Về thăm xã nông thôn mới nâng cao Mỹ Hòa Hưng

Cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang) được biết đến là địa phương gắn liền với nông nghiệp, theo quy mô sản xuất vừa và nhỏ, lại 'cách trở đò giang'. Từ khi trở thành xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2015, xã đã thay đổi rõ nét. Tháng 1-2021, 'quả ngọt' lại đến, khi Mỹ Hòa Hưng được công nhận là xã NTM nâng cao. Vẫn là làng quê bình yên thuở nào, nhưng đã khang trang và sung túc hơn trước…

Từ “Nông thôn mới” đến “Nông thôn mới nâng cao”

Thay đổi lớn nhất trong 10 năm qua ở xã Mỹ Hòa Hưng là đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thị trường. Không còn chuyện “mạnh ai nấy trồng”, “thích gì trồng nấy” nữa, mà kinh tế hộ gia đình gắn liền với kinh tế hợp tác, với các mô hình hiệu quả. Địa phương thực hiện đề án chuyển dịch đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái (giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030); để nông dân làm quen với tư duy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xã đã trồng thí điểm 7ha xoài cát chu, sau đó mở rộng thành 50ha cây ăn trái và 48,5ha sản xuất rau an toàn. Đến giờ, xã Mỹ Hòa Hưng có các mô hình sản xuất trở thành “thương hiệu”: nuôi cá chạch lấu trong ao, trồng rau màu thủy canh trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, du lịch nông nghiệp, trồng hoa lan…

Song song đó là đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi kiên cố hóa, đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ dân sinh, áp dụng tưới tiêu bằng hệ thống bơm điện, thu hoạch lúa bằng cơ giới. Cũng từ đây, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đến đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đưa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở xã phát triển cao hơn, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2016-2020 là trên 87 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 12%. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giúp xã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí, 35/35 chỉ tiêu xã NTM nâng cao, với 100% tuyến đường liên xã, liên ấp ở Mỹ Hòa Hưng được nhựa hóa, bê-tông hóa; 100% hộ dân sử dụng điện sinh hoạt; 100% hộ sử dụng nước sạch; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt gần 61 triệu đồng/người/năm.

Công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn 0,14%. Bên cạnh đó, xã đã thực hiện đạt và vượt 5/5 tiêu chuẩn, 22/22 chỉ tiêu xã văn hóa NTM. Trong đó, 73,6% hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa 3 năm trở lên”; 9/9 ấp được công nhận và giữ vững danh hiệu ấp văn hóa hàng năm...

“Chuyện không của riêng ai”

“Thời gian qua, chúng tôi nhận thấy, bài học kinh nghiệm quan trọng trong xây dựng NTM là phải phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư. Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ, còn các hoạt động do chính người dân bàn bạc, quyết định, huy động công sức đóng góp của người dân. Cùng với đó, cần phát huy vai trò tập thể, đề cao trách nhiệm của cá nhân trong quản lý, điều hành. Duy trì, giữ vững và nâng chất xã NTM nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu và các danh hiệu văn hóa là nhiệm vụ xuyên suốt Đảng ủy, UBND xã đang tập trung thực hiện. Và đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cùng vào cuộc một cách đồng bộ” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Dương Anh Dũng chia sẻ.

Dù đã trở thành xã NTM nâng cao, nhưng Mỹ Hòa Hưng còn rất nhiều công việc phải làm. Tiềm năng về sản xuất, làng nghề, du lịch, văn hóa lịch sử đã có sẵn, rất phù hợp với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng lại mở ra cơ hội tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào các tiểu vùng quy hoạch chuyên canh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn theo nhu cầu thị trường. Phong cách hiền hòa, thân thiện, mến khách của người dân đang được từng bước xây dựng, từ các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…

Xây dựng NTM là cuộc vận động lớn, với tính chất toàn diện để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng gia đình, xóm ấp ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp; phát triển sản xuất bền vững; xã hội nông thôn dân chủ, quốc phòng - an ninh được giữ vững, ổn định; tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống của người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhận thức được điều ấy, ông Phạm Văn Chua (ngụ ấp Mỹ Khánh 2) khẳng định: “Theo nhận thức của chúng tôi, gia đình là một tế bào trong xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Do vậy, cần phải bắt nguồn từ xây dựng con người văn hóa, có tri thức, xử sự văn minh, sống lành mạnh, đoàn kết. Không người dân nào có thể đứng ngoài cuộc trong quá trình xây dựng cầu, đường giao thông, các phong trào xã hội. Với những thành quả đã có, người dân lại càng phải có trách nhiệm cùng địa phương gìn giữ, phát huy, sớm trở thành xã NTM kiểu mẫu trong tương lai”.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ve-tham-xa-nong-thon-moi-nang-cao-my-hoa-hung-a294829.html