Về thời điểm thụ lý đơn phản tố của bị đơn

Theo Điều 200 BLTTDS năm 2015 thì: 'Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố....'. Nếu bị đơn nộp đơn phản tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm thì Tòa án có thụ lý không?

Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định tại khoản 1: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập”.

Khoản 2 quy định:“Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực tiễn hiện nay cách hiểu và cách áp dụng Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục tố tụng này, trường hợp sau đây là một ví dụ:

Ngày 07/02/2018, TAND X thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất theo đơn khởi kiện của nguyên đơn Y.

Ngày 01/4/2018, phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải được tiến hành. Trước và tại phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải ngày 01/4/2018, Bị đơn Z không có yêu cầu phản tố.

Sau đó Tòa án tiếp tục phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải thêm 02 lần nữa, bị đơn Z cũng không đưa ra yêu cầu phản tố.

Ngày 01/8/2018, Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử vào đúng 8 giờ ngày 21/8/2018. Ngày 21/8/2018, Tòa án tiến hành mở phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 241 BLTTDS 2015 (vì vắng mặt nguyên đơn). Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa .

Ngày 29/8/2018, bị đơn có đơn yêu cầu phản tố với nội dung: đề nghị nguyên đơn buộc phải tháo dỡ, di dời tài sản trên đất và trả lại diện tích đất cho nguyên đơn. Ngày 12/9/2018, Tòa án thông báo về việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn. Ngày 09/10/2018, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải được tổ chức và sau đó ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử. Việc Tòa án X thụ lý đơn phản tố của bị đơn như vụ án trên, hiện có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất và cũng là quan điểm của tác giả: Việc thụ lý đơn phản tố phải trước giai đoạn xét xử, nằm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và hòa giải. Việc Tòa án thụ lý đơn phản tố trong giai đoạn phiên tòa xét xử sơ thẩm là vi phạm trình tự tố tụng bởi vụ án trên đã được Tòa án đưa ra xét xử vào ngày 21/8/2018. Tại phiên tòa, chủ tọa phiên tòa đã tiến hành khai mạc phiên tòa, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử, kiểm tra sự có mặt của những người tham gia tố tụng. Theo đề nghị của Kiểm sát viên vụ án được Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa

Quan điểm thứ hai: Sau 8 ngày kể từ khi hoãn phiên tòa, bị đơn có đơn yêu cầu phản tố với nội dung: đề nghị nguyên đơn buộc phải tháo dỡ, di dời tài sản trên đất và trả lại diện tích đất cho nguyên đơn. Ngày 12/9/2018, Tòa án thông báo về việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn. Ngày 01/10/2018, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vào 8 giờ ngày 09/10/2018. Ngày 09/10/2018, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải được tổ chức. Xét thấy nếu không thụ lý đơn phản tố thì không giải quyết được toàn diện vụ án. Do đó, ngày 09/10/2018, Tòa án đã tiến hành tổ chức lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên hòa giải. Như vậy, Tòa án tiến hành lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, vẫn đảm bảo tố tụng, bởi Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, mà không quy định cụ thể giai đoạn tố tụng được thụ lý đơn phản tố.

Rất mong bạn đọc cùng thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm đã giải quyết vấn đề này trong thực tiễn.

Phạm Thu Hà, Phòng 9 - VKSND tỉnh Sơn La

Nguồn Kiểm Sát: https://kiemsat.vn/ve-thoi-diem-thu-ly-don-phan-to-cua-bi-don-52005.html