Về thăm tòa soạn tiền phương trên đồi Ngựa Hí

Nằm lưng chừng trên đồi Ngựa Hí phủ màu xanh thăm thẳm, dưới rặng tre ngà vi vút gió, tấm bia di tích bằng đá màu đen lấp lánh dòng chữ bạc: 'Tòa soạn tiền phương và Nhà in Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ' hiện ra trước mắt chúng tôi..

Chiều hôm ấy, trời Điện Biên lất phất mưa bay, nhưng biết tôi muốn đến thăm di tích Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Lò Văn Hợp, Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch HĐND xã Mường Phăng (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) không chút do dự lên đường cùng tôi. Đường vào bản Mường Phăng 2 mùa này nhão nhoẹt bùn đất. Chiếc xe máy đưa tôi lên bản như con ngựa thồ bất kham, thi thoảng đang đi quay ngoặt lại, bánh hậu “xòe xòe”, quăng quật, chực muốn hất tung mọi thứ xuống đất. Vừa đi, anh Hợp vừa nói: “Thế mới khâm phục tinh thần các cụ ngày xưa, trèo non, lội suối, ngủ hầm, vất vả, gian khổ gấp trăm lần mà vẫn thành lập được một Tòa soạn tiền phương, kịp thời cung cấp thông tin mặt trận cho cả nước. Có lẽ chỉ những nhà báo vừa cầm súng, vừa cầm bút mới làm được...”.

 Bia di tích Tòa soạn tiền phương và Nhà in Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ

Bia di tích Tòa soạn tiền phương và Nhà in Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ

Nằm lưng chừng trên đồi Ngựa Hí phủ màu xanh thăm thẳm, dưới rặng tre ngà vi vút gió, tấm bia di tích bằng đá màu đen lấp lánh dòng chữ bạc: “Tòa soạn tiền phương và Nhà in Báo Quân đội nhân dân tại Mặt trận Điện Biên Phủ” hiện ra trước mắt chúng tôi. Trong không gian tĩnh lặng, tiếng mưa rơi xuống lá cọ nghe lộp bộp, lộp bộp mà ngỡ như tiếng bước chân của các phóng viên chiến trường năm ấy đang theo từng cánh quân ra mặt trận.

Đứng trên đồi Ngựa Hí, nhìn ra cánh đồng xanh ngút ngát, nhớ đến nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp (nguyên phóng viên Tòa soạn tiền phương), tôi bấm máy gọi cho cụ. Giọng cụ tiếp nghẹn lại khi biết tôi đang đứng nơi Tòa soạn tiền phương Điện Biên Phủ năm xưa. Kìm xúc động, cụ nói: “Cậu để ý nơi cánh đồng có hai phiến đá to, đó là chỗ chúng tôi vẫn thường ra đọc báo buổi chiều. Những năm tháng khốc liệt, tòa soạn chỉ vỏn vẹn 5 người. Tôi và anh Phú Bằng là phóng viên, hằng ngày về cơ sở khai thác thông tin. Với cuốn sổ, cây bút trên tay, cứ tiện ở đâu là viết bài lúc đó, tối đến lại chong đèn viết bài cho kịp sự kiện”. Khó khăn là vậy mà 33 số báo Quân đội nhân dân tại mặt trận điện biên phủ đã ra đời. Báo in xong là chuyển ngay cho bộ phận phát hành chờ sẵn. Việc phát hành cũng chủ yếu bằng đi bộ, anh em vừa gánh báo vừa đuổi theo đơn vị hành quân mà cấp phát.

Là chiến sĩ tham gia đánh trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, nay ở tuổi 90 nhưng tình cảm của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp với Báo Quân đội nhân dân vẫn không hề vơi. Cụ Chấp cho biết: “Trong giai đoạn cam go nhất, quân ta ăn cơm vắt, ngủ hầm chờ khai hỏa, tờ báo Quân đội nhân dân đến với chúng tôi như những “liều thuốc tinh thần”. Tôi biết chữ nên thường được giao đọc báo cho anh em trong hào cùng nghe. Sung sướng nhất là đọc tin chiến thắng, ai cũng reo hò như có thêm động lực để chiến đấu với quân thù trước mặt”.

Bụi thời gian đang phủ từng lớp lên các di tích, nhưng theo anh Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý Khu di tích Mường Phăng, những người làm công tác tại khu di tích luôn tự hào khi được giới thiệu với du khách về giá trị lịch sử, ý nghĩa của các di tích, trong đó có Tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân. Anh Hoàng nhớ lại, có một nhóm họa sĩ từ nơi xa đến, có cả người Nhật Bản. Sau khi được nghe giới thiệu về Tòa soạn tiền phương, họ rất bất ngờ và khâm phục các nhà báo quân đội, rồi họ xin địa chỉ của các nhà báo nguyên là phóng viên Tòa soạn tiền phương tại Mặt trận Điện Biên Phủ.

Bài và ảnh: PHẠM QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ve-tham-toa-soan-tien-phuong-tren-doi-ngua-hi-640777