Về thăm quê, Giám đốc Interpol người Trung Quốc mất tích

Có nghi vấn Giám đốc Interpol bị mất tích là nạn nhân của chiến dịch Đả hổ diệt ruồi của Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) mới đây thông tin, Pháp hiện đang tích cực điều tra về sự biến mất bí ẩn của Giám đốc Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vỹ.

Ông Mạnh đã rời trụ sở Cảnh sát Quốc tế Interpol ở Lyon (Pháp) để về Trung Quốc một tuần trước. Tuy nhiên, đến nay, không có tin tức gì về người đàn ông 64 tuổi này kể từ khi ông trở về Trung Quốc ngày 29/9.

Giám đốc Interpol Mạnh Hoành Vỹ. Ảnh: SCMP

Tờ báo Hồng Kông, Trung Quốc trích nguồn tin giấu tên lại cho rằng, ông Mạnh Hoành Vỹ đã "bị đưa đi" khi vừa đặt chân tới Trung Quốc và đang trong một cuộc điều tra.

Trong một thông cáo, cơ quan báo chí của Interpol khẳng định "đây là vấn đề của các cơ quan liên quan ở cả hai nước Pháp và Trung Quốc". Tổng thư ký Interpol sẽ chịu trách nhiệm điều hành tổ chức này khi ông Mạnh Hoành Vỹ vắng mặt.

Theo New York Times, Bắc Kinh chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về sự biến mất của quan chức an ninh Trung Quốc nổi tiếng nhất thế giới này.

Nhiều nghi vấn đã được đặt ra về việc liệu ông Mạnh Hoành Vỹ có đang bị các nhà chức trách Trung Quốc điều tra hay bị các đặc vụ an ninh bắt đi mà không báo trước hay không.

Deng Yuwen, cựu Biên tập viên của Tạp chí đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định: “Nếu Mạnh Hoàng Vỹ mất tích ở Trung Quốc, khả năng cao nhất đây có thể là một cuộc điều tra chống tham nhũng”.

“Trên phạm vi quốc tế, ông ấy là Giám đốc của Interpol, nhưng trong mắt của các nhà chức trách Trung Quốc, ông ấy trước hết là công dân Trung Quốc, và họ không quan tâm quá nhiều đến danh tiếng quốc tế của ông ấy” - ông Deng Yuwen nói.

Andrew Wedeman, nhà khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia, Mỹ, người chuyên nghiên cứu về vấn đề tham nhũng tại Trung Quốc cho biết, chiến dịch chống tham nhũng "Đả hổ diệt ruồi" dường như đã “hạ nhiệt” sau giai đoạn đỉnh cao vào năm 2015. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục hạ gục “những con hổ” - cụm từ được Trung Quốc sử dụng để ám chỉ những quan chức cấp cao “ngã ngựa”.

“Theo suy đoán của tôi, năm nay Trung Quốc đã hạ được 17 con hổ và ông Mạnh có thể là con hổ thứ 18. Cảm nhận của tôi là giai đoạn tăng tốc của chiến dịch chống tham nhũng đã qua và Trung Quốc đang quay trở lại cấp độ bình thường. Tuy vậy, chiến dịch săn hổ chắc chắn vẫn tiếp diễn” - Giáo sư Wedeman nhận định.

Ông Mạnh lên thay bà Mireille Ballestrazzi, người Pháp vào tháng 11/2016 và sẽ giữ chức này tới 2020.

Theo truyền thông Pháp, cuộc điều tra từ phía Pháp đã được mở ra sau khi phu nhân của ông Mạnh Hoành Vỹ tới cảnh sát Pháp để trình báo về sự mất tích của chồng. Gia đình không thể liên lạc với ông Mạnh và cũng không làm cách nào để biết ông đang ở đâu.

Phu nhân của ông Mạnh Hoành Vỹ cũng nói với cảnh sát Pháp rằng bà từng nhận được những lời đe dọa qua điện thoại cũng như trên mạng xã hội. Các nhà chức trách Pháp đã đưa ra biện pháp bảo hộ cho bà.

Ông Mạnh Hoành Vỹ là người Trung Quốc đầu tiên nắm giữ chức Giám đốc Interpol. Tờ The Guardian dẫn nghi vấn từ các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng, Bắc Kinh muốn tận dụng việc phong chức cho ông Mạnh để truy bắt "kẻ thù chế độ" bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Interpol là tổ chức với 192 quốc gia thành viên. Cơ quan này có thể phát lệnh truy nã toàn cầu theo đề nghị của quốc gia thành viên, song không có quyền ban hành lệnh bắt giữ trực tiếp. Năm 2014, Interpol đã phát lệnh truy nã 100 quan chức Trung Quốc chạy trốn ra nước ngoài.

Sự mất tích của Giám đốc Interpol cũng diễn ra trong khoảng thời gian Trung Quốc thường xảy ra sự biến mất của một số quan chức, nhân vật nổi tiếng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc không đăng tải bất kỳ thông tin nào liên quan tới cáo buộc nhằm vào ông Mạnh. Tháng 8 vừa qua, ông Mạnh Hoành Vỹ vẫn đón các vị khách ở Bắc Kinh. Trước đó, ông từng chủ trì phiên họp toàn thể của các thành viên Interpol ở Bắc Kinh năm 2017.

Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc hồi đầu tuần đã phát đi một thông điệp cứng rắn rằng danh tiếng quốc tế không phải là “bùa hộ mệnh” giúp các công dân Trung Quốc.

Hai ngày trước khi xuất hiện thông tin ông Mạnh mất tích, truyền thông Trung Quốc đưa tin Phạm Băng Băng, nữ diễn viên nổi tiếng từng tham gia các bộ phim bom tấn của Hollywood, đã phải làm việc với các cơ quan thuế Trung Quốc trong 4 tháng mất tích bí ẩn và bị phạt gần 70 triệu USD vì gian lận thuế.

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã tuyên bố rằng không ai được phép miễn trừ trách nhiệm và nằm trong vòng an toàn dù cho người đó nắm giữ chức vụ cao đến đâu. Ông Tập đã phát động chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" nhằm vào cả "hổ" lẫn "ruồi", tức bài trừ tham nhũng trong các quan chức từ cấp cao tới địa phương.

Năm nay, Trung Quốc đã thành lập một cơ quan điều tra chống tham nhũng với thẩm quyền mở rộng để bí mật bắt giữ các quan chức bị nghi mắc sai phạm.

Theo New York Times, các quan chức Trung Quốc nằm trong diện bị điều tra thường mất tích vài tuần, thậm chí vài tháng trước khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiết lộ về số phận của họ.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/ve-tham-que-giam-doc-interpol-nguoi-trung-quoc-mat-tich-3366806/