Về Trù Sơn mua…niêu đất

Lần ấy, Lê Thị Tám, người bạn đồng môn, đồng khóa với tôi thời sinh viên, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An, bảo: 'Anh thu xếp công việc vào thăm làng niêu đất Trù Sơn, xứ Nghệ quê em một chuyến cho biết đi. Anh biết không, khi đã nói tới gốm Bát Tràng hay, gốm Phù Lãng, Chu Đậu… nhất định phải nhắc đến nghề chế tác niêu đất của Trù Sơn, huyện Đô Lương, xứ Nghệ. Gốm Trù Sơn được làm thủ công, không hề có sự tham gia của bất cứ loại men tráng nào cả đâu anh ạ'.

1.Đãi khách bát nước chè xanh đặc trưng xứ Nghệ, rồi kể chuyện về lịch sử nghề làm gốm của gia đình mình, ông Nguyễn Công Du cảm động bảo, tính đến thế hệ mình thì gia đình ông đã có 12 đời nối nhau làm nồi đất rồi. Hỏi về thời điểm khởi thủy của nghề gốm Trù Sơn là khi nào ông Du khẳng định, thật ra thì chẳng có bất cứ tài liệu thành văn nào ghi chép một cách cụ thể thời điểm ra đời của nghề làm niêu đất xã Trù Sơn. Từ lúc còn nhỏ, ông Du được các bậc sinh thành truyền lại rằng, nghề làm niêu đất của làng mình được khởi thủy từ thời nhà Trần.

Chuyện rằng, vào cái thuở “cổ tích” khai sơn phá thạch lập nên làng, người Trù Sơn sống trong muôn vàn bĩ cực cơ hàn. Ngày đó, Trù Sơn vốn là một làng thuần nông, người nông dân chỉ biết bám vào mấy thước ruộng cằn cỗi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” mà bấn loạn tìm cách nuôi nhau qua ngày đoạn tháng. Thế rồi, ngày đẹp trời nọ, một nàng công chúa con vua Trần đã lặn lội tới Trù Sơn mà truyền cho bà con nghèo bí kíp làm nồi đất để có thêm nghề, thêm “đồng ra đồng vào” cải thiện đời sống vật chất, tinh thần. Cái tích về nghề làm gốm - nồi đất của người Trù Sơn được truyền khẩu đến bây giờ chỉ ngắn gọn, súc tích có vậy mà thôi.

Đốt lò nung niêu đất là một trong những công đoạn khó nhất, vất vả nhất với người Trù Sơn.

Đốt lò nung niêu đất là một trong những công đoạn khó nhất, vất vả nhất với người Trù Sơn.

Tiếp thêm nước chè vào bát sứ do “nhà làm được” của khách, ông Du vui vẻ thổ lộ, thuở mới “khai sinh”, Trù Sơn chỉ là một đơn vị hành chính cấp làng. Theo thời gian, làng phát triển không ngừng để bây giờ trở thành đơn vị cấp xã, nhưng vẫn mang cái tên gọi ban đầu: xã Trù Sơn, thuộc Đô Lương. Xã lại chia thành hơn chục xóm (thôn) khác nhau, theo số thứ tự từ bé tới lớn.

Tò mò học cách làm niêu đất của người Trù Sơn mới thấy nghề làm gốm của bà con nơi này có những điều đặc biệt thú vị, chỉ có thể thấy ở cái vùng quê quanh năm khắc nghiệt mưa nắng cùng với những cơn gió Lào đầy đặc trưng này. Chuyện khu biệt đầu tiên, không như những thợ gốm của tất cả các vùng - miền khác, thợ gốm Trù Sơn không bao giờ để chình ình cả một khối đất lên cỗ bàn xoay mà tạo dáng cho sản phẩm của mình.

Có được món đất sét đạt chuẩn sau khi đã được nhào nhuyễn dẻo dai hơn cả kẹo kéo, người nghệ nhân Trù Sơn sẽ lấy từng nắm theo nhu cầu của từng loại sản phẩm sau đó đem vắt thành hình một con chạch mà bà con gọi là “rói” (tiếng địa phương) để ghép nối từng phần con chạch ấy lại với nhau mà tạo dáng. Những thứ công cụ phục vụ cho việc làm gốm của người Trù Sơn thật đơn giản. Chúng chỉ là một cái “chuầy” (tiếng địa phương - tức bàn “xoay”); vài miếng giẻ vụn; vài miếng “khót” (tiếng địa phương: thanh nứa mỏng) để tạo dáng và làm nhẵn bóng sản phẩm mà thôi.

Sản phẩm niêu đất Trù Sơn có mặt tại nhiều địa phương khu vực Bắc Trung Bộ.

