Về thủ phủ đào phai ở xứ Thanh

Cuối năm Canh Tý, thương lái lũ lượt kéo nhau về vùng đào phai Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa để gom hàng. Người dân ở thủ phủ đào phai này năm nay vui hơn những năm trước khi lệnh cấm vận chuyển, tiêu thụ đào rừng của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực đang góp phần đẩy giá trị của cây đào phai của Vân Sơn lên ngôi.

Chúng tôi về thủ phủ đào phai của Thanh Hóa khi nắng vàng vọt đang phủ lên các vườn đào. Dẫn chúng tôi thăm vườn đào hơn 3 năm tuổi, anh Lê Trọng Kiên - một nghệ nhân cây cảnh, đồng thời cũng là một người trồng đào kỳ cựu chia sẻ: "Đào ở đây là giống đào phai thuần chủng chính hiệu, hoa có màu phớt hồng, 5 cánh dầy và lâu tàn. Thân cây thường mốc thếch, gầy guộc khi ươm nụ. Nhưng chỉ sau một cơn mưa xuân, các thân đào sẽ bừng lên mơn mởn những nụ hoa, lộc mới căng tràn nhựa sống mà ít giống đào nào có được. Thổ nhưỡng, khí hậu ở đây khá phù hợp với cây đào phai. Người dân không cần tốn quá nhiều công sức, chi phí chăm bón mà cây đào vẫn sống khỏe, cho hoa đẹp!".

Người dân, thương lái đến với thủ phủ đào phai đều choáng ngợp trước vẻ đẹp bạt ngạt sắc hồng

Người dân, thương lái đến với thủ phủ đào phai đều choáng ngợp trước vẻ đẹp bạt ngạt sắc hồng

Theo người dân trồng đào Vân Sơn, năm nay khá thuận lợi cho sự phát triển của cây đào phai. Sau đợt xuống lá vào đầu tháng Chạp cho cây đào chuẩn bị ươm nụ vào xuân, một đợt rét đậm kéo dài đã góp phần giúp cây đào phai trì hoãn ra lộc mới và được dự báo sẽ bung nụ đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Chính điều này đang tạo ra một sức hút đối với các thương lái không chỉ riêng trong tỉnh Thanh mà cả với các tỉnh lân cận như: Ninh Bình, Nghệ An… thu gom đào, phục vụ thú chơi Tết của người dân… Hơn thế, từ khi lệnh cấm vận chuyển, tiêu thụ đào rừng của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực đang góp phần đẩy giá trị của cây đào phai của Vân Sơn lên ngôi.

Người trồng đào tỉa cành, lá trước khi bán

Đi ở Vân Sơn, chúng tôi như lạc vào rừng hoa bạt ngàn sắc hồng của đào phai. Từ đầu xóm 1 đến xóm 3 xã Vân Sơn là những vườn đào phai chạy tít tít tắp, trải ngút tầm mắt. Những thân đào khẳng khiu, trơ trụi và mốc thếch đang bắt đầu nhú nụ ở các đầu cành. Thấp thoáng trong các khu vườn là bóng người dân đang cắt tỉa, buộc tán, chuẩn bị cho những chuyến xe về xuôi tầm xuân.

Ông Vũ Đình Vân – xóm 3, xã Vân Sơn phấn khởi: "Đến thời điểm này, hơn 100 gốc đào 3 năm tuổi trong vườn nhà đã được thương lái đến thu mua mang về phố, thị. Mỗi gốc đào bán "sô" có giá là 500 nghìn đồng, cây lớn bù cho cây bé. Nhẩm tính sơ sơ vụ đào năm nay cũng thu về khoảng trên dưới 500 triệu đồng".

Thương lái về tận vườn thu mua

Cây đào phai có mặt tại đây tự bao giờ cũng không ai nhớ. Trước kia trong làng, mỗi hộ chỉ trồng dăm ba gốc lấy hoa chơi ngày Tết, sau nhân rộng hơn và nhiều người có nhu cầu, người trồng tự chặt, đem xuống phố bán với mong muốn kiếm thêm gói bánh, tấm áo mới cho con trong dịp cuối năm.

Cây đào phai chỉ thực sự trở thành hàng hóa và đem lại thu nhập ổn định cho bà con trong khoảng từ hơn 5 năm trở lại đây. Người dân dần ý thức được giá trị của cây đào và bắt đầu đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chọn giống, chiết, ghép tạo thành những thế đào độc, lạ, đẹp.

Đào phai có màu phớt hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Được biết, đến thời điểm hiện tại, toàn xã Vân Sơn đã trồng được khoảng hơn 100ha đào phai, riêng tại xóm 3, 100% người dân đều tham gia trồng và kinh doanh đào Tết, với khoảng 70ha. Hàng năm, nguồn lợi nhuận kinh tế thu từ cây đào lên đến cả tỷ đồng.

Ông Xuân Hùng – Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Vân Sơn cho biết: "Thời gian tới, thôn sẽ đề xuất với UBND xã tiếp tục cho chuyển đổi thêm một phần diện tích đất trồng mía, lúa kém năng suất sang trồng đào để tăng thu nhập. Vấn đề người dân trồng đào cần nhất hiện nay là được hướng dẫn về kỹ thuật chăm bón, thâm canh của các cơ quan chức năng. Thêm vào đó là sự đoàn kết của người dân trong việc phát triển làng hoa thông qua Hiệp hội trồng đào mới được thành lập".

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ve-thu-phu-dao-phai-o-xu-thanh-20210206195001582.htm