Về việc Trung Quốc tài trợ nghiên cứu đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Nói không với dự án ảnh hưởng an ninh quốc phòng

'Trong dự án đường sắt này, không ai biết mục đích phía sau là gì, lợi cho ai, có liên quan gì đến vấn đề an ninh quốc phòng hay không? Chúng ta không có lý do gì, cũng không có bất cứ ràng buộc gì để thực hiện dự án này', TS Đỗ Đức Định cho biết.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một bài học khi vội vã nhận nguồn đầu tư từ bên ngoài

Viện trợ không phải là vay nợ

Chiều 25/11, Bộ Giao thông Vận tải thông tin về việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Theo đó, năm 2015, trên cơ sở kết quả các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước, Chính phủ Trung Quốc đã cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu NDT (hơn 32 tỷ đồng) để Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt này.

Đến nay, Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc (đơn vị tư vấn) đã lập quy hoạch dự kiến toàn tuyến dài 392 km với 38 ga, chạy chung tàu khách và tàu hàng.

Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các địa phương để xin ý kiến về phương án hướng tuyến, vị trí nhà ga trên tuyến làm cơ sở dành quỹ đất phục vụ dự án đầu tư trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu sẽ được Cục Đường sắt Việt Nam xem xét, tiếp thu trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn đến năm 2030, định hướng 2050 để trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, đơn vị tư vấn dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Chi phí này được tính toán do việc đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt khổ 1,435 m theo tiêu chuẩn để kết nối với các tuyến đường sắt trong khu vực.

Tuyến đường sắt cũ Hà Nội - Lào Cai khổ một mét hiện nay sẽ không sử dụng sau khi có tuyến đường sắt mới. Hiện tư vấn Trung Quốc đang hoàn thiện báo cáo cuối kỳ của quy hoạch. Dự án sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua về chủ trương đầu tư.

PGS.TS Đỗ Đức Định, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&XH Việt Nam khẳng định, ngay cả khi việc khảo sát đã hoàn thành thì Việt Nam vẫn hoàn toàn có quyền dừng lại, không tiếp tục triển khai dự án. Bởi đây là số tiền viện trợ khảo sát không hoàn lại từ phía Trung Quốc. Việc thấy chưa chưa cần thiết thì dừng, không ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước.

“Cần phải dừng ngay những dự án tương tự. Bởi bài học từ các nhà máy gang thép đắp chiếu, đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn đó. Nó đã gây tốn kém rất nhiều tiền của. Chúng ta còn nhiều hạng mục giao thông khác cần đầu tư. Thay vì chọn nhà thầu quốc tế thì hãy chọn nhà thầu trong nước, tự làm, tự chịu trách nhiệm, tránh bị phụ thuộc.

Trong dự án đường sắt này, không ai biết mục đích phía sau là gì, nó làm lợi cho ai, có liên quan gì đến vấn đề an ninh quốc phòng hay không? Chúng ta không có lý do gì, cũng không có bất cứ ràng buộc gì để thực hiện dự án này”, TS Đỗ Đức Định cho biết.

Nói không với những dự án có nguy cơ

“Tôi nhớ đến việc khi chúng ta mời đơn vị độc lập vào nghiệm thu, khảo sát dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì có đến 7/12 hạng mục không có gì để thẩm định. Nghĩa là không có bất cứ dữ liệu nào để có thể thẩm định, cũng không cam kết thời gian hoàn thành là khi nào, bởi thế mà cứ dây dưa đến tận bây giờ.

Bài học về những dự án nhận viện trợ, đi kèm những ràng buộc từ phía một số nhà thầu Trung Quốc buộc chúng ta phải xem lại những dự án trong tương lai. Kiên quyết nói không với những dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh quốc phòng”, TS Đỗ Đức Định cho hay.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải cho rằng, dù việc khảo sát đã xong, thì việc dừng lại, không tiếp tục đầu tư cũng là điều bình thường. “Tôi nghĩ khi Quốc hội xem xét về dự án, cần phải lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học.

Các đại biểu Quốc hội chắc hẳn cũng có những bài học, những điều rút ra từ các dự án trì trệ bởi nhà thầu Trung Quốc. Chúng ta không thể nối dài sai lầm. Nhất quyết nói không với dự án tiềm ẩn rủi ro, lãng phí, không hiệu quả”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, nhìn vào dự án này có thể thấy, nếu đầu tư thì thu lợi rất ít, mà lợi nhất là phía đối tác. Khi họ đưa được hàng ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu thuận lợi, với chi phí thấp hơn đi đường sắt qua nước họ.

Chưa kể, liệu chúng ta có đủ sức, đủ trình độ để kiểm soát hàng hóa trên những đoàn tàu đó, nhằm ngăn chặn sự trà trộn để lấy xuất xứ hàng Việt Nam rồi chở thẳng ra cảng Lạch Huyện xuất khẩu? Xét về mặt lợi ích, chi phí, nợ công hiện nay, rõ ràng dự án này chưa nên làm.

“Nếu có làm dự án trên và tư vấn có tâm, phải có phương án tận dụng các tuyến đường sắt hiện hữu. Tận dụng dự án đường sắt khổ 1.435mm Yên Viên – Cái Lân đang “đắp chiếu” một số đoạn. Chúng ta cần cẩn trọng với các tư vấn được tài trợ.

Họ thường đưa ra phương án có lợi cho bên bỏ tiền. Bài học tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vẫn còn đó. Việc khảo sát xong chỉ mang tính tham khảo, không bắt buộc phải thực hiện”, bà Phạm Chi Lan phân tích.

Chi Phong

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ve-viec-trung-quoc-tai-tro-nghien-cuu-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-noi-khong-voi-du-an-anh-huong-an-ninh-quoc-phong-4049860-b.html