2. Nghệ nhân Nguyễn Thị Long, “con dân” của xóm 11 xúc động kể, quê nghèo, nhà quanh năm thiếu trước hụt sau, ngày xưa con gái đi làm dâu nhà người, cha mẹ chẳng có vàng ròng bạc nén mà chỉ có cái “chuầy” tặng con mang về nhà chồng mà làm của hồi môn nối giữ nghiệp tổ. Còn con gái nhà người ta về làm dâu nhà mình, cha mẹ chồng cũng chỉ biết tặng miếng “khót” cùng cái “chuầy” để phận dâu con có tý “vốn giắt lưng gọi là” để cùng chồng mình gây dựng cơ đồ mà thôi.

Bà Long bỗng bùi ngùi khoe với khách rằng món của hồi môn mà cha mẹ cho làm hồi môn của hơn 50 về trước là miếng “khót” và cái “chuầy” vẫn được bà trân trọng nâng niu như một món báu vật thiêng liêng vô giá. Thế nên, ở Trù Sơn người ta không dạy nhau chế tác gốm bằng bất cứ thứ văn bản thành văn nào cả mà họ phát triển bằng kỹ thuật theo một cách vô cùng đơn giản: truyền miệng và cầm tay chỉ việc, thế thôi.

Cứ như những gì mà lão nghệ nhân Nguyễn Công Du tâm sự, để có được những sản phẩm niêu đất đạt mức độ “chuẩn không cần chỉnh” như: rất nhẹ và mỏng nhưng lại có độ cứng và bền cao, người ta phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” khiếp lắm. Sản phẩm muốn tốt, muốn đẹp trước tiên phải có được nguồn đất “như ý”. Bởi thế, người Trù Sơn phải cất công lặn lội ngược xuôi tới Nghi Văn của Nghi Lộc, rồi nữa, ngược lên tận Sơn Thành thuộc Yên Thành… mới tìm ra cho được thứ đất sét không chỉ đỏ au mà còn rất dẻo, rất đẹp.

Ông Du quả quyết, cứ phải kỳ công như thế mới có được thứ đất sét mịn màng, không lẫn tạp chất. Trong quá trình khai thác nguyên liệu, chỉ khi đào sâu cỡ một mét may ra mới thể kiếm được món đất sét trắng. Sống lại với ký ức, ông Du bồi hồi, thời khốn khổ xưa kia, các loại phương tiện giao thông chả có, để mang được đất quý về, người Trù Sơn phải gánh chúng qua những quãng đường dài xa ngái, hàng chục cây số là ít. Vậy nên bà con thưở ấy mới tự trào lộng cái nghề, cái nghiệp của mình bằng câu cửa miệng: “Bán xương, nuôi thịt”.

Trải qua biết bao thăng trầm, người Trù Sơn vẫn tiếp tục giữ nghề truyền thống vừa để có thêm thu nhập, vừa bảo tồn được nghề.

3. Người Trù Sơn không nung sản phẩm của mình trong những lò nung được thiết kế kín mà hoàn chỉnh sản phẩm bằng việc đốt trong những chiếc lò chỉ thiên hình tam giác được xây thấp bằng thứ đá ong, rất đơn sơ. Đây cũng chính là một trong những khác biệt của nghề gốm Trù Sơn. Riêng nguyên liệu dùng để đốt không phải là than hay củi mà đơn giản chỉ là những thứ lá guột; lá dành dành; lá bạch đàn, lá thông, v. v…

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Công Du bộc bạch: những thứ lá ấy đều có chứa tinh dầu cho nên người Trù Sơn dùng chúng để nung chín sản phẩm chứ không dùng than đá hoặc bất cứ thứ nguyên liệu nào khác. Nhờ có lượng tinh dầu trong các loại lá kể trên nên gốm Trù Sơn sau khi thành phẩm đạt tiêu chuẩn bóng và đẹp rất đặc trưng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thái, xóm 12 Trù Sơn cho hay, mỗi một mẻ nung thường chỉ được ngót nghét 300 chiếc niêu đất. Muốn gốm chín thật đều, cho ra những sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo”, người thợ phải biết cách "xem lửa" để biết lúc nào cần phải dừng đun. Kỹ năng “xem lửa” chính là một trong những bí quyết đặc biệt của người Trù Sơn.

Giới thiệu với khách về mẻ gốm đang ra lò, nghệ nhân Nguyễn Hữu Võ bảo rằng, nồi đất của Trù Sơn chỉ tuyền một màu đất thôi. Đó là cái khác biệt độc đáo của gốm Trù Sơn với gốm nơi khác. Thì hẳn rồi, gốm của Trù Sơn không diêm dúa sặc sỡ, thoạt cầm trên tay tưởng như rất mỏng manh dễ vỡ, ấy thế nhưng lại rất cứng cáp.

Nhận từ bàn tay thô ráp, mặn mòi gió sương của nghệ nhân Võ chiếc niêu đất vừa được lấy trong lò ra còn ấm hơi lửa, hơi người, bất giác tôi cảm nhận được ở đó có những giọt mồ hôi mặn chát tạo nên tâm hồn cùng vẻ đẹp riêng có của những người nông dân Trù Sơn chịu thương chịu khó, nơi mà đất nuôi người, người là tri kỷ của đất…

Lê Công Hội

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/ve-tru-son-mua-nieu-dat-622529/