Về thăm ngôi làng đặc biệt hơn 70 năm may cờ Tổ quốc

Đi dọc các tuyến phố vào những ngày này, tất cả chúng ta đều cảm thấy tự hào khi nhìn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay nhưng ít ai biết được về nơi sản xuất ra chúng là từ đâu...

Những người nghệ nhân đang ngồi dùng từng đường kim, mũi chỉ của mình thêu dệt nên lá cờ Tổ quốc thiêng liêng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Những người nghệ nhân đang ngồi dùng từng đường kim, mũi chỉ của mình thêu dệt nên lá cờ Tổ quốc thiêng liêng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cách thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía Nam, làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín không chỉ nổi tiếng với nghề thêu truyền thống, mà nơi đây đã làm ra hàng triệu lá cờ Tổ quốc đến khắp mọi miền đất nước, gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc.

Cách đây 75 năm, vào ngày 2/9/1945 lịch sử, trong rừng cờ tại Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, có hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng do người dân làng Từ Vân may.

Trò chuyện với chị Vương Thị Nhung, một trong số không nhiều người ở làng Từ Vân còn theo nghề thêu tay thủ công, chị cho biết đây là nghề từ đời bố mẹ để lại, con cháu bây giờ cứ theo gia truyền đến nay cũng đã được ba đời, ai cũng yêu và đam mê với nghề.

Không chỉ riêng chị Nhung, nhiều người trong gia đình khi nhắc đến cờ Tổ quốc đều ánh lên một niềm tự hào.

Tất cả những nguyên liệu để may cờ cũng phải được lựa chọn kỹ càng. Loại vải may lá cờ là vải sa mua từ làng La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội; còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây là những nguyên liệu đạt chất lượng cao để cấu thành nên một lá cờ bền đẹp, tinh tế.

"Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận. Nghề may cờ Tổ quốc có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu... mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỷ mỷ trong từng đường kim, mũi chỉ,” chị Nhung nói.

Hiện nay, nhiều người đã sử dụng máy để thêu sao vàng 5 cánh trên cờ thì các nghệ nhân vẫn cần mẫn tự tay thêu dệt nên những tác phẩm của mình. Mặc dù công sức phải bỏ ra nhiều hơn song với họ, việc làm này đã trở thành một thói quen và niềm yêu thích.

Ông Tạ Văn Thiết, một nghệ nhân thêu tay có độ tuổi đã 'thất thập cổ lai hy' vẫn đang ngồi miệt mài bên khung cửi để cho ra những sản phẩm thêu tay của mình. Ông chia sẻ để cho ra một sản phẩm cờ Tổ quốc thường mất khoảng 2 ngày, nếu thợ nào trẻ, lành nghề hơn thì thời gian sẽ ngắn hơn.

Hiện nay, dù không còn nhiều hộ duy trì nghề may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân, song việc gìn giữ và phát triển làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Những sự kiện trọng đại, các ngày lễ lớn của dân tộc, đều có lá cờ Tổ quốc của làng Từ Vân.

"Chúng tôi mong rằng cái nghề thêu cờ Tổ quốc vẫn sẽ được còn mãi và thế hệ con cháu sẽ tiếp bước nối nghiệp theo truyền thống của cha ông để lại," ông Thiết nói.

Những sản phẩm cờ của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng ở Thủ đô Hà Nội mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn. Những lá cờ đỏ sao vàng, vời vợi, tung bay trước gió có mặt ở mọi miền Tổ quốc, khẳng định nền độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tình yêu Tổ quốc vẫn ngày ngày được nhân lên qua từng đường kim mũi chỉ của chị Nhung, ông Thiết hay những người con của làng Từ Vân...

Minh Hiếu-Minh Sơn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/video-ve-tham-ngoi-lang-dac-biet-hon-70-nam-may-co-to-quoc/660313.vnp