Về Văn Giang thưởng thức đặc sản bánh răng bừa

Bánh tẻ đặc sản Văn Giang, Hưng Yên được kết hợp từ nhiều nguyên liệu bình dị của làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, từ những nguyên liệu chính trong các bữa ăn như thịt, mộc nhĩ, hành, đỗ xanh… nhưng lại gây thương nhớ cho những thực khách nào đã từng thưởng thức.

Ghé thăm thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên vào một ngày thu với tiết trời hơi se lạnh, mùi thơm từ những mẻ bánh răng bừa lan tỏa khắp làng quê. Với những du khách đến đây nếu đã thưởng thức qua món bánh này thì chắc hẳn sẽ không bao giờ quên vị ngọt của thịt, vị giòn của mộc nhĩ cùng với mùi thơm của hành và lá dong.

Những chiếc bánh nhỏ xinh được gọi với cái tên giản dị, gắn liền với nông nghiệp: bánh răng bừa.

Để hiểu rõ hơn về các công đoạn làm ra những chiếc bánh răng bừa nhỏ xinh khiến biết bao người mê mẩn, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất gia truyền Hương Tú thuộc thị trấn Văn Giang. Cơ sở sản xuất này mỗi ngày cung cấp hàng nghìn chiếc bánh ra thị trường để phục vụ các dịp lễ hội, cưới hỏi, hội nghị cũng như bán cho những khách hàng ghé qua cơ sở.

Trò chuyện với một nghệ nhân đã có kinh nghiệm làm bánh tẻ hàng chục năm tại cơ sở Hương Tú, bà chia sẻ các công đoạn để tạo ra một chiếc bánh răng bừa đúng vị đặc sản vùng Văn Giang.

Những chiếc bánh răng bừa được những nghệ nhân làm từ sáng sớm, nhất là vào những ngày cuối tuần khi nhu cầu thị trường tăng cao.

Cũng như những nơi khác bánh răng bừa Văn Giang trải qua khá nhiều công đoạn. Gạo tẻ ngon đem ngâm vài tiếng rồi xay nhuyễn với nước vôi trong thành bột nước. Tiếp theo, các nghệ nhân đem bột nước đun dưới ngọn lửa liu riu, khuấy đều tay cho bột sánh mịn để đạt độ chớm chín, mà nhiều người gọi là chín dở, rồi bắc ra, khuấy đều cho bột không bị vón, để nguội rồi làm bánh.

Việc khuấy bột này dành cho người tay khỏe, vì đó là công đoạn quyết định sự thành công của mẻ bánh. Bột phải chín dở nhưng đều, không vón, không sượng.

Điều đặc biệt làm nên hương vị đặc trưng cho bánh răng bừa Văn Giang là sự hòa hợp của 2 loại gạo si 23 và gạo tẻ thơm.

Một yếu tố quan trọng để làm nên điều đặc biệt của bánh răng bừa Văn Giang so với các nơi khác đó chính là nhân bánh. Theo các nghệ nhân thì nhân bánh răng bừa có 2 loại: Loại thứ nhất là nhân mặn gồm có thịt băm và mộc nhĩ; loại thứ hai là nhân ngọt gồm có nhân đỗ xanh mộc nhĩ.

Thịt sau khi thái thớ thì thái nhỏ ra, mộc nhĩ cũng được băm nhỏ và xào riêng từng loại, chỉ khi bắt đầu làm mới trộn đều nhân. Tương tự với bánh nhân đậu xanh, đậu xanh sau khi được xôi chín thì được nêm nếm gia vị sau đó xào chung với mộc nhĩ và hành khô để tạo độ béo ngậy.

Bánh răng bừa có 2 loại nhân để đáp ứng sở thích của các thực khách.

Sau khi vỏ bánh và nhân bánh đã được chuẩn bị, công đoạn tiếp theo chính là gói và luộc bánh. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải thật khéo và nhanh tay, làm thế nào để ra bột thật đều và nhân bánh vừa đủ để bánh không bị ngấy. Luộc bánh cũng phải căn giờ luộc sao cho bánh không bị chín quá, làm mất đi vị béo ngậy của bánh.

Để tạo nên màu xanh hấp dẫn cho bánh răng bừa Văn Giang không thể thiếu được lá dong.

Sự kết hợp giữa thứ bột dẻo thơm, nhân bánh béo ngậy và lá dong đã đưa những chiếc bánh răng bừa Văn Giang đến khắp mọi miền của đất nước. Nếu có dịp đến với thị trấn Văn Giang, hãy ghé đến thăm và thưởng thức món bánh răng bừa, một loại đặc sản mà chỉ có đến Văn Giang thực khách mới có thể cảm nhận được hết vị ngon của sản vật đồng quê.

Lương Hằng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ve-van-giang-thuong-thuc-dac-san-banh-rang-bua-81181.html