Vệ tinh tóm gọn vụ Israel thử hạt nhân trên biển

Theo Sputnik, cách đây gần 40 năm có khả năng Israel đã âm thầm thử bom hạt nhân trên không trung ở vùng Ấn Độ Dương.

Nga nghi ngờ

Từ lâu Israel đã bị nghi ngờ đang sở hữu vũ khí hạt nhân dù họ không xác nhận cũng như phủ nhận tin đồn. Nhưng trong một nghiên cứu mới được công bố, một số học giả cho rằng Israel thực sự đã tạo ra loại vũ khí hủy diệt này.

Thông tấn Nga dẫn bản báo cáo của một nhóm nhà khoa học quốc tế đăng trên tạp chí Science & Global Security gần đây cho thấy ánh sáng bí ẩn được vệ tinh Vela của Mỹ chụp được năm 1979 ở Ấn Độ Dương được cho là của một vụ nổ hạt nhân, có khả năng lớn là thử nghiệm nổ trong không khí.

Bản báo cáo cho thấy, những con cừu Australia được chăn thả trong khu vực gặp mưa 4 ngày sau sự cố có dấu hiệu nhiễm chất phóng xạ iodine-131 trong tuyến giáp. Phân tích cũng chỉ ra rằng những cơn gió có mang theo bụi phóng xạ từ đảo Prince Edward ở Ấn Độ Dương đến Australia.

Trung tâm nghiên cứu hạt nhân ở Sorek của Israel.

Báo cáo nhấn mạnh: "Ngay từ năm 1979, người ta đã xác định được rằng tuyến giáp của những động vật ăn cỏ, đặc biệt là cừu, được chăn thả ở khu vực này có rất nhiều chất iodine-131, một chất phóng xạ phát sinh trong các vụ thử vũ khí hạt nhân ở khí quyển".

Thông tấn Nga tiết lộ, dữ liệu tuyến giáp từ những con cừu này được thu thập và gửi hàng tháng đến Mỹ trong suốt 39 năm qua, nhưng thông tin về kết quả kiểm tra chỉ được tiết lộ gần đây theo Đạo luật tự do thông tin.

Nhóm nhà khoa học thực hiện bản báo cáo này kết luận rằng hình ảnh vệ tinh và tín hiệu thủy âm từ cảm biến dưới nước là bằng chứng rõ ràng cho thấy vụ nổ trong khí quyển được Vela ghi lại chính là một vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân bất hợp pháp.

Leonard Weiss, chuyên gia vũ khí hạt nhân thuộc Đại học Stanford nhấn mạnh ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy Tel Aviv liên quan đến vụ thử: "Israel là nước duy nhất có khả năng kỹ thuật và động cơ về mặt chiến lược để thực hiện vụ thử nghiệm đáng ngờ này".

Đồn đoán

Dù Israel chưa có tuyên bố chính thức nào về thông tin trên nhưng theo nguyệt san "Tuyệt mật" của Nga, việc Tel Aviv sở hữu vũ khí hạt nhân là hoàn toàn có thể bởi ngay từ năm 1960, lò phản ứng hạt nhân ở Sorek của Israel bắt đầu hoạt động.

Đến trước cuộc chiến tranh Sáu ngày (năm 1967), Israel đã có vài quả bom nguyên tử, còn vào đầu những năm 1970, Israel chế tạo khoảng 10 quả bom nguyên tử mỗi năm, mỗi quả có sức công phá từ 130 đến 260 kiloton (gấp 10 lần quả bom Mỹ ném xuống Hirosima).

Theo một số nguồn khác, từ mùa xuân năm 1967 Israel đã lên kế hoạch cho nổ hạt nhân dưới lòng đất để dằn mặt và hạ nhiệt các đầu nóng trong giới lãnh đạo các nước A rập. Tuy nhiên, ý tưởng trên đã không cần phải thực hiện mà Israel vẫn đánh bại Liên quân A rập, sát nhập lãnh thổ Sinai, dải Gaza, cao nguyên Goland, Judea, Samaria vào lãnh thổ của mình.

Thế giới chính thức biết về khả năng Israel đã có vũ khí hạt nhân vào năm 1985, khi một cựu nhân viên của Lò phản ứng hạt nhân cạnh Dimon tên là Mordehai Vanunu, do tức giận vì bị sa thải đã chụp ảnh lò phản ứng này và kể cho phóng viên Columbia Oscar Gerrero về việc cái “nhà máy dệt” kia đang sản xuất những gì.

Tuy nhiên, theo một số nguồn khác thì người Mỹ biết về điều này sớm hơn nhiều. Năm 1963, chính phủ mới Israel được thành lập và thủ tướng mới là Levy Eshkol rất không tán thành các tham vọng hạt nhân của S.Peres (cựu Tổng thống Israel).

Thêm nữa, đích thân Tổng thống Mỹ lúc đó là J.Kennedy cũng đã biết về chương trình này và bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" với Chính phủ mới của Israel. Nhưng ông S.Peres không dễ dàng từ bỏ các kế hoạch của mình- ông biết mình phải làm gì. Ông tiếp tục công việc chế tạo vũ khí hạt nhân sau lưng Levy Eshkol (Thủ Tướng Israel thời đó) và các bộ trưởng khác của ông ta.

Chỉ đến khi không thể giữ bí mật được nữa, S.Peres mới đàm phán với Mỹ và đạt được một thỏa thuận là Nhà trắng sẽ làm ngơ trước việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân, không ép Israel phải tham gia các công ước quốc tế- không những thế mà sẽ phủ quyết những nghị quyết nào đòi Israel phải tham gia các công ước như vậy.

Nhưng để đổi lại, Israel phải cam kết chắc chắn là nước này sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước, ngay cả trong trường hợp bị tấn công, và sẽ không dùng bất kỳ một phương tiện kỹ thuật nào do Mỹ sản xuất để sử dụng vũ khí hạt nhân (tức không sử dụng phương tiện mang của Mỹ).

Và đến nay, vẫn chưa có bất cứ thông tin rõ ràng nào về kho vũ khí hạt nhân của Israel. Nhưng hồi năm 2008, cựu Tổng thống Jimmy Carter ước tính Israel có khoảng 150 đầu đạn hạt nhân. Đến năm 2014, ông Carter đưa ra con số 300 dựa trên tính toán về sự thay đổi kho vũ khí nước này trong giai đoạn 2008 - 2014.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif nói với các phóng viên bên lề Hội nghị P5+1 tại Liên Hợp Quốc rằng, Israel sở hữu tới 400 đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, tạp chí của các nhà khoa học nguyên tử cho rằng, con số mà ông Zarif đưa ra là quá lớn và không thực tế. Họ lập luận rằng, Israel chế tạo vũ khí để răn đe chứ không phải để sử dụng. Ngoài ra, Tập đoàn Rand (công ty cố vấn cho Lầu Năm Góc) ước tính, Israel có từ 65 - 85 đầu đạn hạt nhân.

Trên thực tế, các nước trên thế giới không có đầu mối cụ thể nào về kho vũ khí hạt nhân của Israel và điều đó tạo ra những đồn đoán có lợi cho Tel Aviv trong việc tạo thế trận răn đe trước đối phương trong khu vực.

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ve-tinh-tom-gon-vu-israel-thu-hat-nhan-tren-bien-3363770/