Về thăm ngôi đình cổ được người dân góp hàng tỉ đồng để gìn giữ

Đình làng Lưu Khê gây ấn tượng với bất cứ ai ghé chân đến làng không chỉ bởi kiến trúc độc đáo, chạm khắc tinh xảo hiếm thấy mà đặc biệt, dân làng còn rất yêu mến, trân trọng ngôi đình cổ. Bởi thế cho nên, khi cần trùng tu, tôn tạo đình, người dân làng đã nỗ lực đóng góp tiền tỉ để tu bổ.

Ngôi đình độc đáo

Làng Lưu Khê là một làng thuần nông nằm ở phía Tây Hà Nội (xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội). Theo những người già ở làng, Lưu là dòng chảy, Khê nghĩa là đọng lại. Lưu Khê có nghĩa là nơi đọng lại của dòng chảy. Cũng như bao làng quê của vùng đồng bằng Bắc bộ khác, khi nói đến làng, không thể thiếu hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình. Đình Lưu Khê lại có một điểm đặc biệt, đó là không có cây đa thay vào đó là cây muỗm. Những cụ già trên 80 tuổi ở làng Lưu Khê cho biết, cây muỗm này đã cao, lớn như vậy từ khi các cụ còn nhỏ. Tính tuổi đời cây cũng đến hơn trăm năm.

Quang cảnh bên ngoài đình Lưu Khê

Cây muỗm ở ngay bên cạnh đình Lưu Khê là ấn tượng đầu tiên mà bất cứ ai đến làng. Cây muỗm cổ thụ có tán lá tuyệt đẹp, cân đối và vững chãi tỏa bóng xanh mát ngay bên giếng làng. Một quần thể đình đẹp, hài hòa và thu hút, đó là những từ chính xác nhất để miêu tả về cảnh quan đình Lưu Khê.

Nhưng đó mới chỉ là ấn tượng đầu tiên về ngôi đình này. Bước qua cổng đình vào bên trong, những kiến trúc độc đáo còn khá nguyên vẹn của đình mới là điều đáng để khám phá.

Không như các ngôi đình khác của vùng đồng bằng Bắc bộ, đình Lưu Khê có phần giống gác chuông của chùa Keo, Thái Bình. Cũng mái vòm theo kiểu chồng diêm cổ các, đình có 2 tầng với 8 mái. Chạm khắc trang trí mỹ thuật tôn vẻ đẹp lộng lẫy từ trong ra ngoài.

Mỗi tầng đình Lưu Khê có 4 mái, đều có hình rồng uốn lượn, đẹp lộng lẫy. Phía trong, mỗi đầu rui, mè đều còn nguyên vẹn những hình rồng tinh tế, uốn lượn mềm mại. Nối giữa các thành xà lên đến mái, những mảng chạm khắc gắn với những điển cố, điển tích cũng được chạm trổ tinh vi. Nối giữa hai tầng mái, những con sơn đa dạng, chạm trổ phong phú không chỉ có tác dụng đỡ đầu bẩy hay xà mà còn là yếu tố thẩm mỹ ấn tượng.

Bên trong đình Lưu Khê với vẻ đẹp độc đáo

Giữa mái đình là hình ảnh tương tự như nhụy của một bông hoa sen sau khi đã rụng hết cánh. Những hình lấp lánh trên nhụy hoa biểu trưng cho bầu trời, những vì sao tinh tú và sự trường tồn. Đình Lưu Khê ẩn chứa trong nó là một giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo khác biệt.

Gìn giữ cho đời sau

Theo cụ Đặng Văn Đại (85 tuổi) thủ từ đình Lưu Khê cho biết, đình Lưu Khê thờ Đức thánh Quý Minh đại vương. Năm ấy, đất nước có chiến tranh, Hùng Vương thứ 18 giao Quý Minh đại vương phụ trách đi dẹp giặc. Khi đi đến làng Lưu Khê, Quý Minh đại vương đã chọn vùng đất này để chiêu mộ binh mã, nhân tài và luyện quân. Trước khi đánh giặc, Quý Minh đại vương đã xây một ngôi miếu ở bãi đất Lưu Khê. Sau đó, khi Quý Minh đại vương đánh thắng giặc trở về, đi đến vùng Đông Tác thì có một dải mây vàng sà xuống, Ngài theo dải mây bay về trời. Từ đó người dân làng Lưu Khê ngày đêm thờ cúng Ngài ở ngôi miếu ngài để lại. Sau đó, ngôi miếu được chuyển về địa điểm là đình Lưu Khê ngày nay.

