Về thông tin 21 Trường đại học quốc tế 'ma': Bộ Giáo dục & Đào tạo nói gì?

Mặc dù đã được cảnh báo từ cách đây 4 năm nhưng mới đây, việc các cơ quan chức năng phát hiện một số người dùng bằng đại học rởm từ các trường 'ma' mang danh quốc tế tại Việt Nam đã khiến dư luận thêm lo ngại. Trong số 21 trường đại học 'ma' được Hội đồng kiểm định các trường đại học và trường học độc lập từ Mỹ đưa ra, có những trường vẫn đang thu tiền của các học viên.

Ảnh chụp màn hình website Trường ĐH Washington, một trong 21 trường đại học “ma” trong danh sách TS Mark A.Ashwill công bố.

Ảnh chụp màn hình website Trường ĐH Washington, một trong 21 trường đại học “ma” trong danh sách TS Mark A.Ashwill công bố.

Trường “ma” hoạt động công khai?

Để kiểm chứng, PV Báo GĐ&XH đã thử đăng nhập một số trường đại học gắn mác quốc tế trong số 21 trường “ma” mà TS Mark A.Ashwill - hiện là Giám đốc quản lý của Capstone Việt Nam, một công ty có trụ sở tại Hà Nội và chuyên về việc phát triển nguồn nhân lực - đã công bố. Một số trang web của các trường đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, có trường vẫn đang đăng thông tin tuyển sinh. Đặc điểm chung của các trường này là yêu cầu đăng nhập bằng email và tài khoản theo đăng kí trực tuyến. Học viên phải chụp toàn bộ giấy tờ hiện có như chứng minh thư, các văn bằng và gửi online đến địa chỉ trên trang web, sau đó sẽ được hướng dẫn tiếp.

Chúng tôi đã thử đăng kí vào ĐH quốc tế South Pacific (USP). Theo website nhà trường, ngoài các hệ đào tạo thông thường, trường còn đào tạo sau đại học quốc tế. Theo đó, ứng viên phải gửi đơn xin học và file đính kèm chứng minh thư hoặc các giấy tờ có xác nhận của chính quyền địa phương nếu muốn học. Trường sẽ xem xét đơn và giấy tờ trong vòng 5-7 ngày. Nếu có văn bản cần bổ sung, sau 5-7 ngày, trường cũng sẽ có thông báo đến ứng viên. Nếu được chấp nhận, đơn sẽ được chuyển đến các khoa tương ứng. Riêng các ứng viên sau đại học quốc tế, khi đăng kí đều phải nộp giấy khai sinh, hộ chiếu, giấy chứng nhận tốt nghiệp kết quả học phổ thông, bảng điểm, kết quả học đại học, các giải thưởng, trình độ ngoại ngữ và sơ yếu lí lịch cá nhân.

Ở trang web của ĐH quốc tế Washington (Washington International University - thuộc bang Pennsylvania, Mỹ), chúng tôi được hướng dẫn điền theo mẫu để đánh giá xem có đủ điều kiện đăng kí học. Chúng tôi đã nhận được hồi âm của trường sau 3 ngày đăng kí tên, email, địa chỉ thành phố, quốc gia, tuổi, trình độ học vấn, lĩnh vực việc làm và số năm công tác. Theo giới thiệu của trường, tất cả các chương trình được thiết kế để hoàn thành trong 1 năm. Ứng viên nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán học phí qua thẻ tín dụng. Tất cả các chi phí đều được tính vào học phí, trừ tài liệu nghiên cứu. Học phí có thể đóng 3 phần bằng nhau trong một năm (không tính lãi suất). Cùng với đó, mức học phí cho các ngành học được công khai với giá từ 5.610 USD đến gần 7.000 USD/năm, tùy chương trình cử nhân hay thạc sĩ. Khi nộp hồ sơ trực tuyến, ứng viên đóng 150 USD qua thẻ tín dụng. Nếu ứng viên được nhận học, 150 USD ban đầu này được ghi vào học phí. Nếu ứng viên không được nhận, trường sẽ hoàn trả lại 150 USD.

