Về thăm quê hương 'vạn thế sư biểu'

Thanh Liệt là vùng đất cổ (xưa là trang Quang Liệt với 10 xóm quần cư) sau dần phát triển lên thành xã. Nơi đây là mảnh đất phát văn, hiếu học có nhiều người hiền tài, trong đó nổi danh nhất là bậc tiên triết Chu Văn An.

Một buổi sáng đầu đông, chúng tôi tìm về thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội) nằm yên bình bên dòng sông Tô. Ngôi làng cổ vẫn giữ trong mình những nét trầm mặc thâm nghiêm. Hơn 700 năm trước trên mảnh đất này có một người con ra đời để rồi bằng sự học để trở thành bậc Nho học tiêu biểu nhất của nước Việt, được tôn vinh là “vạn thế sư biểu”. Chúng tôi tìm về thăm nhà thờ thầy nằm trong xóm nhỏ. Năm gian thờ tự đơn sơ giản dị. Trông nom việc nhang khói, ông Chu Văn Tài luôn kính cẩn để nơi thờ tổ được trang nghiêm. Đứng bên án gian, ông Tài tự hào nói rằng, nhờ đức sáng của tổ Văn Trinh công mà cháu con nối đời hiếu học, chăm chỉ đèn sách để ngày càng tiến bộ, trưởng thành.

 Cung thờ tiên triết Chu Văn An trong đình Nội, xã Thanh Liệt.

Cung thờ tiên triết Chu Văn An trong đình Nội, xã Thanh Liệt.

Muốn thêm tỏ tường về truyền thống hiếu học trên quê hương Thanh Liệt, theo lời chỉ dẫn của ông Bùi Tiến Quảng, chúng tôi tìm đến đình thờ tiên triết Chu Văn An. Ngôi đình nằm uy nghiêm trên nền cao ráo, mặt hướng ra dòng sông Tô. Lần giở lịch sử còn lưu lại trong đình được biết, đình Nội vốn là ngôi đền cổ thờ danh nhân Chu Văn An. Sau đó ngôi đền chuyển chức năng thành đình và văn chỉ. Qua nhiều lần trùng tu, đình ngày thêm khang trang có đại bái, hậu cung, tả hữu vu. Với ý tôn vinh đạo học và tri ân tiền nhân, đình trở thành nơi thờ chính danh nhân Chu Văn An và các bậc tiên hiền của quê hương Thanh Liệt. Chúng tôi cùng ông thủ từ Nguyễn Minh Sở vào dâng hương. Trong ánh nến lung linh, giữa ngàn ngạt khói trắng, tượng thầy Chu Văn An đầu vấn khăn xếp mình mặc áo lương xanh ngồi an nhiên tĩnh tại. Hai bên tả hữu phối thờ nhị bậc tiên hiền: Tiến sĩ Chu Tam Tỉnh (là con trai của Chu Phu Tử, đỗ năm Tân Hợi-1431), Tiến sĩ Chu Đình Bảo (cháu 4 đời của Chu Văn An, đỗ năm Giáp Thìn-1484).

Ông Sở cho biết, đây là di tích lịch sử tôn vinh đạo học vì thế nhân dân trong vùng cùng du khách thập phương thường xuyên đến lễ tại đình. Đặc biệt vào các dịp khai giảng năm học mới, Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11), mùa thi, học sinh, giáo viên đến lễ thầy rất đông. Để khơi dậy phong trào học tập, hằng năm vào mùng 5 tháng giêng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thanh Trì tổ chức lễ khai bút đầu năm, dâng hương tưởng nhớ danh nhân Chu Văn An. Các trường trong xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì có nhiều hoạt động sôi nổi như lễ báo công, phát động thi đua trong giáo dục.

Đứng trong khuôn viên đình Nội, đồng chí Phạm Đình Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội khuyến học xã Thanh Liệt đang cùng với cán bộ địa phương chuẩn bị cho lễ tuyên dương học sinh có kết quả học tập tốt trong năm học vừa qua. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, đồng chí Cường cho biết: “Vào dịp tháng 11 hằng năm, tri ân tiên triết Chu Văn An cùng các danh nhân khoa bảng, chính quyền xã làm lễ dâng hương tưởng niệm, tổ chức ngày hội khuyến học khuyến tài, khen thưởng giáo viên, học sinh có thành tích tốt trong dạy và học. Đây là hoạt động thường niên nhằm khuyến khích động viên con em trong xã nỗ lực học tập tiến bộ”.

Năm 2020, toàn xã Thanh Liệt có hơn 200 học sinh tiêu biểu ở mọi cấp học được tuyên dương. Hiện tại, xã có 3/5 trường đạt chuẩn quốc gia, cả 5 thôn đều có chi hội khuyến học. Hằng năm, hơn 60% học sinh lớp 12 tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Có được kết quả trên, các thế hệ người Thanh Liệt luôn tri ân danh nhân Chu Văn An đã đặt móng xây nền khởi nguồn hiếu học. Truyền thống tốt đẹp đó luôn được con cháu đời đời nối tiếp, noi theo gương sáng người thầy của muôn đời.

Bài và ảnh: ĐĂNG KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ve-tham-que-huong-van-the-su-bieu-644246