Về việc nhân viên tạp vụ 'đội lốt' bác sỹ tại Bình Dương: Sai đột xuất một cách… có kế hoạch

Sở Y tế Bình Dương thừa nhận việc sử dụng nhân viên tạp vụ làm công tác khám bệnh cho công nhân là sai. Tuy nhiên, đây chỉ là… sai đột xuất, không thường xuyên. Tuy nhiên, theo bằng chứng thì sai phạm này là… có kế hoạch.

Bà Ngân với hai vai trò: Nhân viên tạp vụ & bác sĩ khám sức khỏe. Ảnh: CTV

Ngày 20/12, trao đổi với PV Báo GD&TĐ, bác sĩ Huỳnh Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở đã thành lập đoàn thanh tra rà soát lại tất các thông tin liên quan đến Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường (SKLĐ-MT).

Chỉ là… sai đột xuất

Những ngày qua, dư luận rất quan tâm việc một nhân viên tạp vụ ở Bình Dương được đơn vị nơi mình công tác “hô biến” thành bác sĩ. Người này có mặt trong đoàn y bác sĩ đi khám cho công nhân.

Qua tìm hiểu, nhân viên tạp vụ này là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà Ngân có thâm niên 8 năm ở Trung tâm SKLĐ-MT tỉnh Bình Dương. Mặc dù không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề và không đủ điều kiện để tham gia hoạt động chuyên môn về khám bệnh nghề nghiệp, sức khỏe nhưng bà được trung tâm “hô biến” thành bác sĩ khám cho công nhân các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngày 5/12, bà Ngân được giám đốc trung tâm cử tham gia đoàn y bác sĩ đi khám bệnh tại một công ty nằm trong KCN VSIP 2. Sự việc đã được công luận phát hiện.

Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương thừa nhận việc sử dụng bà Nguyễn Thị Kim Ngân, nhân viên tạp vụ, làm công tác khám bệnh cho công nhân là sai. Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế Bình Dương cũng cho rằng, đây chỉ là đột xuất, không thường xuyên.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Hồ Hoàng Vân - Giám đốc Trung tâm SKLĐ-MT Bình Dương thừa nhận có việc để bà Ngân tham gia vào đội ngũ cán bộ y tế khám sức cho công nhân. “Việc cho bà Ngân là tạp vụ ngồi khám sức khỏe cho công nhân là sai, không đúng quy định.

Đây là không phải việc là thường xuyên, chỉ thỉnh thoảng những khi thiếu người thì trung tâm mới bổ sung bà Ngân vào để khám. Tuy nhiên, công việc của bà Ngân chỉ đo huyết áp và mạch bằng máy” - ông Hồ Hoàng Vân thông tin.

Trong bảng phân công việc khám sức khỏe ngày 5/12, bà Ngân được có tên nằm trong kế hoạch của trung tâm, không phải đột xuất. Bà Ngân được phân công là M.HA (đo mạch, huyết áp) và thường xuyên được bố trí công việc này ở nhiều địa điểm.

Theo phản ánh của một số công nhân, trong quá trình khám bệnh, bà Ngân mặc blouse trắng, đo mạch, huyết áp, sau đó ghi kết quả vào hồ sơ bệnh án. Nhiều lần, công nhân bắt gặp buổi sáng bà Ngân tham gia đoàn khám bệnh ở công ty xong, buổi chiều về lại trung tâm tiếp tục công việc tạp vụ, dọn dẹp vệ sinh nơi này.

 Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường tỉnh Bình Dương, nơi diễn ra vụ việc. Ảnh CTV

Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường tỉnh Bình Dương, nơi diễn ra vụ việc. Ảnh CTV

Phó Giám đốc Sở: Nhìn ảnh là thấy sai rồi!

“Đoàn thanh tra gồm 8 thành viên. Đặc biệt là có phối hợp với bên an ninh (công an). Thời gian bắt đầu tiến hành thanh tra vào sáng 23/12 và có thời hạn 30 ngày, bao gồm rà soát lại tất cả các hoạt động của trung tâm” - bác sĩ Huỳnh Thanh Hà thông tin.

Ông Hà cho hay: “Chỉ cần nhìn cái hình thôi đã thấy là không đúng rồi. Dù có biện minh gì thì để nhân viên tạp vụ ngồi vị trí khám sức khỏe cho công nhân là sai… Muốn ra quyết định đình chỉ thì phải có cơ sở. Phải đợi đoàn thanh tra có kết luận và Sở sẽ xử lý theo mức độ vi phạm. Việc này tôi nghĩ sẽ nhanh thôi”.

Về thông tin bà Ngân được xếp vào ghế nhân viên y tế khám sức khỏe không chỉ một lần, ông Hà cho rằng, nhiều lần thì càng sai. Có cả quy trình phân công cụ thể, điều này cho thấy sai phạm của người quản lý trung tâm.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng báo chí vừa qua phản ánh có những từ ngữ chưa đúng. Ví dụ “biến nhân viên tạp vụ thành bác sĩ khám sức khỏe” dễ gây hiểu nhầm. Vị trí bác sĩ người ta đâu có ngồi đo huyết áp, mạch trong khám sức khỏe, mà thường là y tá, y sĩ. Thực tế bà Ngân chỉ đo mạch và huyết áp bằng máy. Tuy nhiên, theo quy định về chuyên môn thì làm như vậy là sai.

Nói về công tác thanh kiểm tra các cơ sở y tế trên địa bàn, bác sĩ Hà cho rằng công tác này được tiến thành thường xuyên. Tuy nhiên, trên địa bàn Bình Dương có trên 60 cơ sở có chức năng khám sức khỏe như vậy nên lực lượng thanh tra của ngành thì mỏng (có 3 người) đồng thời mỗi khi đi thanh tra phải phối hợp với nhiều lực lượng liên ngành nên chỉ thanh kiểm tra một số cơ sở chứ không đảm bảo 100%.

Được biết, Trung tâm SKLĐ-MT có chức năng thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp của người lao động, khám cấp giấy chứng nhận sức khỏe trong công tác tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, cơ quan đơn vị; Thực hiện khám sức khỏe định kỳ tại các cơ quan doanh nghiệp...

Bộ Y tế vào cuộc

Liên quan đến vụ việc, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn đề nghị Sở Y tế Bình Dương chức xác minh. Tăng cường thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế, kiểm tra, thanh tra hoạt động khám sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của sở Y tế. Chỉ đạo, hướng dẫn các khoa, phòng có liên quan đến hoạt động khám, cấp giấy khám sức khỏe, giấy ra viện, nghiêm túc thực hiện các quy định liên quan đến công tác khám sức khỏe và cấp giấy ra viện. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khám, cấp giấy khám sức khỏe và cấp giấy ra viện.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương cần thiết lập hệ thống theo dõi, cập nhật hằng ngày việc khám, cấp giấy khám sức khỏe, cấp giấy ra viện nhằm hạn chế việc làm giả. Phối hợp cơ quan báo chí, chính quyền, lực lượng công an trên địa bàn để ngăn chặn, phát hiện và xử lý các trường hợp cố ý làm trái quy định trong hoạt động khám chữa bệnh và khám sức khỏe.

Như Ý

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ve-viec-nhan-vien-tap-vu-doi-lot-bac-sy-tai-binh-duong-sai-dot-xuat-mot-cach-co-ke-hoach-4054246-b.html