Những mảng chạm khắc trên xà đình Lưu Khê

Đây cũng là điều tương đồng với truyền thuyết dân gian. Theo truyền thuyết, Quý Minh đại vương là một trong ba anh em, ba vị tướng đã được phong Thánh gồm đức Thánh Tản Viên, đức Thánh Cao Sơn, đức Thánh Quý Minh, có công trấn ải Sơn Nam, bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức Hùng Vương thứ 18). Ngài là một "thượng đẳng thần," được các triều vua ban chiếu sắc phong, được nhân dân tôn là Thành hoàng làng ở nhiều nơi, nổi tiếng là vị thần linh ứng khi dân gian cầu đảo, đặc biệt là chở che cho người dân khi đất nước bị xâm lăng.

Cụ Chu Thị Liên (78 tuổi), Chủ tịch Hội người cao tuổi làng Lưu Khê chia sẻ: “Những năm chống Pháp, mỗi lần giặc đi càn thì người dân làng Lưu Khê đều trốn trong đình. Cán bộ Việt Minh thì nằm trên máng đình. Thế mà giặc càn đến nhưng không vào. Chỉ mở cửa ngó nghiêng rồi rút đi. Người dân chúng tôi cứ tâm niệm, phần nào cũng có uy linh của ngài che chở.

Đình Lưu Khê có kiến trúc độc đáo

Cụ Đặng Văn Đại bổ sung thêm: “Hồi 9 năm (1945-1954), đình là nơi giấu súng đạn để bộ đội chống giặc. Lúc nào cũng đảm bảo an toàn, không có tổn thất về người, về vũ khí”.

Người làng Lưu Khê bây giờ vẫn giữ những nếp văn hóa truyền thống từ xa xưa trao truyền lại đối với văn hóa đình làng. Người được chọn làm thủ từ phải là các cụ ông tuổi trên 70, song toàn (còn vợ), con cái đủ nếp tẻ, có đạo đức, uy tín, gia đình khá giả… Những điều kiêng kỵ cũng vẫn được thực hiện nghiêm ngặt như: phụ nữ không được vào hậu cung, người có đại tang không được vào đình…. Những đồ vật quý hiện còn lưu giữ như đũa ngà phải đến ngày tốt mới thỉnh Ngài để đem ra lau rửa, phơi nắng…

Người dân Lưu Khê đóng góp hàng tỉ đồng để tôn tạo di tích

Đáng tiếc là nhiều báu vật như sắc phong, ché vàng ché bạc, đôi lộc bình cổ… đã bị thất lạc sau khi làm công tác kiểm kê để công nhận di tích cấp tỉnh (Hà Tây) năm 1988.

Cụ Chu Thị Liên chia sẻ: “Năm 2017, nhiều hạng mục trong khuôn viên đình bị hư hỏng, sập xệ, không tương xứng với một di tích cấp thành phố. Người dân Lưu Khê đã tự quyên góp được gần 1 tỉ đồng để tu bổ lại. Ngoài ngôi đình cổ được giữ nguyên thì các hạng mục như nhà sắp lễ, sân đình, cổng đã được tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Mong muốn của các cụ cao niên ở làng và người dân nơi đây là di tích sẽ được quan tâm và xếp hạng quốc gia để lưu truyền và lan tỏa sâu sắc hơn giá trị văn hóa của cha ông đến thế hệ mai sau của vùng đất này”./.

Hà An

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/ve-tham-ngoi-dinh-co-duoc-nguoi-dan-gop-hang-ti-dong-de-gin-giu-350184.html