Trong vai một người muốn theo học bằng quốc tế, PV đã liên hệ với ĐH APU (American Pacific University, một trong những trường đại học nằm trong danh sách 21 trường “ma” và có trụ sở tại TPHCM). Người phụ trách của trường này tỏ ra rất ngạc nhiên vì trường đã hoạt động 10 năm và chưa từng nghe ai phản ảnh đây là trường “ma”. Trường hiện đang đào tạo từ cấp tiểu học đến sau đại học. Đặc biệt, nhân viên ở đây cho biết, trường có giấy phép hoạt động, học sinh có thể học liên thông với nhiều trường trên thế giới và tấm bằng của trường được nhiều trường trên thế giới công nhận.

Văn bằng online không được công nhận từ năm 2007

Trước những thắc mắc của dư luận về việc một số trường đại học trong danh sách 21 trường “ma” vẫn tồn tại, PV Báo GĐ&XH đã có trao đổi với ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT). Ông Vang cho biết, thông tin về 21 trường đại học “ma” đã được đưa ra từ năm 2010. Năm 2012, Bộ GD&ĐT đã vào cuộc và đóng cửa một số chương trình liên kết đào tạo không đúng. Còn lại những trường có tên trong danh sách đang tuyển sinh toàn cầu (trong đó có Việt Nam) là tuyển sinh trực tuyến nên người học có thể đăng kí học trên mạng. Trên thế giới, nhiều nước có các cơ sở giáo dục được cấp phép hoạt động nhưng chất lượng không được kiểm định, do đó bằng cấp không được công nhận. Trong đó, nhiều cơ sở dạy trực tuyến và hoạt động trên mạng (phủ khắp thế giới chứ không riêng ở Việt Nam) và bán sản phẩm. Việc mua sản phẩm nào là do người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng có ý thức và nghiêm túc thì không bao giờ bị lừa. Còn nếu người dùng cố tình vì nhiều mục đích khác nhau, đó là lựa chọn của họ.

Ông Vang nói: “Trường online là những trường hoạt động toàn cầu, không riêng gì ở Việt Nam. Vì thế, yếu tố quyết định đầu tiên vẫn là người tiêu dùng có lựa chọn hay không. Bộ GD&ĐT đã có quy định về văn bằng là học online không được công nhận từ năm 2007. Bộ đã cảnh báo người học nhiều lần, báo chí cũng vậy. Tuy nhiên, việc này cũng giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm xe máy, người ta vẫn không tuân thủ mặc dù đã có chế tài xử phạt”.

Ông Vang cho biết thêm, khi xử lý những thông tin về danh sách 21 trường đại học này, Cục Đào tạo với nước ngoài đã có văn bản tới Đại sứ quán Mỹ và đã được trả lời cụ thể. Trong đó, theo Đại sứ quán Mỹ, với luật pháp Mỹ, bất cứ trường học nào đều phải có giấy phép trước khi có được xét công nhận hay không. Vì vậy, tất cả các trường đều có giấy phép nhưng rất nhiều trong số đó không bao giờ được công nhận. Người học có thể tham khảo danh sách khoảng 4.000 trường đại học được kiểm định chất lượng cấp khu vực và cấp quốc gia do Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Hội đồng kiểm định CHEA công bố (tại địa chỉ: vietnam.usembassy.gov/accreditarion.html). Kiểm định cấp khu vực và cấp quốc gia là sự đảm bảo chắc chắn nhất rằng, khoảng 4.000 trường đại học này tuân thủ những tiêu chuẩn chất lượng do các tổ chức kiểm định đề ra. Theo đó, Đại sứ quán Mỹ cũng khuyến cáo người học nên sử dụng danh sách này trước khi nghiên cứu về chất lượng của một trường đại học nào đó ở Mỹ.

