúng tôi, những người ghiền sống không khí mùa nước nổi, ba giờ sáng từ Cao Lãnh, Đồng Tháp thuê xe qua Tịnh Biên, An Giang, đến một bến cá, nơi ngư dân đánh cá cả đêm về bán. Mùa nước nổi năm rồi chỉ như vậy. Không khí khá lặng lẽ ở những nơi khác.

Mùa nước nổi năm 2011 ở túi nước Tứ giác Long Xuyên. Trong ảnh là cảnh nước ở Trà Sư vào khoảng tháng 8/2011. Ảnh: CK

Đồng bằng sông Cửu Long có hai “túi nước” tự nhiên khổng lồ là vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, với khả năng tích trữ hơn 9 tỷ m3 nước trong mùa nước nổi mỗi vùng. Tứ giác Long Xuyên bao gồm các tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Còn Đồng Tháp Mười gồm các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An.

Năm 2011 chúng tôi tiếp cận túi nước Tứ giác Long Xuyên. Từ TP.Long Xuyên, chúng tôi đi xe gắn máy đến Trà Sư. Và sống với mùa nước nổi từ ba giờ sáng đến chiều tối được mấy ngày. Cả một khu Trà Sư nước mênh mông và gió lồng lộng. Nhiều người dân có nhà giữa đồng trống phải tìm biện pháp gia cố căn nhà bằng dây thép. Từ ba giờ sáng chợ cá xã Văn Giáo gần Trà Sư đã nhộn nhịp ghe thuyền đổ về cân cá.

Năm nay túi nước Đồng Tháp là cơ hội thu nhập cho nhiều người dân. Du lịch từ TP.HCM cũng dễ tiếp cận túi nước này hơn. Hứa hẹn một mùa nước nổi phong phú cho địa phương và dân du lịch.

Cá linh non mùa nước nổi – loại sản vật mà mỗi khi nhắc đến con nước về miền Tây là ai cũng nghĩ đến. Ảnh: CK

Bên cạnh các đê bao khép kín sản xuất 3 vụ, các cánh đồng xả lũ ở xã An Bình B hay phường An Lạc,… nước đã ngập rất sâu. Phần lớn bà con theo nghề đánh bắt thủy sản đều cho rằng, những cánh đồng xả lũ là nơi tập trung rất nhiều thủy sản mùa nước nổi, độ sâu con nước cũng giúp dễ dàng di chuyển hơn.

Tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự, thời điểm này cánh đồng xả lũ ở các xã: Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B và Thường Lạc nước đã ngập đồng. Chị Lê Thị Không, dân ở xã Thường Thới Hậu A, cho biết: “Những nơi có đê bao khép kín thì làm ba vụ lúa còn ở đây là đê bao xả lũ nên phải kiếm thêm nghề khác để làm. Như mùa lũ này, mình đi đánh bắt cá, chứ cũng đâu có thất nghiệp. Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn, đủ trang trải cuộc sống”.

Những ngày này, người dân tất bật khai thác, đánh bắt cá tôm và các loài thủy sản, sản vật mùa nước nổi. Mỗi gia đình chuẩn bị vài chục bộ ngư cụ, câu lưới, lờ lọp để bắt cá, tôm kiếm thêm thu nhập.

Năm nào cũng vậy, khi kết thúc hai vụ lúa và con nước tràn đồng, ông Võ Tấn Lợi, phường An Lạc, Hồng Ngự, lại dọn ngư cụ, đồ đạc sinh hoạt cá nhân lên xuồng để đánh bắt thủy sản. Dụng cụ của ông là khoảng 100 ngư cụ có mắt lưới thưa để đặt bắt cá chạch, tôm tép đồng.

Đặng Kính tổng hợp

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/tin-doanh-nghiep-c-159/thoi-su-tieu-dung-c-178/ve-voi-mua-nuoc-noi-mien-tay-97271.html