Danh sách 21 trường ĐH “ma” do TS Mark A.Ashwill công bố

1. ĐH quốc tế Adam (Adam International University) thuộc bang Georgia; 2. ĐH Akamai (Akamai University) thuộc bang Hawaii; 3. ĐH American City (American City University) bang California; 4. ĐH Di sản Mỹ (American Heritage University) nằm ở phía nam California; 5. ĐH American Pacific (American Pacific University). Đây là ĐH được đặt tại TPHCM; 6. ĐH quốc tế American Pacific (American Pacific University – International) thuộc bang New Mexico/ California; 7. ĐH Apollo (Apollo University) bang California; 8. ĐH quốc tế Đại Tây Dương (Alantic International University) thuộc bang Hawaii; 9. ĐH Capstone (Capstone University) bang California; 10. ĐH Cosmopolitan (Cosmopolitan University); 11. ĐH Frederick Taylor (Frederick Taylor University) thuộc bang California; 12. ĐH Honolulu (Honolulu University) thuộc bang Hawaii; 13. ĐH Irvine (Irvine University) thuộc bang California; 14. ĐH Quốc tế Mỹ (International American University) bang California; 15. ĐH Kỹ thuật Paramount (Paramount University of Technology) thuộc bang California; 16. ĐH Pebble Hills (Pebble Hills University) thuộc bang Pennsylvania; 17. ĐH Preston (Preston University) thuộc bang California; 18. ĐH Tây Nam Mỹ (Southwest American University) thuộc bang California; 19. ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) thuộc bangDelaware; 20. ĐH quốc tế Washington (Washington International University) thuộc bang Pennsylvania; 21. ĐH quốc tế Berkeley (Berkeley International University), bang Delaware.

Mập mờ đánh lận con đen?

Về việc Trường ĐH APU (American Pacific University, một trong những trường đại học nằm trong danh sách 21 trường “ma” và có trụ sở tại TPHCM) vẫn đang tuyển sinh, ông Nguyễn Xuân Vang đã có trả lời PV Báo GĐ&XH.

Trong 21 trường “ma” đã được TS Mark A.Ashwill đưa vào danh sách, có Trường ĐH APU (America Pacific University). Theo liên hệ của chúng tôi với nhà trường, họ có đầy đủ giấy phép để hoạt động trong 10 năm nay. Tấm bằng của trường họ được nhiều nước trên thế giới công nhận và có thể liên thông với nhiều trường. Bộ GD&ĐT nói gì về điều này?

Ông Nguyễn Xuân Vang: Hiện ở TPHCM có Trường APU International School - là trường phổ thông, được Công ty TNHH phát triển giáo dục APU thành lập năm 2003, có trụ sở tại quận 11, ngành nghề kinh doanh Giáo dục trung học và Giáo dục cơ sở, đang tuyển sinh, đào tạo phổ thông đa cấp tại 2 cơ sở ở TPHCM. Và việc cho phép hoạt động các trường phổ thông thuộc trách nhiệm của các sở GD&ĐT địa phương theo quy định hiện hành. Đến ngày 13/5/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 718/TTg-KGVX, đồng ý về nguyên tắc thành lập Trường ĐH Mỹ - Thái Bình Dương (America Pacific University). Ngày 25/2/2010, Công ty TNHH APU ký thỏa thuận nguyên tắc với UBND TP Đà Nẵng. Theo đó, Công ty TNHH APU được thuê trên 300.000m2 đất tại Đà Nẵng với giá 5 triệu USD để mở tiếp Trường đại học APU.

Vậy theo ông, đại học APU trong danh sách của TS Mark A.Ashwill và ĐH APU ở Đà Nẵng có là một hay không?

Ông Nguyễn Xuân Vang: Thực tế, công văn 718/TTg-KGVX của Thủ tướng Chính phủ là đồng ý về nguyên tắc để làm dự án đầu tư chứ không phải cho phép thành lập trường này. Như vậy, trường này chưa tồn tại và chưa được phép hoạt động đào tạo. Trường đại học APU chưa bao giờ được Bộ GD&ĐT cho phép hoạt động ở Việt Nam. Ở đây, trường này lấy tên là APU (America Pacific University) gắn với trường đại học không được kiểm định ở Mỹ là điểm mập mờ của họ. Và có thể thấy, họ rất khôn ngoan khi quảng cáo “Your pathway to American Education” (con đường đến với giáo dục Mỹ ).

Hạnh Nguyên (ghi)

Hạnh Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/ve-thong-tin-21-truong-dai-hoc-quoc-te-ma-bo-giao-duc-dao-tao-noi-gi-20141110095434608.htm